Trước sân nhà cũ

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 20/03/2016 10:13

Hơn bốn mươi năm trước, trong một lần về lại cái thị xã đìu hiu ven biển của những năm tháng thời trẻ tuổi, anh đã dừng chân trước căn nhà ấy. Dừng lại, ngập ngừng, rồi bước qua. Bởi vì, anh nghe ai đó nói rằng, người bạn thời niên thiếu ấy đã chết, có thể là trong cảnh tao loạn chiến tranh? Bước qua, nhưng anh biết, phía sau bức tường có mấy cây thạch lựu đang ngập ngừng dăm đóa hoa màu đỏ nhè nhẹ đu đưa, vẫn là cái sân lát đá ấy. Trên cái sân ấy, đã có bao nhiêu lần đùa chơi đủ mọi trò nghịch ngợm của tuổi thơ...

Rồi gần hai mươi năm sau cái lần “ngập ngừng” kia, anh lại dừng chân trước căn nhà ấy, bên dưới cái cổng gỗ có hai con-mắt-gỗ không biết đã chứng kiến bao nhiêu dâu bể trong hơn hai trăm năm sống của chính nó. Nhưng lần này, anh bước vào. Bước vào, đặt những bước chân thật nhẹ trên cái sân lát đá ấy. Người bạn ngỡ chết rồi của anh đã trở về mái nhà xưa của cha mẹ mình. Trở về cùng đàn con dại năm đứa, đứa lớn nhất chưa đầy hai mươi, đứa nhỏ nhất mới hơn một năm tuổi. Trở về mái nhà xưa mà chưa biết sẽ làm gì, sẽ sinh sống thế nào, trong những năm tháng nặng nề ấy! Cũng không còn nhớ đã nói với nhau điều gì trong lần gặp lại bạn cũ. Chỉ còn lưu lại rất đậm cái cảm giác bùi ngùi, bất lực trước cảnh đời của bạn... Rồi bước ra, sau lưng là ánh nhìn không nói của đôi mắt gỗ...

Giờ đây, lại hơn hai mươi năm nữa đã trôi qua. (Thời gian sao cứ như cánh diều đứt dây bay tuốt vào cõi gió điên!). Vẫn là cái sân lát đá ấy. Vẫn cánh cổng có hai con mắt gỗ của căn nhà rường xây dựng từ thời vua Thái Đức (nhà Tây Sơn) với dấu triện vẫn giữ tươi màu son trên tờ trích lục còn lưu được sau hơn 250 năm mà anh đã một lần nhìn thấy. Người bạn cũ nghỉ hưu được mấy năm rồi. Đã có cháu ngoại cháu nội rồi, sau nhiều năm chèo chống nhọc nhằn cho năm đứa con lớn lên. Giờ đây, cái sân lát đá ấy trở thành nơi nuôi sống anh. Nơi ấy, anh gọi căn nhà cũ số 687 Hai Bà Trưng bằng cái tên “Không gian xanh”, nơi ngày ngày anh tự nấu nướng những món ăn quen thuộc của phố cổ cho khách du từ nhiều nơi đến thăm thú. Cái không gian của anh không đủ rộng để thực sự... xanh, theo cách hiểu thông thường. Bởi vì nó chỉ là một cái sân vài chục mét vuông của một ngôi nhà trong phố. Nhưng thầm đoán rằng, người bạn cũ vẫn cứ muốn gọi là “xanh”, bởi anh ấy đã sống, vượt qua bao nỗi eo sèo nhờ cái sắc xanh hy vọng. Như phố cổ đã sống lại từ mười mấy năm nay. Như những người con của phố, đã ra đi để trở về. Quê hương, là nơi những đời giạt trôi quay về neo đậu. Như người bạn cũ, như nhiều người quen và không quen của phố cổ. Quê hương, cũng là nơi những bước chân không muốn dừng lại trong cuộc phù thế đẩy đưa nhưng từ chốn quê nhà se sắt kia, vẫn đôi mắt luôn dõi theo con đường đi không hết của bao người con sinh ra - lớn lên từ phố. Phố cổ giờ đây đã khác xưa nhiều lắm, khác trong niềm xao xuyến. Xao xuyến là không yên, cả theo cái nghĩa tốt và không tốt. Và điều đó là một tất yếu của cuộc đời. Xa hơn, là quy luật của Dòng Sống. Như nước vơi đầy. Như trăng tròn khuyết... Nhưng, dù cho luật thiên nhiên có mãi mãi như thế, thì sống không phải đi đến mà là vượt qua, không ngừng vượt qua. Cái vượt qua lớn nhất, là chính mình. Từ đâu?

Từ những điều bình thường nhỏ bé nhất, của đời mỗi con người trong ý nghĩa cuộc tồn sinh. Từ quê nhà mà nhiều lúc ngỡ đã quên đi. Như chút hơi men ấm nồng trong ly nước cay nhè nhẹ pha chế theo cách ướp men đặc biệt mà cư dân Hoài phố gọi là rượu nếp Sáu Lý. Như cái sân nhà cũ ấy. Của người bạn cũ. Và của bao người khác...

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT