Em vác mùa xuân đi đâu?...
Xa xứ xa quê đã lâu, lòng tôi trông sao mùa xuân mau đến để được thăm nhà.
Thời đó tuyến đường này rất hiếm xe. Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe mà phải ba giờ sáng xếp hàng mua vé, may mắn lắm mới được. Ôi chao! Con đường còn “địa ngục” hơn, đá lớn lởm chởm, về đến nhà mới biết mình còn sống. Tôi quyết định đi đường sông, thời gian dài hơn phải mất gần một ngày mới tới nhà nhưng không có cách lựa chọn nào khác vì năm nay tôi có đem về một nhành mai để biếu gia đình chưng trong dịp tết.
Tôi khệ nệ mang túi xách hơi nặng vì trong đó có món quà quê đặc sản của bản xứ: đường đen. Của đồng công lượng. Nhớ mấy năm tôi biếu bà con mỗi người một tán mà ai cũng khen lấy khen để. Họ còn để dành áp tết mới đem ra cạo mỏng để làm bánh in. Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng tôi vẫn không quên không khí tết rộn ràng ngày ấy. Công việc chất chồng, mỗi người làm việc bằng ba để hoàn thành công việc trong năm và chuẩn bị tết: “Có đói cũng ngày tết, có hết cũng ngày mùa”, quan niệm của ông cha như vậy, nên tất cả dành cho ngày tết. Ngọn lửa rực hồng tí tách suốt đêm ngày vì xong bánh tét, bánh chưng lại tiếp tục nấu bánh tổ. Mà đâu phải ít, hàng trăm ổ bánh như thế. Con cái ở xa về quê ăn tết, xong được nhận thức quà quê mang đi rạng rỡ nụ cười. Có lần tiễn con vào lại trường đại học, tôi dặn: “Nhớ cẩn thận kẻo mất đồ đạc nghe con!”. Nó nhoẻn nụ cười thật tươi cho mẹ yên tâm: “Mẹ đừng lo, sách vở của con ăn trộm chê vì không đọc được, còn bánh của mẹ không có hạn sử dụng chỉ mình con ăn hà. Con ngủ quên ai ăn trộm con thì họ nuôi luôn cho mẹ đỡ vất vả mà!”. Chuyến tàu đó nó không bị mất cái gì, có điều là sau khi ngủ dậy bị mất cái ví thôi. Tôi dở khóc dở cười “Gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”, khó khăn lắm tôi mới chuẩn bị đủ tiền gửi lại cho con.
Ngày xuân trong mỗi gia đình Việt Nam đều thích chưng hoa. Miền Bắc có hoa đào, nhưng miền Nam và Trung lại thích chưng mai. Quê chồng tôi mai bạt ngàn. Có những cội mai hàng trăm tuổi, vàng rực ngạo nghễ giữa sân vườn đủ biểu tượng cho mùa xuân, nhưng họ vẫn cắt một nhánh vào chưng trong nhà. Với niềm tin mùa xuân phải thực sự hiện diện trong gia đình chuyên chở thông điệp tốt đẹp, giống như câu thơ của người xưa: “Tối ba mươi co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa/ Sáng mồng một giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”. Cho nên ai xin mai họ vẫn cứ cho. Thật lạ cả người cho và nhận đều hồn nhiên vui vẻ, không tính toán thiệt hơn. Năm đó tôi xin được một nhánh thật đẹp, hơi to nhưng cân phân, mang về quê mà lòng vui như mở hội.
Khi ngọn tre đầu làng lấp lánh ánh nắng mai, tôi vội vã rời nhà cho kịp chuyến ca nô duy nhất trong ngày. Đi hết đường làng, xuống một con dốc rồi qua một bãi cát rộng bằng phẳng mới lên đò qua bến ca nô. Một tay cầm mai, một tay xách nặng nhưng tôi chẳng thấy mệt chút nào. Lòng miên man suy nghĩ làm thế nào để nhánh mai về đến nhà an toàn. Vì phải qua một chặng đường dài cả thủy lẫn bộ chứ chẳng chơi. Mới xuống hết dốc chưa vượt qua bãi cát mà tôi đã thấy đò ngang cập bến. “Gặp đò dở, trở đò hay”, thiệt đúng. Có đò thì phải nhanh chân chứ không thể thong thả từng bước được. Phản xạ, tôi đưa tay vén tóc sang một bên rồi vác nhành mai lên vai để ngọn không bị quệt dưới đất. Vừa lên đò chưa kịp nhìn thấy ai thì bỗng dưng có ai đó đằng sau lưng: “Em vác mùa xuân đi đâu/ mà tóc buồn không hóng gió?”. Cha mẹ ơi! Giữa sông nước bốn bề mà ai xuất khẩu thành thơ vậy hè! Bờ vai dường như được trút bỏ một gánh nặng, vì đằng sau câu nói đó là một bàn tay nhẹ đỡ cành mai đặt qua vai của mình. Bây giờ tôi mới kịp nhìn lại, đó là một thanh niên khuôn mặt chữ điền, da ngăm đen, không phải dân trong làng. Tôi hiểu, đó là câu nói đùa nhưng nhìn cử chỉ lịch sự và “mùa xuân” chòng chành theo chiếc đò trên vai người ấy, tôi thật sự ngỡ ngàng và xúc động.
“Em vác mùa xuân đi đâu?”. Không chỉ là một câu hỏi, một lời chào, một sự ngạc nhiên, mà là một thông báo bất ngờ. Dường như quanh ta mùa xuân đang đến thật gần mà bộn bề công việc ta không nhìn thấy đấy thôi. Lúc này, xuân bàng bạc trong sương phủ đầy dòng sông buổi sớm. Xuân véo von trong tiếng chim chích mũ chuyền cành. Xuân lồng lộng trên bầu trời cao đầy nắng gió. Và xuân như níu sức sống đại ngàn thức dậy trong ánh bình minh. Còn tôi, tôi vác mùa xuân, tôi mang mùa xuân đi đâu ư? Tôi tưởng tượng nhành mai sẽ bung những cánh hoa đầu tiên như hứa hẹn nàng xuân vĩnh cửu ngự trị trong mỗi gia đình. Tự dưng tôi thấy mình lớn hơn, có sức mạnh hơn, dường như thoát khỏi thân phận nhỏ bé của con người để mang mùa xuân về với quê nhà. Nơi đó có cha, có mẹ, có anh, có chị một đời chắt chiu dưỡng nuôi tôi khôn lớn nên người. Nơi đó có kỷ niệm một thời áo trắng mãi mãi tinh khôi như trang giấy học trò. Nơi ấy có mái trường, có bạn bè, có thầy cô và có cả tình yêu sáng trong thời con gái…
MẠC LY