Đi tìm ký ức khoai xiêm

Tùy bút của NGÔ PHÚ THIỆN 20/02/2016 10:02

“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” thói đời xưa nay vẫn vậy. Như những ngày này mọi người còn phơi phới xuân nhật, nhiều thức ngon vật lạ được bày bán khắp ngõ phố đến xóm quê. Thế mà dở hơi thế nào, tôi lại thấy thèm mấy khúc khoai xiêm đập chấm muối đậu. Giật mình nhận ra, món ăn “đặc chủng” của xứ đất Tam Kỳ đang... mất cả tên gọi!

Bây giờ ở ngay phố Tam Kỳ này mà hỏi “khoai xiêm” mấy người còn biết. Bởi một phần, loại củ quê mùa này đã thực sự mất chỗ đứng trong thương trường, nhưng phần lớn hơn là do cái tên gọi “chính hiệu” này chỉ có mấy lão làng vùng đất Tam Kỳ xưa còn hay nhắc. Thậm chí, ra mấy quán cóc góc phố hỏi tung tích khoai xiêm, phải “dịch” tiếp: đó là củ sắn hay khoai mỳ, người ta mới “à.. ra thế”.

Nhổ khoai xiêm. Ảnh: n.d
Nhổ khoai xiêm. Ảnh: N.D

Mà cũng lạ thực! Cái tên khoai xiêm này tại sao chỉ có ở cái trục ngang từ Tam Kỳ lên Tiên Phước mới gọi thế? Vào đến Dốc Sỏi - vùng giáp ranh Quảng Ngãi - người dân chỉ biết đó là khoai mỳ; còn từ “biên độ” Thăng Bình trở ra thì dứt khoát nó là củ sắn. Tên khoai xiêm hình như chỉ độc quyền sở hữu của người Hà Đông xưa?

Thế mà có một buổi sáng nọ, tôi tần ngần đứng bên thùng xe đẩy bán xôi dạo. Một chị sồn sồn vừa đẩy xe, vừa “chào hàng”: Có xôi nóng xiêm bún đây! Mọi người nhìn chị ngỡ ngàng vì cách rao lạ, vì không ai biết “xiêm bún” là món gì! Với tôi lại khác, tự nhiên thấy cảm giác lâng lâng ở phía... dạ dày. Nhưng kỳ thực, khi mua ăn thử cái món mà chị gọi “Xôi-nóng-xiêm-bún” ấy không mấy hợp “gu” của tôi, theo như ký ức với củ xiêm bún ngày trước.

Khoai xiêm ở vùng đất Tam Kỳ thuở xưa cũng được phân biệt rõ hai loại: Loại khoai xiêm gòn, có đặc điểm bở tơi và vị đậm; loại khoai xiêm bún lại bùi mà dẻo như... sợi bún. Cây khoai xiêm gòn có thân to, nách lá màu sẫm tím và củ lớn, trông rắn rỏi săn chắc. Nó thường được trồng ở nhiều nơi có đồi, gò cao vì “ăn chịu” với chất đất sỏi pha thịt. Còn ngược lại, khoai xiêm bún có thân nhỏ hơn nhưng rất cao, cả thân lá đều có màu xanh xám, củ thì màu trắng và khá dài. Loại này chỉ phù hợp với vùng đất bãi bồi, thấp vì có gió lớn sẽ bị gãy đổ…

Chuyện củ sắn thì quá quen thuộc, vùng quê nào chẳng có. Nhưng nói đến khoai xiêm, mà là xiêm bún “chính hãng” chỉ được trồng dọc bãi bồi, hai bên dòng sông Tam Kỳ mới tuyệt. Tôi ở cuối nguồn dòng sông này, muốn ăn xiêm bún thì cứ ngước lên phía Tam Ngọc, Tam Thái… hay vùng Hố Ngải - thuộc lòng hồ Phú Ninh bây giờ. Cách “tiếp thị” của cư dân quanh vùng trồng khoai xiêm bún này thì cũng… khỏi nói: Cái chi chớ xiêm bún ở đây là ngon nhứt nước rồi! Mà nó “ngon nhứt” thiệt, bởi chẳng thấy vùng đất nào có giống khoai bún dẻo dai mà bùi thơm như ở dọc sông Tam Kỳ. Củ khoai dài trắng trẻo, mịn màng cứ đẵn khúc ra luộc chín đã ngon, còn “rề rà” bỏ lên thớt đập nhuyễn, đem chấm muối đậu thì chỉ biết “nhức răng”. Bởi thế từ rất lâu rồi, như nghĩ đến vùng cát Thăng Bình người ta lại nhớ “độc vị” của khoai lang Trà Đỏa; còn khoai xiêm trở thành niềm “kiêu hãnh” của đất bãi bồi của dòng sông Tam Kỳ.

Hỏi cái giống khoai “lạ hoắc” này từ đâu dựng nghiệp ở đất này, thì già trẻ lớn bé đều lắc đầu. Họ chỉ biết rằng, loại khoai này chỉ để ăn tươi, bán - mua làm quà cho bọn trẻ chứ chẳng ai chịu xắt lát, phơi khô như nhiều loại khoai xiêm khác. Nếu cắc cớ tra gặng: Tại làm sao gọi là “khoai xiêm”, mà không nói củ sắn hay khoai mỳ như nhiều nơi khác? Tôi nhớ có lần đã nghe một bậc lớn tuổi ở vùng Tam Kỳ này, giải thích: khoai xiêm là cái tên riêng của người Tam Kỳ - Hà Đông xưa. Nó không phải là danh ngữ mà có căn nguyên đấy. Xuất xứ của giống khoai này đã từng lưu lạc từ nước Xiêm-la về đây…

Chẳng rõ thực hư thế nào, vì chẳng có “sử liệu” nào ghi lại nguồn gốc khoai xiêm. Nhưng xem ra cái lý của vị bô lão ấy vẫn còn “dẻo thơm” như chính củ khoai xiêm của đất quê Tam Kỳ. Tương truyền rằng: Dưới thời nhà Tây Sơn, nhiều vị danh tướng có quê hương, bản quán là tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông (nay thuộc khu vực huyện Phú Ninh). Một lần, Đô đốc Kiều Phụng và Cai cơ Đống Công Trường (làng Chiên Đàn) theo tướng công Nguyễn Huệ vào tận phương Nam đánh quân Xiêm và thắng lớn ở các trận Rạch Gầm, Xoài Mút. Đô đốc Kiều Phụng bắt được rất nhiều tù binh của quân đội Xiêm-la. Ông không cho quân lính giết hại, mà bắt tù binh đi theo để phục vụ lương thảo, huấn luyện voi chiến… Trong số nhiều tù binh ấy, khi đưa về Quảng Nam còn “gánh” theo những choái khoai (thân khoai) của người Xiêm để trồng trên vùng đất ven sông Tam Kỳ.

Ban đầu giống khoai này chỉ “ưu tiên” làm lương thực cho binh lính, vì cây ra củ rất nhiều và rất ngon. Nhưng dần dà về sau, khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ mang đội quân “Tiền cơ Trung nghĩa” của Quảng Nam ra đánh quân Thanh ở Bắc Hà, thì những vồng khoai lạ này chưa kịp thu hoạch. Người dân quanh vùng ven sông Tam Kỳ tiếp tục chăm sóc và hưởng “chiến lợi phẩm” của tù binh Xiêm để lại. Họ đào củ đem về nấu ăn, thấy giống khoai “lạ hoắc” này rất dẻo và thơm ngon. Từ đó nhiều người từ vùng thượng nguồn sông Tam Kỳ thấy lạ, bắt chước đem choái cây về trồng ở nhiều nơi và đặt tên là “cây khoai Xiêm”. Và từ đó về sau, giống cây có chung “tạng” củ và đặc điểm cành, lá người dân vùng này đều gọi “khoai xiêm” tất.

Tất nhiên, đó chỉ là giai thoại về một giống cây “xóa đói” đã được lịch sử hóa  của cư dân đất Hà Đông xưa. Thế nhưng, lẽ thường “không có lửa làm sao có khói”. Người lao động xưa kia vốn giàu trí tưởng tượng, nhưng sức tưởng tượng của họ bao giờ cũng bắt nguồn từ một cơ sở thực tế nào đó của đời sống. Chẳng hạn củ sắn, củ môn thì ở vùng quê nước Việt xưa, ai chẳng “thuộc” nằm lòng. Vậy hà cớ gì trong cuộc hành trình cơm áo, đến đất Tam Kỳ thì củ sắn “hóa thành” khoai xiêm?

Đã đành cuộc sống ngày nay, mọi người có điều kiện thuận lợi để thưởng thức nhiều món ngon, thức lạ khắp các vùng miền. Củ khoai xiêm dân dã, “quê mùa” có lẽ sớm muộn cũng bị xếp vào ngăn ký ức, ngay cả với người Tam Kỳ. Thế nhưng, mùi dẻo thơm khoai sắn này không chỉ “ngự trị” một cách bền vững trong dạ dày người quê xứ khá lâu, mà còn nuôi lớn bao tâm hồn của mảnh đất Tam Kỳ hôm nay.

Tùy bút của NGÔ PHÚ THIỆN

Tùy bút của NGÔ PHÚ THIỆN