Cây của làng
Nói đến làng quê là liên tưởng đến cây đa bến nước. Hầu như các làng Quảng Nam mà tôi có dịp đến cách đây mấy chục năm, nơi nào cũng còn lưu lại nhiều cây cổ thụ uy nghiêm ở cạnh đầu làng, bên mái đình, chùa cổ, bến sông... Nhiều cây cổ thụ tồn tại hàng trăm năm bên những miếu - bu mông (những di tích văn hóa Việt - Chăm). Trải qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc, mà lạ thay những cây cổ thụ ấy vẫn sừng sững như một phép màu. Có người bảo: Trong cây có thần!
Cây đa tỏa bóng mát sân đình.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Cổ thụ trong tín ngưỡng
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng viết về tín ngưỡng thờ cây: Chuyện “cổ thụ thiêng” vẫn lưu truyền trong tâm thức người Việt, từ Hà Nội đến Sài Gòn. Tục thờ cây là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tín ngưỡng dân gian Ấn Độ, tín ngưỡng dân gian toàn nhân loại…”.
Thực vậy, tục thờ cây rất phổ biến và sự tôn kính đã đi vào tiềm thức không phai nhạt của người Việt. Chúng ta có hẳn chuyện cổ Mộc tinh trong Lĩnh Nam chích quái và tục thờ mẫu thượng ngàn hay thờ cây đa, cây gạo ở mọi làng quê, đình chùa, những nơi tôn kính. Các nhà nghiên cứu tâm linh cho rằng, cây cối là loại sinh thể đặc biệt, có đời sống trực giác tâm linh y như con người; có năng lượng phát ra và tương tác được với năng lượng của con người. Cây còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma quỷ.
“Thần cây da, ma cây gạo, cú cáo cây đề”.
“Cây thị có ma, cây đa có thần”
“Ở cho phải phải phân phân
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”…
Cây càng lớn, càng già, hào quang càng rực rỡ và trường sinh lực (bio field) càng mạnh. Trường sinh lực là sức mạnh vô hình của thảo mộc. Trong kho tàng văn chương bình dân, có những câu tục ngữ mang ý răn đe những người chặt cây, phá rừng như “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá…”. Chính những răn đe đó đã tạo nên những giai thoại về thần linh như ở điện Hòn Chén (Thừa Thiên Huế), ở Rú Dẻ, nơi có mộ của vua Mai Hắc Đế (Nghệ An)… khiến những khu rừng nguyên sinh được giữ gìn từ đời này qua đời khác. Ở nhiều nơi, dưới những gốc đa, gốc cốc cổ thụ bao giờ cũng có những miễu thờ; có nơi là chỗ tập kết những bình vôi, ông táo cũ với những câu chuyện thần bí vây quanh…
Nhà dân tộc học Nguyễn Tùng quê Quảng Nam làm việc tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CRNS) nhắc đến tục thờ các cây cối linh thiêng của người Việt từ một khảo sát của H.Doré, Cadière: Đó là các thứ cây “uy nghi nhờ cành lá sum sê và nhờ sống lâu năm. Khi già đi, chúng trở thành linh thiêng và siêu nhiên hóa; người ta tin là chúng có được một quyền lực siêu việt”. Như vậy, các cây cổ thụ có thể thành tinh, nhưng thông thường thì chúng là nơi trú ngụ của của những thần linh…
Từ tín ngưỡng ấy, những cổ thụ đã trở thành tài sản chung của mỗi làng Việt từ xa xưa. Ở Quảng Nam, nhiều nơi tên cây lại trở thành chính tên của những làng quê: Cây Trâm, Cây Cốc, hay Uất Lũy (cây rừng rợp lũy, cổ thụ một bờ xuân - Ô châu cận lục)…
Cây cộng đồng
Bởi tính chất thần linh hóa từ tín ngưỡng thờ cây nên hầu như những cây cổ thụ đều được người làng tôn kính và coi như tài sản tinh thần của địa phương. Từ cây đa bến nước bên dòng sông quê, cây đề ở cổng chùa, cây cốc ở đầu làng đều là tài sản chung của cộng đồng.
Người nông dân trên đường từ đồng ruộng trở về dừng chân ở gốc đa đầu làng, những bà nội trợ từ chợ về ngồi nghỉ dưới gốc đa bến sông, đám trẻ mục đồng thả trâu bò xong lại tụ hội bên gốc cây cốc cổ thụ ở bìa rừng đá kiện, u mọi; cho đến lũ học trò tan học “đút vở bụi tre” tụ tập dưới những bóng râm cổ thụ đình làng chơi các trò trẻ nhỏ… Tất cả họ, từ trong vô thức vẫn coi như nơi chốn đó là những chỗ sinh hoạt mang tính cộng đồng từ bao đời… Để rồi khi đi xa khỏi làng và quay về, ai cũng nhìn thấy những cây cao bóng cả ấy từ rất xa và rộn lên trong lóng nỗi bồi hồi xúc động.
Cây đa đình làng hay cây cổ thụ nói chung ở mỗi làng quê, ngoài yếu tố tín ngưỡng còn mang tính biểu tượng của những tháng năm đẹp nhất đời người, dù là gặp gỡ hay chia ly, giàu có hay nghèo hèn. Tất cả đã đi vào ca dao:
Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác xưa.
Không tiền ngồi gốc cây đa
Có tiền thì hãy lân la vào hàng
Cây đa trốc gốc trôi rồi,
Đò đưa bến khác em ngồi đợi ai
Trèo lên quán dốc cây đa,
Gặp chị bán rượu la đà say sưa
Cây đa rụng lá đầy đình,
Bao nhiêu lá rụng ta thương mình bấy nhiêu…
Di sản cây
Cổ thụ của làng còn là gắn liền với bao cổ tích, là kỷ niệm của mỗi đời người, mỗi hạnh phúc lẫn khổ đau là vậy…Văn hóa từ cộng đồng từ hình tượng những bóng râm cổ thụ đã được san sẻ thành văn hóa của mỗi thành viên. Cây của làng mà cũng là cây của tôi, của anh trong mối liên kết, cộng cư, sẻ chia ngọt bùi thôn dã…
Bởi vậy, khi chúng ta nói đến việc công nhận các “cây di sản”, ta không chỉ nói đến giá trị thời gian của những cổ thụ đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử hay các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, mà là hàm chứa cả tính nhân văn trong đó: Cây là người, là tín ngưỡng, là tình yêu được ký thác, là những kỷ niệm của làng quê mà ta đã có được những ngày niên thiếu và mang đi rồi nhớ về với bao nhiêu hoài bão.
Mỗi bận về quê cũ, ta lại nhìn thấy những cổ thụ làng mình, sừng sững như một ngọn hải đăng chỉ vẽ đường đi lối về và cả cách sống thương yêu đùm bọc của tình lân lý, tộc họ… mà những “cây cao bóng cả” của làng đã dày công vun đắp.
Nhìn cây mà nghĩ đến rừng và rừng sẽ lên xanh…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG