Nhẩn nha… gió

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 04/07/2015 09:31

Suốt 24 giờ, mọi người luôn “đi” cùng với gió, dù chẳng hề lưu ý? Bởi chưng, ta đang ăn-ngủ-đứng-nằm-ngồi trên trái đất, mà hành tinh này thì chẳng bao giờ dừng quay. Quay thì tạo ra gió, các nhà khoa học đã nói thế.

Ta đang ở giữa “ bốn chung quanh”, ấy là nói theo thuyết ngũ hành. Đông thuộc Mộc, nên gió mùa xuân mát mẻ, gọi là gió đông (thổi từ hướng đông nam). Tây thuộc Kim nên gió mùa thu là gió tây. Nam thuộc Hỏa nên mùa hè có gió nồm. Gió từ hướng tây nam là gió nóng (gió lục địa), gió vàng (西 風 - tây phong), quen gọi là gió nam. Phương bắc thuộc Thủy nên gió mùa đông là gió bấc, rét mướt…

Và mùa nào cũng có gió, nhất là trong… thơ ca. Ngọn gió mùa xuân trong thơ Lý Bạch êm đềm: Thùy gia ngọc địch ám phi thanh / Tán nhập xuân phong mãn Lạc Thành (Dịch nghĩa: Tiếng sáo ngọc của nhà ai mơ màng / Theo ngọn gió xuân tràn vào khắp thành Lạc Dương). Trong thơ Trương Tịch, gió mùa thu gợi nỗi niềm xa quê: Lạc Dương thành lí kiến thu phong / Dục tác gia thư ý vạn trùng (Dịch nghĩa: Ngọn gió thu chợt thổi qua thành Lạc Dương / gợi nên bao nỗi ngổn ngang trong lá thư viết gửi thăm quê nhà…). Văn học dân gian Việt Nam thì rất… hiện thực và cụ thể: Gió bấc hiu hiu / sếu kêu thì rét  hoặc là lời thở than trước hiện tượng thời tiết trái mùa: Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm...
Trong mắt nhìn của người bình dân Việt, gió cũng được đem so sánh với những người keo kiệt hoặc không đáng tin cậy: Nói thì như mây như gió/ Cho thì những vỏ cùng xơ.

Nhưng dù thế nào, gió vẫn là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa người với người. Nguyễn Trãi thì nhìn cảnh gió lay động mà nghĩ tới bao điều lớn lao của đất trời và của cõi người: Tây phong hám thụ hưởng đề tranh (Gió tây lay cây, âm vang vang). Thi sĩ Thôi Hộ hơn ngàn năm trước đã khiến cho người con gái đẹp, sau lần “sơ kiến” giữa tiết Thanh Minh,  đã phải tương tư mà mệnh yểu vì… gió: Nhân diện bất tri hà xứ khứ / Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Trước sau nào thấy bóng người / Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông – Nguyễn Du). Còn Thi tiên thì mượn gió đưa khúc hát đến người thương: Khúc này có ý ai đưa hộ? / Yên Nhiên mang gửi gió xuân sang (Trường tương tư - Lý Bạch).

Gió là sự ra đi. Của người chồng ra lính chốn biên ải:  Phu thú biên cương, thiếp tại Ngô / Tây phong xuy thiếp, thiếp ưu phu. (Ký phu - Trần Ngọc Lan). Dịch nghĩa: Chồng ra chốn biên ải phía tây, thiếp ở phía đông / Gió tây khiến thiếp lạnh, thiếp thương chồng.

Gió cũng là sự trở về: Và gió thổi quanh em tóc rối / Những bông hoa đã mất vụt bay về  (Hoa tầm xuân - Lưu Quang Vũ)…

Con người, theo từng bước tiến của mình, giờ đây đã có đủ phép “thần thông” để tóm được cái đối tượng vô hình là gió, để biến gió trở thành một nguồn năng lượng phục vụ cho đời sống. Đây là nguồn năng lượng rẻ tiền, bên cạnh sức nước. Dẫn đầu các quốc gia chú trọng đến việc khai thác gió là Đức và sau đó là Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Đan Mạch và Ấn Độ… Ở Việt Nam, dự án khai thác gió đã có ở Khánh Hòa, Bình Định, Bạch Long Vỹ, Bình Thuận nhưng hãy còn… yếu ớt.

Nhưng, thôi vậy! Bởi nếu cứ rề rà mãi thì biết đến bao giờ… gió mới ngừng thổi? Thôi thì, giờ đây có không ít gia đình đã gắn bó với gió bằng một vật dụng be bé xinh xinh là cái chuông gió, với “niềm tin và hy vọng” rằng, chuông gió là hồn của gió, âm điệu của đất trời, là thông điệp tình yêu, là vật để hóa giải hung khí, đem lại vận may, tài lộc cho mọi người…

Hãy nhìn và nghe lời của gió đang ngân nga, ngân nga…

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT