Lên núi làm phim ca nhạc
Cuối năm 2014, để chuẩn bị tác phẩm tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34 tổ chức tại Huế, đạo diễn Vinh Quang cùng ê-kíp phòng Văn nghệ QRT kéo nhau lên miền núi Quảng Nam làm phim ca nhạc “Tiếng gọi đại ngàn”. Tôi tuy người “ngoại đạo” nhưng cũng được mời tháp tùng với tư cách là tác giả của chùm 5 ca khúc được sử dụng trong phim, đồng thời là “nhân vật chính” của câu chuyện, mặc dù trong cả tập phim tôi chỉ xuất hiện 2 lần trong tâm thế hồi tưởng của một chứng nhân, tổng cộng được khoảng... 30 giây.
Tác nghiệp ở Trung tâm bảo tồn gươl Tây Giang. |
Ý tưởng của kịch bản phim do đạo diễn Vinh Quang và Ngọc Kết xây dựng là câu chuyện về một chàng giáo viên ôm đàn lên núi dạy học rồi đem lòng yêu một cô gái Cơ Tu xinh đẹp. Chàng yêu Alăng Miêh ngây thơ hồn hậu như yêu đóa hoa rừng. Chàng mê say giọng hát babooch - panoach của nàng như say mê từng ngọn núi dòng sông. Rồi trong sự thương yêu đùm bọc của buôn làng, chàng đã ở lại bên nàng để cùng các thế hệ học trò xây dựng đại ngàn tươi xanh...
Nội dung chỉ giản đơn có vậy nhưng để diễn đạt nó bằng 5 ca khúc rời được sáng tác trong những hoàn cảnh khác nhau không phải dễ. Thời gian của câu chuyện kéo dài 40 năm trong khi thời lượng cho phép tối đa chỉ có 27 phút. Hơn nữa, riêng độ dài 5 bài hát đã mất hết 25 phút. Do vậy kịch bản đã sử dụng rất nhiều cảnh quay hỗ trợ và gần như không có lời bình, ngoại trừ một đoạn tự thoại cuối phim rất cô đọng và đầy xúc cảm: “Ngày ấy, tôi cứ ngỡ mình đến rồi lại đi như cánh chim bay theo mùa. Nhưng rồi những con người hiền lành như cỏ cây, hồn nhiên như dòng sông khe suối, nồng nàn như hương đất hương rừng đã giữ chân tôi lại với đại ngàn. Tôi đã sống, đã yêu thương và hòa chung nhịp đập với đồng bào, để rồi từ trong sâu thẳm tâm hồn mình đã ngân rung thành những giai điệu đầy cảm xúc...”.
Một yếu tố ngẫu nhiên nhưng đã tạo nhiều thuận lợi cho đoàn làm phim là cả 5 ca khúc đều do NSƯT Xuân Đề và ca sĩ Thảo Vân thể hiện trong audio album có sẵn từ trước của tôi. Họ đều là những ca sĩ “gạo cội” của Đoàn văn công Quân khu 5. Hơn nữa theo kịch bản, Xuân Đề và Thảo Vân là “hóa thân” trong chuyện tình của tôi thời trẻ mà nay ngoài đời họ lại là một cặp vợ chồng thực sự nên nhóm làm phim khỏi phải... “bất an” khi họ luôn cặp kè bên nhau trong... bụi rậm lúc... thay đổi trang phục, hay âu yếm nhìn nhau trong những cảnh quay đầy lãng mạn.
Mặc dù trước khi đưa cả đoàn lên núi, đạo diễn và các trợ lý đã làm công tác “tiền trạm” rất chu đáo với các cơ quan chính quyền từ huyện đến thôn, làng ở Nam Giang và Tây Giang, nhưng ngay từ buổi chiều đầu tiên ở gươl thôn Pà xua, đoàn làm phim đã gặp khá nhiều trở ngại. Do nhằm ngày nghỉ cuối tuần nên việc điều động một đội thợ dệt thổ cẩm từ làng Zơ Ra, một đội múa tâng tung da dá cùng một đội cồng chiêng của xã Ta Bhing đều mất nhiều giờ thương thảo và chờ đợi. Tiếp theo là cái vụ “cỗ máy” phát điện mang theo từ Tam Kỳ tải cho 4 chiếc đèn pha. Cả 4 chàng chuyên viên đạo cụ to khỏe thay phiên nhau giật đến vã mồ hôi nhưng dường như nó vẫn cứ nằm vạ không chịu lên tiếng. Buổi lâu mới biết là do... quên đổ xăng. Sau đó nó lại uống xăng như... voi uống nước suối, đến nỗi anh Trọng tài xế phải mượn xe máy làm con thoi chạy đi chạy về mua xăng suốt cả đêm. Lại còn bao chuyện dở khóc dở cười: Chờ hoài vẫn chưa thấy anh Lâm Tứ Khoa, chuyên gia về flycam (thiết bị bay có gắn camera) từ Đà Nẵng lên như hợp đồng; mượn được chiếc khăn Châr guur cho Xuân Đề nhưng cả đoàn không ai biết quấn nó vào người như thế nào. Hỏi những nhà dân lân cận cũng nhận được những cái lắc đầu bởi họ toàn là những người dưới xuôi lên. Cuối cùng, may mà đón được một thanh niên đang phóng xe máy định vượt cầu treo sông Giằng trong đêm, nhờ anh ta chỉ giúp. Rồi nào gặp phải một trận mưa bất ngờ làm cho đống củi khô hóa ra ướt nhẹp, cả bọn xúm nhau nhen đến mờ mắt mới chịu đỏ lửa. Nhìn cảnh đạo diễn Vinh Quang tất tả ngược xuôi, hò hét từ trưa cho đến nửa đêm mà thấy thương. Các trợ lý đạo diễn như Ngọc Kết, Xuân Bá... cũng đều phờ phạc. Hôm đó cả đoàn mệt lã và đói ngất ngư. Quay xe về tới Chà Vàl, tìm được một quán cóc để ăn tối lót dạ thì gà rừng vừa gáy. Vậy mà xem lại, cả ngày mới chỉ thực hiện được một vài cảnh quay mở đầu cho 2 ca khúc: Tiếng gọi đại ngàn và Ngọc Linh mùa xuân. Còn những 3 bài nữa chưa hề đụng tới: Rừng gọi A Sơn Dun, Nhịp điệu Tây Giang và Babooch với Alăng Miêh.
Tác nghiệp ở gươl thôn Pà Xua. Ảnh: Phan Văn Minh |
Ngày hôm sau trên thác Gờ- răng lại càng nhọc nhằn hơn. Đưa được tất cả thiết bị theo đường dốc dài gần nửa cây số là một kỳ công. Ngày hôm đó các sự cố kỹ thuật cứ xảy ra liên tiếp: Đang trưa trời bỗng đổ mưa từng chặp, cả đoàn phải chui ra chui vào một tấm bạt căng tạm giữa mấy tảng đá lớn. Hai chiếc camera mặc dầu đã được che chắn nhưng kính vẫn bị nhòe bởi hơi nước. Chiếc flycam đang bay ngon trớn trên ngọn thác chợt lảo đảo như... xỉn rượu, suýt đâm bổ vào vách đá do bảng điều khiển điện tử bị ngấm nước mưa. Xuân Đề đứng hát Rừng gọi A Sơn Dun trên một mỏm đá dưới chân thác, phải nghiêng đầu né chiếc flycam bất kham cứ vù vù đâm thẳng vào mặt đến mấy lần, đã vậy trên mặt anh còn ròng ròng những giọt mưa như vừa lặn từ dưới suối lên. (Sau này đạo diễn Vinh Quang phải nhờ anh đi quay lại cảnh này, nhưng tại một dòng suối trên đỉnh... Sơn Trà). Đến nửa chiều thì tất cả đều ướt nhèm. Đạo diễn vừa than trời vừa ra lệnh rút quân. Vừa xuống khỏi mấy trăm bậc đá, lại thấy mặt trời thò ra chói chang như trêu chọc...
Trên đường qua Tây Giang, dù trời đã xế chiều nhưng đạo diễn vẫn tranh thủ quay thêm một số “shot” trên mấy ngọn đồi trọc, tro than còn vương vãi.
Hình như ở bên Nam Giang, các “Giàng” bày trò thử thách đoàn làm phim qua 2 ngày cũng đã... thấm mệt nên đến ngày thứ ba, mọi việc trở nên trôi chảy. Các cảnh quay ấn tượng nhất theo kịch bản đều được thực hiện công phu và hoàn hảo. Chỉ riêng việc phục dựng lễ cưới truyền thống giữa Xuân Đề và Thảo Vân tại làng A Rớh (thuộc xã Lăng) đã phải huy động cả làng cùng tham gia. Cũng có mổ heo, giết gà, uống rượu tr’đin để hai họ ăn mừng la đà trong gươl; cũng có nhảy múa tâng tung da dá trong tiếng cồng chiêng rập ràng quanh ánh lửa hồng giữa sân làng như thời xa xưa, chỉ khác là nay có thêm 4 ngọn đèn 1.000w pha ngang dọc và chiếc flycam mà anh Khoa đã lui cui sửa chữa cả đêm qua đang bay lả lướt trên đầu khiến đám trẻ con cứ ngước cổ lên mà vỗ tay reo hò... ngoài kịch bản. Công phu là vậy nhưng cảnh này chỉ đóng góp được khoảng... 2 phút trong video clip bài Babooch với Alăng Miêh. Cả đoàn còn phải về lại A Tiêng dựng thêm nhiều cảnh khác trong ngôi nhà sàn riêng của Alăng A Ráy mãi tận khuya mới xong việc.
Đó cũng là đêm cuối cùng đoàn làm phim thức trắng với đại ngàn. Dưới ánh trăng lờ mờ trong sương núi, những hỉ nộ ái ố được “nuôi nhốt” kỹ suốt 3 ngày ròng nay tất cả đều được thả ra... làm mồi cho rượu ba kích và đẳng sâm, để rồi lại ôm vai nhau cùng cười vang cả bọn.
Và hơn nửa tháng sau, tin bay về từ Huế, nơi diễn ra cuộc Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34, phim ca nhạc “Tiếng gọi đại ngàn” (độc giả có thể xem phim theo link: http://lhthtq.vtv.vn/Ca-nhac/Tieng-goi-dai-ngan/16180.vtv) đoạt một trong 3 huy chương bạc thuộc thể loại này đã làm nức lòng anh em ở Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam, kể cả tôi, một “cộng tác viên ngoại đạo”, xớ rớ suốt mấy ngày trời chủ yếu chỉ để... nhìn sông nhìn suối, ngắm núi ngắm rừng.
Bút ký của PHAN VĂN MINH