Thư cho anh
Biết tên anh thì cũng đã lâu nhưng mãi đến hai năm trước mới gặp. Thiên hạ quen gọi, như thế là thuộc loại chậm, duyên muộn. Có lẽ đúng, vì cũng có lẽ, cả hai chúng tôi đều có vẻ… chậm. Chậm trong phong thái bên ngoài. Và chậm cả trong đời sống. Không biết có phải vì thế hay không mà trong lần gặp đầu tiên, lại có cảm giác cả tôi và anh đều có lẽ (thêm một lần “có lẽ” nữa nhé!) thuộc loại người… không thành công, ở đời.
Ngoài tên khai sinh, anh còn có tên khác nữa: Tịnh Viên. Tịnh, là yên, có lẽ? Yên, cũng là… chậm, có phải? Rồi lại mơ mơ màng màng: dường như cái cảm giác đầu tiên ấy là… không sai!
Cái cảm giác ấy còn đọng lại đến vài ngày (kể cũng lạ), nhất là khi đã ở độ tuổi nhích dần tới cái ngưỡng thất thập nhi tòng sở dục bất du củ (*). Rồi ở xa, một lần anh gọi điện thăm tôi. Chỉ mới qua sơ kiến, mà cuộc điện đàm diễn ra khá lâu. Anh nhắc lại một câu viết về người bạn chung của cả hai là thầy Tấn Tuệ: “Thơ, vừa chẳng là điều gì quan trọng, vừa không thể lơ là...”. Có vẻ như là việc trò chuyện văn chương, nhưng không phải nói về thơ; mà như một sự chia sẻ về chuyện “sống ở đời”. Như thế là quý lắm. Cũng có nghĩa là, anh đã cho tôi có thêm một dịp để hiểu rằng: chỉ cần ta đến gõ lên trái tim của người khác bằng lòng chân thành, thì sẽ có tiếng trả lời.
Sắp 70 tuổi, là vui. Có lẽ ai cũng vui. Vì đã đi qua một chặng, trên Con Đường. Chặng đường của đời này, như thế là đã dài, dài lắm! Nhưng Con Đường, thì hãy còn xa. Xa bao nhiêu, không ai có thể biết được, ngoại trừ những bậc đã “đắc”. Bảy mươi năm bước đi, nhìn thấy, lắng nghe; đôi lúc nói lên vài tiếng gì, khi thì cúi đầu yên lặng... Tất cả, cũng chỉ là để hướng về cái phía đã mơ hồ cảm nghiệm mà chưa thể “nắm” được. Tất cả cái-gọi-là cuộc nhân sinh, nó như thế đấy…
Đêm, nhìn lên bầu trời. Có nhiều ngôi sao lắm, ai mà đếm được! Mảnh đất Việt Nam nằm trong khu vực có thể thấy được cả chòm sao Bắc đẩu và chòm sao Nam tào (Thập tự). Nhìn thấy để làm gì, nếu không phải để biết đâu là Bắc - Nam, để tạm “định vị” cho chính cuộc-trôi-lăn mờ mịt của bản thân mỗi người, chẳng phải như thế ư?
Nhìn lên bầu trời đêm, tháng bảy. làm sao mà “đếm” cho hết được, giữa mênh mông vô tận của dải thiên hà. Có lẽ chỉ nên dõi tâm vào một-hai vì sao nào đó. Để có thể nghe thì thầm câu chuyện của vì tinh tú ấy. Để biết rằng, trời là hình ảnh phóng rọi của tâm thức. Như hình ảnh chòm sao Orion, xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa. Với Ai Cập, thì hình ảnh ba ngôi sao ở thắt lưng của chòm sao Orion tương ứng với ba kim tự tháp chính tại Giza. Với thần thoại Hy Lạp - La Mã, thì Orion là một thợ săn nổi tiếng đã bị thần Hera (vợ của thần Zeus) phái Bọ cạp đến giết chết rồi được thần Zeus thương tình đưa cả hai lên bầu trời, biến thành hai kẻ tử thù chẳng muốn thấy mặt nhau (khi chòm sao Thợ Săn mọc nơi chân trời đông cũng là lúc chòm sao Bọ Cạp khuất dần ở phía tây)…
Những ngôi sao, với tiếng nói yên lặng của chúng, là lời của những người thân thiết ở nhiều nơi xa vẫn thường nhắn gửi đến ta một điều gì. Và khi đã vượt qua được bao nhiêu tang thương của cuộc hệ lụy này, có thể nghĩ rằng, con người vẫn có được đôi chút hạnh phước.
Khuya tháng bảy, nhìn lên bầu trời đêm. Và biết, anh cùng nhiều người khác cũng đang nhớ đến bằng hữu như thế. Anh Lê Tất Sỹ à!
____________________
(*): Ở tuổi 70 thì sống theo sở thích của bản thân nhưng không vượt ra ngoài lễ giáo (Luận ngữ).
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT