Tuổi trẻ của chúng ta đã đi qua chiến tranh…
(QNO) - Có lẽ, ai đã từng đi qua chiến tranh, đã từng ôm thân xác đồng đội mình đặt vào lòng đất, không kịp thắp một nến hương tiễn biệt vì hối hả hành quân thì mới thấy được “chiến tranh” nghiệt ngã đến chừng nào…
“Chiến tranh”. Biết bao các anh, các chị đã vĩnh viễn ra đi không hẹn ngày về. Biết bao người mẹ, người vợ dõi theo mòn mỏi không còn nước mắt khóc thương, gọi tên khắc khoải người con, người chồng đã nằm lại ở những miền xa xôi của Tổ quốc thân yêu. Trên những con đường thanh bình của đất nước hình chữ S hôm nay, tới địa phương nào cũng gặp nghĩa trang liệt sĩ. Có những nghĩa trang với hàng chục ngàn nấm mộ như Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Côn Đảo… Có những “nghĩa trang” chỉ vài nấm mộ, có những “nghĩa trang” chỉ duy nhất một nấm mộ được chăm sóc bởi người dân trong mảnh vườn của mình và cũng có những “nghĩa trang” không mộ… bởi xương máu của các anh, các chị đã vùi vào cỏ cây, tan vào sông, biển.
Như thường lệ hằng năm, gần đến ngày 27.7, tôi thường đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ. Và năm nay, khi đi viếng nghĩa trang, tôi gặp bà cụ ngồi lặng lẽ trầm tư trước ngôi mộ, cụ đã gần 90 tuổi và đây là mộ đứa em trai út của cụ, anh đã hy sinh năm 1972 tại Đà Nẵng, năm đó anh mới 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học sư phạm. Nếu không có chiến tranh thì anh ấy đã là một nhà giáo, giá như không có chiến tranh thì anh ấy đã có một gia đình, giá như không có chiến tranh thì cụ và gia đình đã không phải khóc cạn nước mắt vì đau thương… Và còn bao nhiêu con người như thế nữa?
Chiến tranh quá tàn bạo, quá nhiều hy sinh mất mát, đó là còn chưa kể đến những người ở bên kia chiến tuyến, sinh mạng nào cũng cao quý, sự sống nào cũng quan trọng. “Tuổi trẻ của chúng ta đã đi qua chiến tranh” - tôi muốn nói giúp các anh, những chiến sĩ may mắn còn sống khi đi qua cuộc chiến tranh giờ đây đã là những cựu chiến binh, là ông, là bà, để mỗi năm gặp lại nhau lại hiện hữu lên khuôn mặt sự tự hào về một thời máu lửa của tuổi trẻ đã cống hiến cho quê hương. Tôi cũng mượn câu nói đó để nói hộ những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, các anh, chị đã mãi mãi để lại cơ thể mình, sự sống và cả tuổi trẻ của mình cho quê hương, xương máu của các anh đã hòa vào non sông, tạc nên dáng hình đất nước.
Cuộc đời người ai cũng qua một thời tuổi trẻ, một tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và những ước mơ. Thời gian có thể trôi qua nhưng ký ức đẹp của một thời tuổi trẻ luôn đọng lại ở mỗi con người, là niềm tự hào kiêu hãnh, điểm tựa để vươn lên cống hiến. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có một lớp thanh niên đã coi tương lai của dân tộc là lý tưởng của chính mình, sẵn sàng dấn thân, chấp nhận hy sinh để đổi lấy độc lập tự do cho đất nước. Họ là thế hệ thanh niên anh hùng của một dân tộc Việt Nam anh hùng.
Tuổi trẻ sẽ không đến hai lần, mỗi cuộc đời chỉ có một… Như một ngày tôi lặng lẽ bước đi giữa hàng dài các ngôi mộ với những dòng chữ Liệt sĩ… hy sinh năm 20, 21, 22, 23, 24… tuổi, tôi chợt thấy tuổi trẻ của các anh quá oanh liệt, đã được giữ lại cho không chỉ thời đại mình mà cho cả thế hệ mai sau. Tôi nhận ra trách nhiệm của tuổi trẻ chúng ta hôm nay rất lớn, phải thực sự cống hiến nhiều hơn nữa, phải gìn giữ và khẳng định rằng:
"Trời xanh đây là của chúng ta,
Núi rừng đây là của chúng ta,
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa".
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
NGỌC CHÂU