Cơm khô ngào đường của má

NHƯ TRANG 04/06/2016 09:02

Cứ độ vào những ngày hè có cái nắng oi nồng và cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi giữa dòng phố thị, trong tôi lại dấy lên bao nỗi niềm xốn xang thương nhớ quê nhà. Nhớ nhất vẫn luôn là hình ảnh má lui cui bên bếp lửa, vừa chế biến món cơm khô ngào đường, vừa dạy cho anh em chúng tôi bao bài học giá trị từ cuộc sống.

Món cơm khô ngào đường dân dã ấy là thức quà tồn tại nơi tiềm thức của tôi từ những ngày ấu thơ. Bất cứ bữa ăn nào còn cơm thừa, má liền múc cơm trải đều trên nia tre và mang ra hàng chè tàu trước ngõ phơi. Khoảng chừng ba đến bốn cái nắng thì nia cơm đã khô giòn và được má gói cẩn thận cho vào vại cất. Những ngày mưa to gió lớn, hoặc bão về, má lại kéo vại lấy cơm khô chế biến cho anh em chúng tôi. Má bảo làm món này dễ nhưng nếu không khéo tay thì cơm sẽ cứng hoặc cháy khét, vì vậy bất cứ khâu nào cũng phải tỉ mỉ và cẩn thận. Trước hết, cơm khô lấy từ vại ra phải trải lên nia tre và lấy chày lăn mạnh cho cục cơm khô nhả đều hạt. Sau đó nhóm bếp và cho cơm khô vào chảo rang đều tay đến khi nào cơm có màu vàng ruộm, thơm và giòn bung. Gừng tươi cạo sạch vỏ, giã nhuyễn thắng với đường hoa mai cho tan, cuối cùng đổ cơm khô đã rang chín vào khuấy đều, đợi đường bám vào từng hạt cơm thì tắt bếp.

Lúc nào cũng thế, canh chừng má làm đến đoạn thắng nước đường, tôi và anh hai liền tranh nhau kẻ ra sau hè cắt lá chuối lót sẵn trên đĩa, người lấy muỗng chực chờ ngồi đợi sẵn bên bếp. Cơm khô ngào đường của má vừa ra lò, dù nóng hổi nhưng hai anh em đã vội giành nhau chia. Thích nhất vẫn là cái cảm giác cùng má ngồi bên xó bếp, vừa nhai cơm khô vừa nhìn ngắm những đường mưa trắng xóa rơi bên thềm. Biết bao ngày mưa trôi qua nơi ký ức tuổi thơ của anh em chúng tôi êm đềm vì được tận hưởng thức quà dân dã giữa quê hương và tỉ tê với má những điều mới, cũ trôi nhanh. Cũng từ món cơm khô ngào đường ấy, má đã dạy cho tôi và anh hai bài học về sự chắt chiu, trân quý từng hạt gạo người nông dân phải đổ bao mồ hôi mới có được. Má bảo: “Phải nếm trải cái đói mới biết trân quý thức ăn, của thừa nếu có thể tái sử dụng thì đừng bao giờ đổ đi. Các con phải luôn nhớ đến những người ăn xin ngoài nẻo chợ, trẻ em miền núi có khi phải nhịn đói suốt một ngày rét!”.

Má tôi bao giờ cũng vậy, tranh thủ dạy con cái mọi điều dù là lúc má đang bận bịu bên bếp lửa với các món ăn. Có lẽ nhờ thế mà chuỗi ngày xa nhà trọ học chốn thị thành, tôi biết tận dụng những bữa cơm thừa và chế biến món cơm khô ngào đường theo công thức của má. Như chiều nay chẳng hạn, cơn mưa rào phố thị đã thôi thúc tôi làm món ăn chứa đựng bao nỗi nhớ quê nhà và đong đếm tình yêu thương nơi má nhiều thêm!

NHƯ TRANG

NHƯ TRANG