Chị Bốn
(QNO) - Tốt nghiệp đại học, chị Bốn của tôi quyết bám đất Sài thành. Biết ba mẹ ở quê khó khăn, nên tháng nào chị Bốn cũng gửi ít tiền về phụ giúp. Mấy năm sau công việc tiến triển cũng là lúc tôi vào đại học, một tay chị lo liệu từ tiền phòng trọ, ăn uống, sách vở, học phí.
Rồi chị mua nhà ở ngoại thành, tôi về sống chung với chị. Tôi nhớ mãi lời chị thường nói “mình tha hương, phải lo làm ăn, chớ đua đòi ăn chơi, sẽ hoang phí một đời”. Mấy nhà hàng xóm người miền Tây, có người gọi chị Bốn của tôi là con Tư, nhỏ Tư hay chị Tư, chứ không gọi Bốn theo cách người miền Trung. Họ nể phục và yêu thương chị tôi vì cho rằng tầm tuổi chị lẽ ra đã lấy chồng; công việc ổn định, lẽ ra phải chăm chút bản thân nhiều hơn, chị Bốn tôi lại sống giản dị, chỉ biết công việc và lo lắng cho người thân.
Chị chăm sóc tôi chu đáo như mẹ. Dù sống ở Sài thành đã lâu, nhưng chị Bốn ưa săn lùng các món miền Trung. Mỗi khi tôi bị ho dài ngày, uống thuốc không bớt, chiêu đặc biệt của chị là chạy vào chợ mua ruột heo về xào nghệ, ăn cùng với bún. Trúng món khoái khẩu, tôi hết ho, chị nói vui là “chị cũng ngừa được bệnh”. Đi làm về, chị hay treo tòng teng trước xe khi thì bịch gỏi mít, khi thì hộp bánh bèo, mỳ Quảng, hến xào, nhộng xào... toàn các món ngon xứ Quảng.
Sống với chị Bốn, ba mẹ hoàn toàn yên tâm về đứa con trai vốn nhát gừng là tôi. Ba mẹ sợ tôi rụt rè, sống thiệt tình quá, dễ bị bắt nạt. Nhưng tôi học ở chị Bốn cách sống bản lĩnh, tự tin, cộng với những trải nghiệm từ bạn bè, tôi thấy mình cứng cáp hơn trước. Chị Bốn bảo tôi đã ra dáng một thanh niên, bây giờ quẳng ở đâu tôi cũng có thể sống được. Chị yên tâm, rồi một ngày chị bảo “chị đi lấy chồng đây”. Anh người yêu đồng hương lâu nay vẫn rụt rè qua lại với chị, nay tỏ ra mạnh mẽ vì quyết định “lấy chồng” của chị Bốn.
Những tưởng sau bao lo toan cho gia đình tôi, chị sẽ hưởng trọn niềm hạnh phúc riêng, ngờ đâu chị phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Ba mẹ tôi ngã quỵ. Tôi chết lặng mấy hôm liền. Chị cũng chết lặng. Nhưng chị là người đầu tiên vượt qua cú sốc bệnh tật, xác định “số trời đã định” một cách lặng lẽ. Qua lời bác sĩ, chị đoán biết được thời gian sống còn lại của mình. Chị vẫn đi làm cho tới khi không thể đi được nữa để khuây khỏa. Chị trao lại giấy tờ nhà cho tôi, dặn đất Sài thành luôn giang rộng vòng tay cho những người biết cầu tiến, không ngại khó. Quyển sổ tiết kiệm, chị trao cho ba mẹ tôi. Tiền mua bảo hiểm xã hội, chị dặn tôi trao dần cho những hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà. Đêm trước ngày vĩnh biệt Sài thành, chị thức trắng, không chỉ vì bị cơn đau hành hạ. Chị cố gắng ngồi dậy đi khắp nhà, sờ tay lên bộ máy tính đặt ở góc phòng, lên bức ảnh chị em tôi chụp chung hôm tết. Chị bảo muốn lên ban công ngắm ngoại thành về đêm, nhưng mệt quá nên không thể.
Ngày chị ra sân bay, cả xóm nhỏ đưa tiễn. Không ai dám khóc và động viên Tư về quê cố gắng thuốc thang. Ở quê, ba mẹ đã sẵn sàng các loại thuốc bắc, thuốc nam, ai chỉ gì làm nấy. Tôi biết chị ráng uống thuốc để ba mẹ vui, chứ khó có phép màu nào cứu được. Vừa uống thuốc, chị vừa lén mẹ dặn ba làm đáng tang cho chị thật đơn giản, ngôi mộ cũng vừa phải, chị muốn được mặc bộ đồ vest đồng phục công sở lúc khâm liệm. Ba tôi giấu nước mắt vào trong khi nghe mấy lời cuối cùng của đứa con gái duy nhất. Chị lạnh dần trong vòng tay ba tôi, bên cạnh những người thân yêu của mình.
Ngày tôi trở lại Sài Gòn, ngôi nhà lạnh lẽo vì thiếu chị. Tôi biết từ nay không còn chị, cuộc sống tôi sẽ khác. Xóm nhỏ cũng vắng bóng con Tư. Nhưng những dịu dàng chị để lại sẽ tỏa bóng trong cuộc đời tôi, là nơi bình yên để tôi trú ngụ giữa ồn ã cuộc đời.
LÊ KHANH