Họ sẽ trở về

PHƯƠNG GIANG 20/02/2016 08:04

Qua mùng, những người trẻ cuối cùng rồi cũng rời làng, đi tìm áo cơm giữa ngược xuôi Nam - Bắc. Một năm, gói lại trong chừng mươi ngày tết, những vồn vã sum họp chừng như quá ngắn so với cả năm dài lận đận mưu sinh, nên trôi nhanh lắm. Vèo cái là hết tết. Chỉ còn lại rặt những người già, và khoảnh vườn rau cải mướt mát xanh…

Tết năm nay trời đột nhiên trở lạnh. Má đốt một nồi than củi chè, sợi khói trắng bay lên vương vất giữa nhà, cùng với nghi ngút khói nhang. Hết mùng một, nghe tin bà cụ bên nhà cũng đã hóa thân vào khói trắng. Người lớn chép miệng, bà đi mà để phúc, đúng lúc tết còn đông thanh niên. Hỏi, mới hay có những người không may vắn số trong năm, người trong làng phải chạy qua nhờ thêm thôn bên cạnh đưa người qua đời đến cõi an nghỉ vĩnh hằng. Vì làng chỉ tuyền người già và trẻ con ở lại. Nghe mà lồng ngực nhói lên. Cuộc mưu sinh khiến quê nhà, những người ở nhà, buồn ghê gớm…

Vườn rau cải của má.
Vườn rau cải của má.

Tôi tiễn thằng bạn quê lên đường ra Bắc. Má tôi chạy với theo, dúi cho hai đòn bánh tét. Nó lắc đầu nói ba lô có mấy bộ đồ mà còn nhác muốn đeo, nhét đòn bánh tét theo lên xe họ nhồi cho dập hết. Nói rứa, nhưng má vẫn mở cái ba lô, nhét vội cho hai đứa kịp xuống phố đón xe. Rồi sẽ là hành trình cả ngày đêm, ra tít tận Hải Dương, nơi nó làm công nhân cho một ga ra ô tô ngoài Bắc. Nó đi suốt mấy năm nay rồi, cả một năm chỉ dăm ngày tết là còn ngó thấy mặt. Mỗi đận về, lại thấy nó già thêm so với tuổi. Mà nhắc, nó cười sề sề, chỉ ba má tôi, nói ông bà còn mau già hơn mình, mi liệu hồn. Lạ thiệt, ở quê, một câu nói vu vơ cũng đủ để giật mình…

Còn ngày cuối ở nhà, tôi đi loanh quanh ráng ngó coi từng góc nhà, từng gốc cây trong mảnh vườn con, tâm thức như cố níu lấy chút an bình dưới căn nhà quê của ba, của má. Rau cải xanh lắm. Hai đứa cháu theo bà vô vườn rau, thấy mắt má cười, dù nếp nhăn đã tràn trên khuôn mặt. Rồi mai, tôi cũng như thằng bạn mình, bơi giữa dòng người ngược xuôi mưu sinh mà đi về phía phố. Tết, mới đó mà xa quá. Bạn nói, nốt năm ni nữa là bạn về, mở xưởng nghề của mình. Chừng đó năm làm thuê, tằn tiện cả tiền, cả tay nghề, bạn chỉ còn gắng chút nữa thôi. Chút nữa, là hơn ba trăm ngày, đi làm thì thấy qua nhanh. Chứ ở quê, những ông bà già đếm ngày, đếm năm bằng những cái giỗ, lâu và xa lắm. Chưa kể, mong nhớ cứ cố ý kéo dài ra những chia ly, và vội vã thu ngắn lại ngày sum họp. Như Tết này vậy, chưa hết đợt rét đã qua mất rồi!

Má gọi về, hỏi có ăn dưa cải má gói gửi xe xuống để dành. Dưa cải tháng Giêng, như một thói quen nhọc nhằn trong câu ca “gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Ngày đầu năm mới đi làm mà mong ngóng mảnh vườn con trước nhà xanh rau cải, nhớ mắt má cười với mấy đứa cháu trong vườn. Nhớ, để cố gắng hơn, để những ngày trở về mẹ cha bớt nhọc nhằn cơm áo, để cái Tết tới trọn vẹn hơn một chút, đủ đầy hơn chút nữa. Nhớ nữa, vì những đứa con quê như bạn tôi đã hứa: năm tới, họ sẽ về!

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG