Nờm

PHI KHANH 04/04/2015 09:06

Thời chưa điện, một cơn gió nhẹ giữa trưa hè cũng đủ làm dịu đi cái nóng như ran, dù gió chỉ thoảng qua trong phút chốc. Gió trời là nguồn mát dường như duy nhất, nên mỗi khi gió ghé ngang, ai cũng tranh thủ tận hưởng. Kẻ hít hà sung sướng, người thở phào nhẹ nhõm, chừng như lớp da sau vạt áo cũng cố giãn nở để đón nhận làn gió vừa chớp nhoáng ghé qua.

Nội tôi bảo đó là ngọn gió nờm. Gió thổi lên từ biển, nhẹ nhàng và mát tê mát tái. Những bữa cơm trưa, cơm chiều, mẹ thường dọn cơm trên mâm chiếu đầu hồi, và mở toang các cửa sổ để đón nờm. Thói quen ăn cay và mặn vốn thăm căn cố đế, nên dù có nắng nóng đến mấy, chúng tôi vẫn trung thành với tô canh nóng hổi, và tất nhiên không thể thiếu ớt. Hình như lúc mồ hôi nhễ nhại, là nờm tới. Nờm chực chờ đâu đó, làm dịu cái mát giữa lúc con người ta đang rất cần. Đám trẻ thành phố về quê dịp hè, chịu không nổi cái nắng nóng thấu trời, cứ quẩn quanh bên giếng nhà, múc nước giội liên hồi, hay ra ngồi dưới bóng mát của mấy tàn cây cho đỡ bức. Tới khi nội mang chiếu ra trải, chúng bảo “ngủ sao nổi hả nội?”. Nội rằng “cứ nằm xuống, bảo đảm các cháu sẽ ngủ rất ngon”. Và rồi khi tỉnh giấc, đứa nào cũng ngạc nhiên vì chẳng hiểu sao mình lại có thể ngủ sâu và lâu đến thế. Hóa ra là nhờ ngọn nờm!

Chẳng ngạc nhiên khi bàn học thường được kê bên cửa sổ. Dù ngày đông hay ngày hè, động tác đầu tiên mỗi khi ngồi vào học bài là mở toang cửa. Mở cửa đón nờm, là để được tận hưởng giây phút diệu kỳ thiên nhiên ban tặng. Nờm len qua mấy song cửa, lật trang giấy học trò, bỏ lại trên bàn chiếc lá vừa rơi rụng, rồi nhẹ nhàng rời đi. Những ngày tháng tư, khi cái nắng đầu hè khơi mùa, nờm đã xuất hiện. Nếu nắng xuân điệu đàng, đỏng đảnh chừng nào, thì nằng hè rực rỡ, bức bối chừng đó. Nhưng dù bức bối cỡ nào, đã có “ông trời” phái nờm làm nhiệm vụ giải nhiệt ngày hè.

Nờm trong ký ức tuổi thơ qua những cánh diều. Đồng cỏ mênh mông, cánh diều tuổi thơ luôn chờ đợi nờm tiếp sức để bay cao trên bầu trời mơ ước. Nên dù du hí nơi đâu, khi trẻ con chuẩn bị căng diều, nờm cũng tìm tới, cố tung một làn hơi mạnh để đẩy diều lên cao. Ở trên cao ấy, nờm vờn cánh diều, lả lướt, nghiêng ngả. Đám trẻ rủ nhau nằm sóng soài dưới đất, nhìn lên cánh diều chấp chới, im lặng thưởng thức tác phẩm của mình. Trẻ em thả diều, đợi nờm còn hơn đợi mẹ đi chợ về. Và nờm lúc nào cũng có mặt đúng lúc. Có lẽ vì thế mà với trẻ em, nhiệm vụ của nờm là đương nhiên, thậm chí chúng không biết giá trị của ngọn nờm, để rồi khi tuổi thơ vụt qua đi, khi đủ lớn để hiểu biết và cảm nhận, mới thấy nờm mới thật sự là người bạn thân thiết, không thể thiếu trong những giấc ngủ trưa hè, hay trên cánh đồng diều lộng gió.

Càng vào hè, nờm càng rõ nét. Hãy là người thông minh để tận dụng ngọn gió quý ấy. Tỷ như phải biết chọn vị trí đón gió thích hợp, thì ngủ với nờm thậm chí còn ngon hơn ngủ cùng quạt máy. Hãy dọn cơm lên đầu hồi mà đón nờm, hay mở toang tất cả cửa sổ để mời gọi nờm. Bây giờ có điện, ngọn gió nờm đã không còn quý như xưa. Nhưng dù thế nào, nờm vẫn cần mẫn với những ai cần nờm, nhớ nờm. Giữa thành phố xô bồ, nóng bức, chợt thèm ngọn nờm tháng tư xứ Quảng, chợt nhớ cánh diều tuổi thơ được nâng đỡ từ những ngọn gió nờm năm xưa...

PHI KHANH

PHI KHANH