Hết năm học, kể chuyện cũ
T. sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông nghèo, là con út trong gia đình có bảy anh chị em. Cũng như bao đứa trẻ khác, tuổi thơ của T. tràn ngập niềm vui, sự hồn nhiên, vô tư trong sáng. Nhưng rồi một ngày, tôi nhận được hung tin bác sĩ kết luận em bị suy thận mãn tính. Từ ngày đó, nụ cười cũng không còn tròn môi trên gương mặt của em T. - học sinh lớp 2C, lớp tôi được phân công chủ nhiệm ngay sau khi ra trường. Nhìn làn da xanh xao, nhợt nhạt, toàn thân sưng phù, nhất là khuôn mặt và mi mắt sưng húp do ứ nước trong cơ thể, tôi xót xa. Căn bệnh quái ác đã làm em mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu và không còn lanh lợi, hoạt bát, vận động nhảy nhót như xưa. Dù đau nhưng em vẫn đến trường đều đặn. Nhưng bạn bè trong lớp bắt đầu xa lánh em.
Hàng ngày, tôi lên lớp đúng giờ, soạn bài giảng đầy đủ. Các tiết học vẫn diễn ra bình thường, cả lớp tiếp thu bài tốt. Ngại nhất là phân môn Tập viết, vì tiết học này đòi hỏi giáo viên phải hướng dẫn một cách tỉ mỉ, nào là tư thế ngồi viết, nào là cách cầm bút, nào là các nét và độ cao của từng con chữ. Hơn nữa, tiết Tập viết chỉ có 1 tiết/tuần, sau khi hướng dẫn chung trên bảng lớp, giáo viên phải dành nhiều thời gian quan sát cũng như hỗ trợ học sinh khi viết.
Có bận, cả lớp nộp vở để tôi kiểm tra (bài chữ hoa C và câu ứng dụng “Chia ngọt sẻ bùi”). Khi xem đến vở của T., em không viết mà để giấy trắng. Tôi hơi khó chịu vì cho rằng em lười rồi gọi lên bảng “Sao em không viết bài?”, “Thưa … cô, vì em đau nên không tiếp thu kịp khi cô giảng, mà cô cũng không đến chỗ em…”.
Câu nói ngắt quãng của T. khiến tôi lặng người và nghe sống mũi cay xè. Đúng vậy T. ơi, tôi đã không công bằng với em. Nhất là với hoàn cảnh của em bây giờ, cần sự giúp đỡ của bạn bè, sự động viên, chia sẻ của cô giáo chủ nhiệm như tôi. Vậy mà tôi đã không làm được điều đó, vì bệnh suy thận mãn tính đã làm sưng húp cơ thể em, vì bàn tay to tướng tôi không dám cầm để nắn nót từng con chữ, vì lâu ngày không tắm gội nên tôi ngại tới gần…
Vậy mà ngay tiết học hôm đó, tôi giải thích với học trò của mình hiểu thế nào là “Chia ngọt sẻ bùi”. Chính tôi đã không làm được điều ấy ngay tại lớp học bé nhỏ của mình.
Đêm. Tôi không thể nào chợp mắt được vì câu trả lời hồn nhiên của T. Từ đó, tôi hạ quyết tâm bù đắp lại những mất mát và thiệt thòi cho em. Kể từ ngày ấy, T. tuân thủ kết hợp việc điều trị thuốc, thực hiện chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ và sự quan tâm đặc biệt của tôi, kết quả học tập của T. đã khá lên nhiều, bệnh tình thuyên giảm, việc sinh hoạt cũng dễ dàng và thuận tiện hơn, nụ cười dường như trở lại.
T. ơi, nỗi đau nào rồi cũng qua đi. Hạnh phúc luôn luôn đến với những ai biết yêu thương, quý trọng cuộc sống. Vì cuộc đời này còn đó những tin yêu và vòng tay ấm áp để nâng đỡ bước chân em.
THIÊN THU