Tết và chuyện... bia rượu
(QNO) - Trong muôn vàn điều để nói ngày tết, hình như bia rượu là điều không thể thiếu. Nó như mặc định vốn có của tết...
Một lò nấu rượu ở thôn 1, xã Trà Don, huyện Nam Trà My. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
1. Bia
Càng gần tết, những tờ báo điện tử chuyên về tiêu dùng liên tục cập nhật giá bia. Thậm chí, có tờ kỳ công hơn, cho phóng viên của mình bóc mẽ mánh khoé “ghim” hàng của nhà buôn. Giữa cái thông tin ngồn ngộn như thế, bỗng dưng anh bạn hỏi rứa thì bia có từ khi mô?
Tra “ông Gúc”, mới biết nó có đẩu trên 7.000 năm rồi, từ bộ tộc người Sumer (Iraq bây giờ) và Ai Cập. Con đường đi của bia, sau nhiều năm, mới nên hình hài như bây giờ. Nhưng giới quan tâm cho rằng, thế kỷ XIX là mốc thời gian đánh dấu công nghệ sản xuất bia, đặt nền móng cho công nghệ sản xuất thức uống có còn này. Công nghệ, song hành cùng thời gian, đến bây giờ người ta thống kê có đến hàng ngàn nhãn hiệu và hàng trăm loại bia trên toàn thế giới.
Đó là ở nước người ta, chứ tại nước mình thì theo các tư liệu, sự hiện diện của bia khá trễ hơn so với rượu. Dẫu vậy, người Việt vẫn kịp tạo ra văn-hoá-uống-bia. Và nó như cái cốt cách người Việt, rất giản đơn. Vả chăng, cái sự giản đơn này khi ấy, đến ngày nay mỗi lần bước chân ra đường, nhìn đâu cũng thấy quán nhậu? Là vì, có chuyện vui, làm vài chai; có chuyện buồn, làm mấy lon; ngày cuối tuần, giải mỏi.... Nên mới có thống kê, trong năm 2015, trung bình mỗi người Việt uống 38 lít bia, so với dân số hiện tại, vị chi tổng cả là 3,4 tỉ lít. Đưa ra một cái so sánh gần, tăng 10% so với năm 2014.
2. Rượu
Như trên đã nói, ở nước ta, rượu có trước bia - là thứ rượu trắng tự nấu. Và nghiễm nhiên, rượu là thứ không thể thiếu trong ngày tết. Bia, thường là dành cho kẻ có tiền; còn người nghèo khó, dù có cơ cực mấy cũng kiếm vài xị, ít ra là để đặt lên mâm cúng ông bà. Và sau đó, là cho ngày Mồng một - ngày mà người ta đến xông đất, cũng đủ 3 ly cho “Tam tài”. Nhưng khi đi quá 3 ly mừng xuân ấy, đa phần dễ đi quá giới hạn...
Tôi nhớ cách đây không lâu, nhân chuyến tác nghiệp tại xã Trà Don (huyện Nam Trà My), đã phải há hốc mồm khi nghe vị cựu chủ tịch xã thống kê nơi này có đến... 8 cái tết. Là: Máng nước, trâu huê, chuẩn bị phát rẫy, chuẩn bị tỉa, xuống giống, lúa khỉ, lúa mới và lúa kho. Một cái tết như vậy, là ngập ngụa trong rượu dăm bảy ngày. Trong 8 cái tết này, có 2 cái tết lớn được đâm trâu, mỗi lần đâm trâu là uống rượu ê hề có khi đến nửa tháng trời. Người ngật ngưỡng, kẻ vật vạ, công việc để đấy...
Nhưng cũng tại nơi đây, ngày thường người ta cũng uống tí bỉ, đàn bà “chấp” mấy lần đàn ông. Đàn bà ở núi uống rượu, là bình thường khi lễ hội hay nhà có khách, tất nhiên là trong một khuôn phép nào đấy. Nhưng đàn bà ở đây thì thôi rồi khỏi nói, uống vô tội vạ, thậm chí là còn quậy, đánh đuổi chồng ra khỏi nhà. Một thông tin không thể giật mình hơn: Thôn 1 của Trà Don chỉ 180 hộ, nhưng có đến 30 lò rượu nấu bán; tính luôn “lò rượu gia đình” thì hầu như trong thôn này nhà nào cũng có.
3. Vĩ thanh
Bia rượu ngày tết là điều không thể... thoát, còn uống sao đấy, là của mỗi người. Chỉ kiểm soát được lúc đang uống là dừng hay nghỉ. Chứ quắc cần câu rồi thì ai cưỡng mình nên hay không nên làm cái này, cái kia?
Riêng tôi thì ám ảnh mãi 8 cái tết ở Trà Don, nhất là cái lắc đầu ngao ngán của ông Trần Vĩnh Thơ - Chủ tịch UBND xã Trà Don: “Người ta uống kinh lắm, mình không quản được, vận động mấy cũng thua”. Bởi rượu chè bê tha thế, khiến kế hoạch thoát nghèo ở đây trì trệ mãi. Cũng đúng thôi, muốn thoát nghèo thì phải làm. Chứ nợ tiền uống rượu mãi, rồi uống vô thì quậy, thì phá, thì bỏ làm thì bảo sao mà ngóc đầu lên được. Nên vừa rồi ở địa phương này mới có chuyện, một số hộ đăng ký thoát nghèo rồi xin rút. Cái tư duy trông chờ ỷ lại này, chắc chỉ mất khi rượu không còn thống trị trong suy nghĩ họ.
Là nhân ngày tết, lan man mấy chuyện bia rượu này.
XUÂN KHÁNH