Tha thẩn bên hồn phố

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 28/05/2016 08:49

Đêm phố cổ dùng dằng trong nỗi xuyến xao: ánh trăng mỏng trên cao đang dỗi hờn ghen trách với ánh đèn lồng giăng giăng khắp các con phố, hay những ánh-hiện-đại đang phô trương dáng vẻ của một sự thắng thời đang cười giễu lòng tiếc thương những nét đẹp xưa đang chìm dần trong quên lãng? Không biết. Không cần biết. Bởi vì, đó là quy luật của cuộc sống, theo cái nghĩa… trường giang sóng sau xô sóng trước ấy mà!

Tha thẩn bên hồn phố
Tha thẩn bên hồn phố

Thôi vậy, mặc cho những luận lý vẫn thường xuyên quấy nhiễu sự yên bình bên trong vốn là hạnh phúc chân thực của con người, thử thẩn tha đi tìm một nét - yêu của phố cổ: người chủ một gánh mỳ đêm trước cái chợ vải cũ mà khoảng gần mươi năm trước đã gặp và đã “miêu tả”, trong một bài viết ngắn. Không gặp. Rồi nghe nói, ông về nhà đã ba năm rồi; sau khi “nhờ” cái gánh mỳ ấy mà ổn định được cuộc sống. Mừng cho ông. Cũng như mừng cho nhiều người dân phố, giờ đây đã bước ra khỏi những năm tháng nheo nhóc buồn vì bao nỗi eo sèo cơm áo.

Rồi đến ngồi với đêm phố, nơi những gánh hàng ăn uống quanh cái chợ cũ ngày xưa; đã được xây mới từ dăm bảy năm nay. Ngồi với gánh bánh ướt thịt nướng của chị Thu, bâng quơ về những “hồn xưa” của phố cổ. Chị Thu là “hậu duệ” của gánh bánh ướt bà Hường, một trong những hình ảnh biểu trưng của Hoài Phố. Chị Thu nhắc đến ông bán chí-mà-phủ trước nhà thờ, giờ đây đã… hưu. Nhắc đến bà bán bánh ướt, cứ đúng mười giờ sáng là đặt mủng dưới tàn cây vú sữa nhà tôi. Nhắc ông bán lục-tào-xá với nồi chè đặt trên bếp than, nhắc bà bán bánh mỳ chả với cái ống hình trụ tròn… Như những chiếc đồng hồ của phố: cứ đến giờ ấy giờ ấy, là mỗi người xuất hiện đúng tại vị trí quen thuộc của mình… Lan man về những ngày xưa, không hiểu sao, lại chợt nhớ người phụ nữ bán rượu… hơn ba mươi năm trước, cũng ở cái chợ đêm nơi này. Lần ấy, trong một chuyến đi làm phim thời sự, để “giết” thời gian vốn quá dài của đêm phố đìu hiu quạnh quẽ ngày xưa, cả nhóm kéo nhau ra chợ, tìm vài chén rượu đế suông chứ chẳng có mồi gì cả, rồi tán chuyện…. chữ nghĩa. Cô hàng bán rượu lắng tai, rồi nhẹ nhàng góp chuyện văn chương. Thì ra, việc bán rượu là bất đắc dĩ, chỉ vì manh áo thôi. Thế đấy: làm sao có thể định giá con người qua hình tướng bên ngoài? Tất nhiên là không gặp người bán rượu ngày xưa. Vậy mà sao vẫn nhớ. Và tiếc tiếc: dòng sống cứ trôi xuôi, người người cứ qua đi. Tất cả đều lặng lẽ chìm tan, mất hút. Còn chăng, chỉ là lòng hoài nhớ…

Buổi sáng nắng. Cuối tháng Năm, mới bảy giờ, mà đã đầm đìa lưng áo. Người phụ nữ có tên Bé, làm cái gọi là nghề bán đồ cũ, trong một con hẻm ở đường Nguyễn Trường Tộ. Đồ cũ, là lủ khủ bao nhiêu cửa-cổng-cột-kèo từ những ngôi nhà được phá dỡ để xây mới. Cô Bé gom về, rồi bán lại cho những người muốn xây nhà mà ít tiền, hoặc tân trang căn nhà của mình. Cô Bé có cách nói năng dễ nghe, một chút hóm hỉnh; nhưng không phải phong thái của người kinh doanh quá mức sành sỏi điệu nghệ. Đằng sau cung cách người buôn bán, còn thấp thoáng chút gì của hồn phố: nét chân phác chưa mờ trong cơn lốc của những tiếng-vật-chất…

Vậy là… vui rồi. còn đòi hỏi gì hơn, giữa cái kỷ nguyên của nhiều sự đảo lộn những giá trị tinh thần. Rồi thêm một lần hiểu ra: không nên… buồn, trước những dời đổi. Bởi vì, yếu tính của sự sống là chuyển dịch. Chuyển dịch, nhưng không phải phải là bôi xóa tất cả. Mà là lưu giữ. Và, bổ-sung-mới. Điều ấy, nhiều cũng biết. Nhưng, quan trọng là ở cái chỗ cốt tử này: LÀM. Làm như thế nào, để… “tương lai không bắn vào anh bằng súng đại bác”, nếu ngày nay, anh không “bắn vào quá khứ (cả hiện tại nữa - NV) bằng súng lục”, theo ngôn ngữ của Abutalip, nhà thơ nhân dân xứ Daghextan.

Thẩn thơ bên hồn phố cổ, giữa những người phố cũ còn lại. Một chút vui, một chút bùi ngùi. Ấy là điều đương nhiên: tâm thức vốn là cái quả lắc đồng hồ, cứ mãi mãi đánh đu giữa hiện tại-quá khứ-tương lai. Như dòng sông. Như dòng sống.

Nhưng, dường như có một điều đáng nhớ: Lịch sử là ký ức. Ký ức không thể xóa bỏ.

Chẳng phải như thế sao?

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT