Buồn vui tục cúng "heo ba đầu"
Đồng bào người Ca Dong ở huyện vùng cao Nam Trà My từ xưa đến nay có tập tục cúng heo ba đầu để cầu sức khỏe cho gia đình, mùa màng tốt tươi.
Người dân nóc Ông Nút (xã Trà Vinh) làm heo để cúng heo ba đầu. Ảnh: VÕ LÊ |
Khi cuộc sống bà con dân tộc vùng cao còn quá nghèo nàn, thiếu thốn thì chuyện cúng quẩy, ăn uống rình rang tốn kém càng khiến họ rơi vào cảnh nghèo càng nghèo thêm.
Cúng cho người nhà hết đau!
Đến xã vùng cao Trà Vinh (huyện Nam Trà My) những ngày này, thanh niên ở đây bảo chúng tôi: ở lại ăn lễ cúng heo ba đầu nhé, vui lắm! Trả lời sự tò mò về tập tục này của chúng tôi, một người nói: “Muốn biết thì lên nóc Ông Nút (thôn 1, xã Trà Vinh), người ta đang tổ chức đấy. Mọi người đều tập trung đến đó để ăn lễ heo ba đầu”.
Sáng hôm sau, khi màn sương còn vắt vẻo trên cành cây ngọn cỏ, nóc Ông Nút đã vang tiếng chiêng trống. Hàng trăm người dân tụ tập về nhà ông Nguyễn Cao Cường vui chơi, ăn lễ cúng heo ba đầu khiến căn nhà sàn thấp lè tè của ông rộn rã hơn ngày thường.
Trước hiên nhà, ba cái đầu heo cùng những vật phẩm như gà, cơm nếp, rượu cần… đặt trên bàn cúng. Một người lớn tuổi đang khấn vái, lẩm nhẩm ở miệng những câu cúng thần linh. Ngoài sân một nhóm người gồm đàn ông, đàn bà nhảy múa theo nhịp chiêng, trống. Trong nhà đám thanh niên đang túm tụm uống rượu, cười nói rôm rả. “Mình cúng heo ba đầu là để cầu sức khỏe cho cả gia đình. Trong nóc không riêng nhà mình đâu, còn có bốn nhà nữa cũng chuẩn bị làm đấy” - ông Cường nói. Để chuẩn bị cho lễ cúng heo ba đầu, từ mấy ngày trước nhà ông phải chuẩn bị ba con heo, mười mấy con gà, hàng chục ché rượu cần đãi khách. Chừng ấy cũng hết hơn 30 triệu đồng, số tiền này ông bán gia súc, vay mượn để cúng.
Theo những người lớn tuổi ở nóc Ông Nút, tập tục cúng heo ba đầu của người Ca Dong có từ lâu đời, nó giống như tục đâm trâu để cầu sức khỏe cho cả nhà, mùa màng bội thu. Cứ mùa màng xong đến độ tháng hai, tháng ba (âm lịch), mỗi nóc như vậy có năm nhà trong một nóc lần lượt tổ chức. Lễ cúng heo ba đầu diễn ra trong vòng bốn ngày, nhà nào tổ chức phải chuẩn bị heo, gà vịt, rượu cần để đãi dân trong làng ăn uống no say. Vật phẩm cúng heo ba đầu bắt buộc phải có ba cái đầu heo. Cái thứ nhất cầu sức khỏe cho ông bà, cái thứ hai là cho cha mẹ và cuối cùng cho con cái. Nhà nào có điều kiện thì làm trâu, bò, dê để thiết đãi dân làng.
Chiều muộn, chúng tôi men theo con đường đất đến nhà anh Hồ Văn Kiến (37 tuổi, nóc Ông Nút) trong lúc vợ con anh đang đãi nếp nấu xôi, chuẩn bị làm lễ cúng heo ba đầu. Trước hiên nhà hàng chục bó củi khô được chất thành đống, trong nhà mười mấy ché rượu cần nức mùi thơm. Ba con heo ngót 10 triệu đồng được anh mua, cột dưới nhà sàn để làm vật phẩm cúng. Anh Kiến kể tiền để cúng heo ba đầu của nhà anh không dưới 20 triệu đồng. Mặc dù hai vợ chồng rất nghèo nhưng cũng gắng bán gia súc, cây rừng và vay tiền người thân, hàng xóm để làm lễ cúng. “Trong nhà cha mình đau ốm quá, mình phải cúng để ông già khỏi đau nữa” - anh Kiến tâm sự.
Hàng chục ché rượu cần được người nhà ông Cường (nóc Ông Nút) chuẩn bị để làm lễ cúng heo ba đầu. Ảnh: VÕ LÊ |
Ông Tĩnh, một chủ quán tạp hóa người Kinh ở ngay đầu nóc Ông Nút kể mỗi khi đến lễ cúng heo ba đầu là có 5 nhà tổ chức. Vì vậy người dân không cần phải nấu cơm, cứ đến nhà chủ ăn uống “tẹt ga”, no say, hết nhà này thì đến nhà khác thì về. Sau nhà ông Cường, anh Kiến là đến nhà ông Hồ Văn Sơn, Hồ Văn Đà, Hồ Văn Chiến cũng làm lễ cúng.
Ôm nợ!
Nhà ông Cường thuộc diện hộ cận nghèo, lại thêm ba đứa con còn đang tuổi ăn tuổi học. Hiện ông còn nợ ngân hàng hơn 30 triệu đồng, giờ làm lễ cúng nữa khiến nợ nần chồng chất. Chúng tôi hỏi sao không dành số tiền mấy chục triệu đồng cúng heo ba đầu đem trả bớt cho ngân hàng thì chỉ nhận cái đáp gọn: “Biết vậy nhưng mình vẫn phải làm vì phong tục của làng là thế. Số nợ kia nhà nước chưa đòi, mình chưa trả, để đó trả sau”.
Trong hơi men ngà say ngất ngưởng của rượu cần, anh Kiến kể nhà anh hiện còn nợ ngân hàng 24 triệu đồng, số tiền này lúc trước anh vay để mua trâu, nuôi heo nên giờ nợ chồng nợ. “Tiền làm lễ gần mấy chục triệu, tiếc lắm chứ! Nhưng phong tục trên ni như thế mình phải làm thôi”- anh Kiến nói với giọng lè nhè.
Anh Kiến kể thêm, lúc trước vợ chồng anh chưa tách hộ còn ở chung với cha mẹ thì nhà anh cúng heo ba đầu cũng được 10 lần để cầu sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Nhưng no đủ đâu chẳng thấy mà chỉ thấy cái nghèo cứ bám riết lấy cuộc sống họ.
Một cán bộ xã Trà Vinh cho hay, ở các xã khác cũng có tục ăn heo ba đầu nhưng ở xã Trà Vinh là nhiều nhất. Cả xã có bốn thôn với hơn 18 nóc, hầu hết nóc nào cũng tổ chức lễ cúng này.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó chủ tịch UBND xã Trà Vinh thở dài: “Biết là tập tục của người dân từ xưa đến nay là vậy nhưng hiện cuộc sống của bà con còn quá nghèo (toàn xã hơn 80% hộ nghèo), nhiều nhà còn nợ ngân hàng thì việc tổ chức lễ cúng, ăn uống rình rang là quá tốn kém, lãng phí. Trong các cuộc họp dân, chính quyền địa phương thường hay vận động, khuyên người dân là đồng ý phong tục tập quán không thể bỏ, nhưng nên tổ chức tiết kiệm lại cho bớt tốn kém. Nhà nào có điều kiện tốt thì hãy làm nhưng việc này phải từ từ, không thể một sớm một chiều mà người dân họ làm được”.
VÕ LÊ