Cái roi tre của ba
Nghe chồng tôi kêu con gái: lấy cái roi ra đây cho ba, cô con gái 3 tuổi của tôi với đôi bàn tay bé xíu, một tay lại che mông, tay còn lại che mặt, miệng mếu máo chưa tròn vành: đ…au… đ…au! Tôi không khỏi buồn cười trước điệu bộ đáng yêu của con nhưng nét mặt vẫn cố tỏ vẻ nghiêm nghị. Mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến cái roi tre của ba tôi thuở nào.
Nhà tôi ở ngăn cách với hàng xóm phía đông là một rặng tre đã già với những thân cây cao vút, các nhánh phụ túa ra như những cánh tay đang ôm níu lấy nhau, những cây măng non cũng thi đua đội đất, đội lá mọc lên, chúng tự xây thành một bức tường chạy dọc theo khu vườn nhà tôi. Phải nói rằng, hồi còn nhỏ, tôi không thích rặng tre này lắm, thậm chí là…tôi ghét nó. Vì cứ sáng sớm, trước khi đi làm, kiểu gì ba cũng giao nhiệm vụ cho mấy anh em ở nhà nhặt hết lá tre rụng trên những luống rau cải, mùng tơi ngoài vườn. Từng lá tre nhỏ lả tả giăng mắc, rải rác khắp vườn khiến anh em tôi nhặt đến mệt, trong cái nhìn ngán ngẩm. Điều đáng nói là cũng… tại rặng tre đó mà trong nhà tôi lúc nào cũng sẵn roi tre!
Những nhánh tre già dưới gốc, nhỏ như ngón tay trỏ, thuôn, dài bằng một sải tay người lớn thường được ba tôi chọn làm roi. Sau khi chặt bỏ hết các phần phụ trên thân nhánh tre, ba đem nó phơi nắng rồi lại gác bếp một thời gian. Khói bếp nhuộm thân roi từ màu trắng yếu ớt ngả màu vàng óng, rồi vàng ruộm rắn rỏi. Khi cây roi đã hong khói bếp vàng đều, ba đem rửa rồi giắt gài một cách cẩn thận vào mái hiên trước nhà. Anh em tôi thấy nó mà phát sợ, đứa nào cũng có ý định giấu hoặc bẻ nó đi mỗi khi ba vắng nhà nhưng chẳng ai dám làm điều đó. Và cứ thế, cây roi tre cứ lởn vởn trong giấc mơ của anh em tôi suốt một thời thơ trẻ.
Những đứa trẻ quê nghèo như chúng tôi thời đó là chúa những trò nghịch ngợm: nào là trốn đi tắm sông giữa trưa về muộn, nào là đá bóng ngoài sân làm vỡ ngói hiên, nào là hái trộm ổi, khế bị người ta đến tận nhà gọi tên,… Ba tôi phải sắm cây roi tre là vì thế! Tôi không còn nhớ rõ hồi nhỏ đã bị ba cho “ăn roi” bao nhiều lần, chỉ biết rằng đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in bài đánh roi của ba. Ba không nóng nảy, thấy cái gì cũng lấy đánh bừa hay lùa đánh con như ông Tường phía sau nhà tôi. Biết anh em tôi mắc lỗi, đầu tiên, ba gọi lần lượt từng đứa nằm úp mặt thẳng hàng trên giường, rồi bước ra ngoài hiên lấy cái roi tre. Tiếng bước chân ba đi vội cùng tiếng roi tre nghe cái “s…oạt” khi ba rút trên mái hiên xuống vọng vào khiến anh em tôi nằm trên giường mà lạnh cả người. Tiếp đó, ba sẽ hỏi tội từng đứa, tùy theo tội nặng, nhẹ mà sẽ phải nhận bao nhiêu roi, nhưng bao giờ cũng thế, ba không đánh hết tất cả số roi, kiểu gì cũng cho nợ vài roi để nhớ lần sau. Từng chiếc roi tre lao mình xuống kêu đen đét khiến mông anh em chúng tôi đứa nào đứa nấy rát bỏng đến chảy nước mắt. Cảm giác đau đớn hòa lẫn với hối hận lúc đó cứ thế vỡ òa. Cuối cùng, sau khi “lĩnh thưởng” trận roi tre xong, ba lại bắt anh em tôi ra ngoài giếng rửa mặt, và ai vào việc nấy. Thế rồi, tuổi thơ của anh em tôi ngày một lùi xa, những trận đòn roi của ba cũng thưa dần, chiếc roi tre ba cất nó đi lúc nào tôi chẳng hề biết.
Anh em tôi giờ ai cũng đã có con cái đề huề, mỗi người lập nghiệp một nơi. Mỗi lần có dịp cả gia đình sum họp, chúng tôi lại thường kể về những trò nghịch ngợm ngày xưa, những trận đòn roi của ba. Có lần, cô con gái lớn của tôi hồn nhiên hỏi: Sao ông phải sắm một cây roi tre như thế hả ông? Ba tôi xoa đầu đứa cháu gái với nụ cười mãn nguyện: Không có cây roi tre như thế thì làm sao có được ba cháu như ngày hôm nay!
NGUYỄN ĐÌNH THU