Lá rụng

TRUNG VIỆT 16/07/2016 09:41

Lá rụng đầy sân. Giữa hè, hốt nhiên tôi nhớ chuyện mùa đông.

Là khi lá bắt đầu rụng để chuẩn bị phát lộc chờ năm mới, ít ra là cây bồ đề và cây  bàng trong chùa đang cơn vặn mình, lả tả lá bay.

Lá rụng, thì tội nhất là thằng nhỏ quét chùa. Nó kể, nhà tại Hải Phòng, ở nhờ  chùa, học lớp 12, có trách nhiệm quét chùa mỗi sáng. Sáng nào cũng lá rụng đầy sân. Cây chổi cao lêu nghêu, nó đưa chậm chạp như đeo xích đi đày. Một bữa nó nói,  chắc cháu không ở nữa đâu, vì năm cuối cấp, học hành căng lắm, mà cháu mất căn bản toán  và anh văn, phải có bạn để hỏi, nhưng bạn không được vô chùa, nên cháu buồn lắm. Có về quê không? Dạ, về chứ, nhưng cháu sẽ đi xe, mới ngắm cảnh được, tàu chán lắm. Người già, trải đời, ưng đi  tàu, vì cái nhịp tàu lửa dễ gợi quá vãng, đong đưa kỷ niệm, còn trẻ thì nhoang nhoáng, cuồng quýt. Chứ mi thi vô ngành mô? Dạ, chưa biết, cháu ưng làm chính trị. Là sao? Dạ ưng đi bộ đội, phục vụ lâu dài, nhưng chắc khó, ưng vô học viện hành chính, nhưng họ lấy điểm cao quá, chắc cháu thi văn - sử - địa cho chắc ăn, nhưng cũng không chắc, học xã hội ra thì làm được cái chi. Cái chổi trên tay nó chực rơi ra, dùng dằng. Một chiếc lá rụng vèo trước mặt, nó đưa cái chổi tới, roạt, tiếng cọ xuống  nền xi măng như tiếng thở dài chán nản.

Lá rụng nhiều quá. Mấy thầy cũng quét. Chừng qua rằm, cây sẽ phát chồi, lúc đó sẽ xanh ươm, gân lá mỏng tang như tờ giấy, ánh nắng sẽ được dịp lung linh quang phổ. Độ này năm ngoái, lá rụng nhiều hơn. Sư thầy nói, do thời tiết bất thường. Ôi thôi, lòng người như thời tiết, nhưng chiếc lá rơi thì chỉ có một quỹ đạo, hoặc thẳng đứng, hoặc gặp gió, nó chao đảo, lòng vòng, rồi đáp đất.  Tôi nhìn các thầy và thằng nhỏ gom lá, cho thùng rác, thấy hình như họ đang nối cánh tay cho cái đẹp phổ quát hơn trong mắt chúng sanh. Nhưng thói tính kỳ quặc, tôi lại ưng để im lá trong vườn đó, để chúng sanh viếng chùa, chân đi trên lá khô, gợi hoang liêu cô tịch, dù chùa ở ngay phố…

Tôi nói với sư thầy, cây bồ đề là thứ sống nương tựa kẻ khác, bản thân nó không sinh cây lá được, mà phải nhờ gió, nhờ chim đưa hạt đi. Cây lớn, thân hình cổ quái, chim  về tá túc kêu hát véo  von. Một bữa tôi đi làm về, thấy hai thằng trèo lên cây, mang theo cái lồng chim nhốt con chim mồi. Mấy con chim trời thơ dại ngu ngơ thấy bạn sà đến, thế là dính bẫy. Nhưng cũng không bắt hết. Sư thầy gật, ừ,  nhưng tôi nói thêm rằng, đó,  nhờ chúng sanh, với phật, vạn pháp là chúng sanh hết, thì gió, chim cũng là chúng sanh, nhờ vậy mà phật pháp mới xiển dương hoằng pháp được. Nghe vậy, thầy quay lưng.

Lá vẫn rụng đầy sân, vừa quét xong, lại đáp xuống. Nhưng chỉ mỗi sáng, lá mới được gom. Màu vàng, màu đỏ chen nhau trong sân chùa, khiến tụi nhỏ đá banh thích, nhưng banh rơi vào chánh điện, bị sư thầy la, tụi nó dồn lá lại rồi tung lên, lá bay tứ tung, vàng đỏ nhảy múa như gió  hất đồ vàng mã. Tôi ước, giá mà lá như nén lại cái ngày lìa cành, rủ nhau, sau một đêm ngủ dậy, tất cả đều rụng, trơ hết cành, lúc đó, sân chùa là những gam màu vàng đỏ chồng lên nhau như áo diễn viên, như “tuồng ảo hóa khéo bày ra thế”, rồi sau một đêm, chồi bật bung hết, xanh tơ giữa u xám cuối cùng của đông tàn.  Nghe vậy, sư thầy bật cười, anh lãng mạn quá, cái chi cũng có quy trình của nó, từ từ sẽ đến. Tôi cũng cười, biết vậy, nhưng đời sống cần những cơn địa chấn để thay đổi, dẫu biết mọi sự không dễ gì thoát khỏi vòng tuần hoàn chu chuyển. Sư thầy vẫn tiếp tục trầm tư, lá sẽ rụng, mùa xuân sẽ đến, mình có kịp mở lòng ra không thôi, đón từng khoảnh khắc, điều đó khác chi địa chấn đâu, tiếng nổ lớn chưa chắc đã mạnh mẽ  hơn những rạn vỡ nhỏ nhắn. Tôi nhớ Văn Cao cũng từng  viết ý thơ như thế. Ừ , thì chờ lá rụng.

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT