Miền nhớ

BÌNH CHI 12/06/2016 08:40

Vẫn là chiều như hàng ngàn buổi chiều đã đi qua. Nhưng chiều nay, khi chạy xe ngang qua ngõ nhà ai đang đốt lá rụng, mùi khói mong manh, thoang thoảng tỏa ra từ lá khô, cành ổi, cành mận khiến tôi nấn ná giảm tay ga để hít hà mùi khói ấy. Tự nhiên da diết nhớ những chiều đông nắng hanh hao, mẹ gom lá đốt cuối vườn.

Thoắt cái đã mười lăm năm, kể từ ngày tôi xa nhà đi học rồi định cư luôn ở thành phố khác. Cuộc sống bộn bề công việc, bộn bề suy tính và lo lắng. Nỗi nhớ những ngày xưa cũ dường như cũng bị khuất lấp giữa những bon chen mệt mỏi của phố phường, để rồi trong những giấc mơ xen giữa những lần thức giấc, ký ức của tôi lại hiện lên rất rõ hình ảnh khu vườn cũ. Nơi đó, mùa đông có cây xoan già cỗi trơ trụi lá, có cây mãng cầu, cây bồ quân đứng thu lu giữa chiều đông. Khu vườn ấy, ngày xưa mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều mẹ tôi cặm cụi xới đất trồng khoai lang, trồng bí đỏ, trồng các loại rau, dưới gốc cây chanh con gà mái bới đất tìm sâu mớm cho bầy gà con. Mùa đông, mặc cho sương sớm buốt lạnh, mẹ vẫn gánh nước tưới rau. Lúc bóng tối còn kín đặc mẹ đã dậy cắt rau mang ra chợ. Bao nhiêu năm, dấu chân mẹ chồng lên nhau, in sâu bao nỗi nhọc nhằn. Nhớ cái bờ rào bằng chè tàu xanh rậm rì chừa một lối đi tắt giữa nhà tôi và nhà cô Sáu. Ở đó có cái giếng chung của hai nhà, trên sân giếng đó, ngày xưa mỗi ngày mẹ và cô Sáu ngồi vo gạo, lặt rau và hàn huyên bao nhiêu chuyện. Đấy cũng là nơi mỗi mùa đông mấy mẹ con quây quần ngồi rửa mấy cái lu để mẹ muối cà bát tím. Gần giáp tết mẹ với cô Sáu rủ nhau ngồi cắt củ kiệu, củ hành, rửa lá chuối để làm bánh tét.

Chỉ một cái đường tắt giữa bờ hàng rào, nhưng suốt bao nhiêu năm tháng tuổi thơ con đường ấy đã mở ra trong tôi khu vườn cổ tích đẹp tựa giấc mơ. Là nơi tôi với anh trai ngồi chơi bán buôn. Anh sai tôi chạy tắt qua vườn nhà cô Sáu hái mấy lá keo về tuốt ra làm gạo, rồi hái lá dâm bụt giã nát làm dầu phụng, sợi mỳ Quảng được anh tôi cắt nhỏ từ những đọt chuối non. Trứng gà, trứng vịt là những quả xoan khô và mọi thứ phải mua bằng tiền từ lá mít vàng đã rụng. Hai anh em chơi mải miết đến tận chiều khi nghe tiếng mẹ gọi từ sân giếng, lần nào nghe tiếng mẹ hai anh em cũng vội vàng cất hết đồ vào trong căn nhà bằng lá chuối dựng bên bờ rào chè tàu. Những trò chơi đơn giản vậy thôi nhưng bao nhiêu năm rồi vẫn gợi lại cho tôi nhiều cảm xúc. Quê tuy nghèo, mẹ thì nhọc nhằn lắm nhưng mà sao yêu đến thế. Cô Sáu bây giờ đã bay về miền cổ tích, nhưng những năm tháng tuổi thơ ở Quảng Nam ấy đối với tôi giống như lần đầu tiên được chiêm ngưỡng chiếc cầu vồng sau một cơn mưa.

Ở thành phố bận bịu này, chẳng mấy khi có dịp qua thăm nhà hàng xóm. Mà ở phố, nhà nào cũng kín cổng cao tường qua mấy lớp cửa, có muốn thăm viếng ai đôi khi cũng khiến tôi e ngại. Có lúc tôi tự nhủ, những cuộc giao tiếp thân tình chắc chỉ có ở quê thôi. Cứ như thế nhiều hôm bất chợt nhớ những ngày còn nhỏ, nhớ những buổi sáng mùa hè ngồi canh chừng bầy gà không cho chúng ăn mấy nong lúa mẹ phơi  và ngóng đợi mẹ. Khi thấy bóng mẹ thấp thoáng ở đầu ngõ nhà cô Sáu tôi vụt chạy qua đường tắt ở bờ rào, vì mẹ biết tôi mong ngóng bịch chè với cây kẹo ú nên kiểu gì cũng đi tắt về nhà cho nhanh.

“Tuổi thơ đã đi qua không trở lại”, cuộc sống cứ trôi đi… vẫn với những mối quan hệ thân sơ trong đời. Nhưng ký ức về những ngày xưa vẫn ẩn sâu trong tôi, chỉ cần một thoáng gợi lại ngày cũ cũng thấy nhoi nhói nơi lồng ngực.

BÌNH CHI

BÌNH CHI