Một thời chưa xa
Nằm trên giường, mẹ cầm tay tôi, hỏi: “Hôm nay đã là mấy tháng chạp rồi, con?”. Tôi thưa: “Dạ, còn ba hôm nữa là tới ngày đưa Ông Táo về trời”. “Ủa, rứa mà răng trời vẫn nắng chang chang, không có mưa đừa (lùa, đưa) cá? Mọi năm, cứ trung tuần tháng chạp trời lại mưa đừa cá để rồi sau đó nắng hanh hao cho mọi người mọi nhà đổ nếp ra phơi rồi đem xay giã giần sàng, làm các loại bánh trái vui xuân đón tết cổ truyền…”. Lời mẹ nói khiến tôi nhớ lại một thời chưa xa. Hồi đó, mấy anh em tôi còn nhỏ, đập Hố Quờn cũng chưa đắp, cánh đồng bậc thang trước nhà qua mùa mưa lũ, lúa đang thì con gái trải màu xanh lá mạ đẹp như một bức tranh.
Ngấp nghé tuổi sáu mươi nhưng tôi vẫn nhớ mãi những tháng ngày mấy anh em tôi cùng chung sống dưới một mái nhà. Ba tôi mất sớm. Mẹ một mình chèo chống nuôi đàn con khôn lớn nên người. Là gia đình địa chủ ruộng mẫu trâu đàn, trải qua hai cuộc chiến tranh dài dặc, đến thời mẹ tôi tất cả đã trở thành quá khứ vàng son mà thôi! Nhất là những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, khi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được rầm rộ thực hiện, “sớm trưa tiếng trống đi về nông thôn”, gia đình tôi rơi vào tình cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi. Ruộng nương vườn tược giao hết cho tập thể. Mẹ tôi đã già vẫn phải nai lưng ra đồng cấy gặt cả ngày để được chấm công chia điểm kiếm vài lạng thóc. Anh em tôi đi học về, ăn vội bữa cơm độn sắn khoai nhiều đến nỗi hở cả vung nồi, rồi đội nón chăn trâu cắt cỏ cho hợp tác xã. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Hẳn nhiên, công xá được trả chẳng đáng là bao nhưng dẫu sao “tích thiểu thành đa” cũng quý. Đi chăn trâu cắt cỏ, anh em tôi có điều kiện mò cua bắt ốc ở các bờ mương, vũng nước, suối khe… đem về cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Và nhờ thế, anh em tôi nắm rõ quy luật mưa đừa cá - kinh nghiệm dân gian được đúc kết từ bao đời, chuẩn bị sẵn đó đuột để đơm cá đồng.
Cá tràu kho tộ. |
Đã thành thông lệ, khi ngọn gió heo may thay thế cho ngọn gió Lào, cũng là lúc ở quê tôi “cái nắng tháng tám nám trái bưởi” không còn gay gắt để bắt đầu một mùa mưa lũ tơi bời.
Anh em tôi tranh thủ khoảng thời gian thời tiết chuyển mùa, vác rựa chặt tre đan đó đuột nơm lờ… Rồi mùa mưa tới. Những cơn mưa sầm sập nối tiếp nhau ập xuống. Nước ngập tràn khắp nơi. Nước dâng lên trắng đồng. Cá từ sông suối ngược dòng nước chảy, nhảy túa lên cánh đồng bậc thang trước ngõ nhà tôi để tìm mồi và để đẻ. Anh em tôi chịu khó mang tơi đội nón đem đó đuột đi đơm cá lên lúc trời chạng vạng tối, rồi mờ sáng hôm sau lại chịu khó lọ mọ ra đồng trong gió lạnh thấu xương để gom đó đuột về nhà. Mỗi đêm như thế, anh em tôi cũng kiếm được vài ba ký cá rô, cá giếc, cá tràu, cá nhét… Cuối tháng 10 ta, trời lại mưa xối xả. Mưa ầm ào một buổi, một ngày hay một đêm rồi thôi. Người dân quê tôi gọi đấy là mưa đền cây hay mưa rửa bùn. Đầu mùa, mưa lớn và mưa dồn dập gây nên ngập lụt, khi nước rút cây cối dính bết bùn đất. Vì vậy, cuối tháng 10 ta trời lại mưa đền cây, trả lại sự tinh khôi cho vạn vật. Đấy là cơ hội cho bao loại cá đồng xuôi dòng nước về lại sông suối. Và đấy cũng là cơ hội cho người dân quê tôi mang đó đuột đi đơm cá xuống.
Cá rô nướng lửa than hồng. |
Ruộng đồng được phát dọn bờ cỏ, cày bừa và gieo cấy ngay sau khi trời dứt trận mưa rửa bùn. Bởi theo thông lệ, qua ngày 23 tháng 10 ta, hết lụt, chỉ mưa dầm gió bấc, rét lạnh tái tê. Mãi đến đầu tháng chạp thời tiết mới thôi sụt sùi và bắt đầu hanh nắng.
Trong quãng thời gian đó, anh em tôi đem dụng cụ đơm bắt cá đồng gác chái bếp cho khỏi bị ải mục, chờ đợi lúc mưa đừa cá mới đem ra sử dụng lần cuối cùng. “Tại sao lại gọi là mưa đừa cá?”. Có lần tôi hỏi cô Ba Xúm. Cô cười bảo: “Cá tràu, cá rô… là những loại cá phàm ăn. Theo con nước lụt, chúng lên những cánh đồng ruộng bậc thang có lắm cào cào, châu chấu để săn mồi rồi kết đôi sinh sôi phát triển. Mưa đền cây chúng vẫn không chịu quay về sông suối. Trời thương, trời cho chúng cơ hội cuối cùng là trận mưa đừa cá vào hạ tuần tháng chạp. Đó là trận mưa dông đủ lớn để cuốn trôi cào cào, châu chấu, sâu bọ non. Lũ cá tràu, cá rô phàm ăn đuổi bám theo đám côn trùng trôi nổi đớp mồi, rời khỏi những nương ruộng bậc thang sẽ cạn dần nước qua tiết giêng hai…”. Đến mùa trăng tháng chạp, anh em tôi lôi đó đuột từ gác bếp xuống, phủi bụi sạch sẽ để sẵn sau hè. Khi trời vần vũ mây đen trên đỉnh núi Sấu, anh em tôi đem đó đuột đặt ở những lỗ nước ruộng gần suối khe để đơm cá xuống. Đêm ngồi đợi trời mưa. Thoạt đầu, chỉ mưa lắc rắc. Chặp sau, mưa dần nặng hạt. Gió nổi lên. Sấm chớp ùng oàng. Rồi mưa xối xả…
Sáng ra, anh em tôi dậy thật sớm đi giở đó đuột. Trận mưa đừa cá đã cho anh em tôi gần cả chục cân cá đồng. Chỉ một ít cá nhét, còn lại là cá tràu, cá rô.
Cá tràu, con nào con nấy to như cán dao cán rựa. Cá rô sàn sàn một lứa, cỡ ngón tay cái người lớn. Mẹ tôi không giấu được niềm vui, cười bảo: “Tết này, các con tha hồ được ăn những món ăn dân dã mà ngon!”. Anh Bốn tôi chẻ tre vót trụi. Thằng Cu Đen và thằng Cu Em nhận phần nhen lửa, chụm củi gộc để có nhiều than nướng cá. Còn tôi phụ với mẹ làm ruột cá rô, đánh vảy cá tràu. Cá rô làm xong rửa sạch cho vào rổ rắc ít muối hầm, xáo đều. Cá tràu, sau khi làm ruột móc mang rửa sạch, mẹ dùng dao khứa hai bên thân rồi lấy gia vị gồm nghệ bột, tiêu bột, ớt bột và muối hầm trộn đều phết lên. Cá rô trụi ngang. Cá tràu trụi dọc. Tất cả đem nướng trên lửa than cho chín héo da. Mẹ lựa ra những con cá tràu to nhất, cắt thành từng lát dày non đốt ngón tay làm món cá tràu kho tộ. Còn lại gói trong mo cau cất trên gác bếp. Tết đến. Đi chơi về bụng đói, rút trụi cá rô hay trụi cá tràu nướng lại cho chín vàng đem chấm nước mắm gừng, hoặc hâm lại om cá tràu kho tộ, ăn với cơm gạo trắng, tôi cảm thấy ngon không có gì sánh bằng! Những năm tháng ấy, mỗi khi xuân về tết đến, mẹ tôi xoay xở bở hơi tai mới có đủ tiền mua vài ký thịt heo ở chợ đem về nấu cúng tất niên và cúng rước ông bà vào chiều ba mươi. Anh em tôi dọn hết sạch ngay.
Bây giờ ngấp nghé tuổi sáu mươi, ngồi hàn huyên với mẹ, tôi lại bồi hồi nhớ lại một thời chưa xa. Làm nghề báo, tôi đã đi nhiều nơi, từng ăn cơm Tàu, dự tiệc Tây, nhưng tôi vẫn thấy những món cao lương mỹ vị ấy vẫn không ngon bằng món cá rô cá tràu nướng trụi trên lửa than chấm với nước mắm gừng do mẹ tôi tự tay chế biến. Lan man chuyện làng chuyện quê với mẹ, tôi không ngờ món ăn dân dã của nhà nghèo ngày ấy, bây giờ lại trở thành đặc sản được những người giàu ưa thích…
NGUYỄN TAM MỸ