Gặp người của cố hương

NGUYỄN NHÃ TIÊN 31/10/2015 09:31

Đôi khi trên con đường quen, nhưng trong một tâm thế bỗng dưng không bình thường, người ta có thể bước lạc, đi lạc. Hoặc có thể vì nhiều lý do khác mà bước lạc này lại nối tiếp bước lạc kia. Cuộc đời vốn thường bất định, vậy mà anh – nhà thơ, người lại khéo “Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe”, và vì cái lẽ đa đoan đó mà buộc vào mình những câu hỏi:

Chắc gì đâu giữa vô thường
Ai không một thuở lạc đường nổi trôi

Hỏi, và chẳng mong gì ai trả lời. Hỏi, như là cầm trong tay viên sỏi, rồi trên đường xa rong chơi nào đó, anh ném vào một vực sâu thăm thẳm xuất hiện bất chợt, và cũng chẳng mong một tiếng vọng hồi âm nào. Những câu hỏi ấy là hỏi câm, thoạt dấy lên từ một nỗi niềm, cho vơi bớt, nhẹ bớt nỗi bất an của nội tại. Chính cái khoảnh khắc vượt thoát sự bình thường đó, người nghệ sĩ dễ quên đi con đường hiện thực mười mươi đang gập ghềnh dưới bàn chân xương thịt kia, để thao thức khắc khoải, hoặc để đắm say với giấc mơ nào đó, hoặc nghe hạnh phúc òa vỡ tràn ngập tâm hồn, tất cả dù cho khổ đau, dù là hạnh phúc, đều xây thành cuộc hoan lạc, để từ đấy mà sinh thành thi ca.

Tôi đã làm quen với thơ Nguyễn Văn Gia bắt đầu từ những câu hỏi như hỏi giữa trời không: Xưa ai cánh nhạn lạc trời / Vì đâu nên nỗi thuyền trôi lạc dòng? Câu hỏi xem ra bình thường, thậm chí, nói như Bùi Giáng thi sĩ “Người qua tôi cũng đi qua/ Người dừng tôi cũng qua loa tạm dừng”. Thế có nghĩa là, chẳng có gì để lưu tâm hết, vậy mà từ cái phút chốc tưởng “qua loa” ấy, có ai ngờ một tiếng ngân vang xa!

Chuông chùa vẫn giọt hư không
Cỏ cây xưa vẫn thủy chung một màu

(Trở về)

Nguyễn Văn Gia làm thơ thường ít sa đà, ít rơi vào cái trạng huống: ngựa thả dây cương cho bản năng thỏa sức phi nước đại đường trường. Nguyễn Văn Gia kịp tỉnh táo để quan sát thế giới, nhận ra từ cõi bao la ấy sự muôn màu thấm đẫm tha tính, để từ trải nghiệm đó thấu đạt sự lở - bồi ngay ở lòng người.

Ruộng vườn chẳng lạc gì nhau
Tang thương cũng bởi bể dâu lòng mình

Thi thoảng gặp nhau, ngồi trong cái quán cóc nào đó cùng nhâm nhi ly cà phê, tôi lại nghe anh đọc vài bài thơ mới viết. Giả dụ như: “Rằm tháng giêng lên chùa”.

Lên chùa tìm chút thảnh thơi
Ai dè chùa cũng như … đời ngoài kia
Và rồi anh lại triết lý bằng thơ:
Cũng thứ hạng, cũng phân chia
Chỗ này vô nhiễm, chỗ kia thị trường
Đành rằng tất cả vô thường
Thôi ta về lại phố phường ẩn tu.

Cái chất giọng Quảng hồn hậu của Nguyễn Văn Gia mỗi khi ngẫu hứng đọc thơ, dường như cũng góp phần cắt nghĩa cho người nghe thơ của anh – chính những lúc mênh mang thơ phú bất tận ấy, trông anh thi sĩ hơn bất cứ lúc nào. Nhưng không phải bao giờ Nguyễn Văn Gia cũng lý sự để, nói như Chế Lan Viên, là “cầm hòn đá đánh nên ngọn lửa”, mà có lúc ta rưng rưng nghe tiếng lòng nhà thơ lênh láng một tình yêu:

Phải nghìn lần cám ơn
Đôi hia bảy dặm
Này êm ả phương đông
Chân trời rộng mở
Vạn dặm còn xa
Hãy nhớ
Dưới đám mây kia
Là hình bóng một quê nhà
(Gởi con trai)

Hãy nhớ/Dưới đám mây kia/Là hình bóng một quê nhà. Thơ ấy, ngôn từ ấy phải chăng suốt mấy mươi năm anh đứng trên các bục giảng trung học, đại học, là một nhà giáo dạy môn Tiếng Anh, hẳn anh cũng đã ngàn lần rót vào trái tim bao lớp học trò của mình cái câu thơ đẹp như ngọn lửa dẫn đường.

Cái đẹp không chỉ là khát vọng hướng đến những chân trời, mà còn thật gần gũi, ruột rà bên ta. Trực cảm đúng sai nhường nào, tôi không rõ. Có điều từ buổi đầu tiên đọc thơ Nguyễn Văn Gia thuở là sinh viên, cho đến những bài đăng trên báo Thanh niên Chủ nhật bây giờ, và cả từng trang thơ anh trong tác phẩm “Đôi bờ thời gian” (NXB Hội Nhà văn), cảm giác ấy vẫn nguyên vẹn như thế. Nó như một rong ruổi qua bao lênh đênh cuộc đời này, có nhiều lúc tôi cũng lạc đường, lạc ngõ tưởng vô phương, bất chợt phía non xa, khói rơm rạ vòng vèo bay lên vẽ đường cho nỗi nhớ chạy về trú ngụ. Ở cái miền, cái cõi mơ hồ đó, tôi lại gặp giấc mơ như anh đã từng mơ: Chẳng còn đâu / Bóng tre xanh /Quê nhà giờ đã trở thành cố hương!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

NGUYỄN NHÃ TIÊN