Bến Đá của tôi
Nhiều năm rồi, tôi không về Bến Đá. Sông đổi dòng, Bến Đá có còn đâu. Mẹ bảo gần đây có dịp đi đò ngang chỗ ngày nào ngồi giặt áo, thấy chẳng còn tảng đá nào nữa, chỉ nhận ra nhờ con dốc cao giờ cây cối phủ um tùm. Bãi cỏ cũng không còn, tất cả đã chìm dưới nước sâu.
Bến Đá.
Tôi giậm chân khóc, tức tưởi khóc khi phát hiện bị mẹ dụ ra sân trước chơi để anh Hai tôi bưng thau đồ đi một mình ra ngõ sau, rẽ qua vườn bác Sáu rồi đi cùng với mấy đứa hàng xóm đang chờ. Tôi ốm còn chưa khỏi. Chiều hôm sau, tôi hí hửng soạn áo quần, bột giặt để đi thì đùng đùng, sấm chớp rền vang, lại ngồi ứa nước mắt. Xa Bến Đá có vài ngày là thấy không yên.
Đường ra Bến Đá gồ ghề đất sỏi, có dốc thấp dốc cao, có ruộng dưới chân, có hoa trước mặt, có mây sà xuống đỉnh đồi như thể với tay là hái được cả chùm. Và có hương dủ dẻ thơm lừng, có vạt mè xanh mướt ngay đầu con dốc xuôi xuống bến. Tôi và bạn đã thò tay, hái một nắm lá mè. Ai đã chỉ cho ta ấy nhỉ, rằng cứ vò lá mè ra, bọt sẽ nhiều, cứ thế chà lên đầu, tóc sẽ mướt đen, lại còn mau dài nữa. Tôi đã trót quên mùi hương của loại xà bông đặc biệt ấy rồi, bạn còn nhớ không?
Con dốc xuôi xuống bến, là một con dốc cao. Nhưng mỗi chiều ra bến, chưa cần chạy như bay xuống con dốc ấy, tôi đã cảm nhận được sông rồi. Làm gì có ngọn gió nào mát hơn gió từ sông. Làm gì có ngọn gió nào hiền như gió từ sông trong những buổi chiều hè. Và tiếng của bọn trẻ té nước, cười đùa, cả âm thanh của cú nhảy ùm xuống nước từ tảng đá nào đó vang lại. Sông của tôi đây rồi, Bến Đá đây rồi, tôi chẳng thể nào mà bước từ tốn được. Tôi chạy, tôi bay…
Bến Đá ơi, có nhớ năm khô hạn, giếng Đàng Truông lúc nào cũng có đám trẻ bu quanh, những chiếc gàu nhôm, gàu thiếc va vào nhau, có chiếc chẳng chạm được vào mặt nước. Chờ một lúc lâu, kéo lên, gàu vẫn nhẹ hều. Những ngày ấy, Bến Đá là vị cứu tinh. Anh em tôi mỗi chiều ra Bến Đá, lại mang theo chiếc thùng thiếc với cây đòn gánh, vài mảnh lá chuối để khiêng nước về. Dốc thì cao, anh em tôi bé nhỏ, đường từ Bến Đá về đến nhà cứ bước thấp bước cao.
Tôi yêu sao những chiều ra bến sớm. Bến vắng vẻ, bình yên. Tôi ngồi trên bờ đá, thò chân xuống vớt rêu, hay vục tay nhặt những con ốc quắn, loại ốc đen và nhỏ dài, tôi thấy anh Hai tôi hay mang về bỏ vào hồ cá. Tôi ngồi chờ những chiếc ca nô lướt qua giữa dòng. Những chiếc ca nô ấy, xuôi từ Trung Phước xuống, hoặc ngược về từ Đà Nẵng. Chiếc nào cũng ắp hàng, ắp người. Tôi là cô bé Liên trong “Hai chị em” của Thạch Lam, ngóng những điều mới mẻ, thèm bước lên chiếc ca nô nào đó để đi xa. Dù cho mỗi bận theo mẹ ngồi ca nô ra Đà Nẵng thăm ngoại, được vài ngày tôi lại trốn ra góc đường khóc nhớ nhà.
Bến Đá, thì hẳn nhiên bởi vì nhiều đá. Đá xếp thành từng lớp để tôi ngồi mơ mộng nhìn mây sà trên đỉnh núi phía thượng nguồn. Đá nhô lên tảng to tảng nhỏ cho tôi trải áo lên mà chải thật sạch kẻo mẹ chê con gái chẳng chút gì giống mẹ. Cho tôi đứng lên mà nhảy ùm xuống nước rồi lại lóp ngóp bơi đến tảng đá to sát cạnh, vì tôi tập hoài mà mãi chẳng bơi khá lên được. Cho tôi để chiếc thau nhôm, quay đi giặt giặt giũ giũ, loáng cái quay lại chẳng thấy chiếc thau đâu, hốt hoảng tìm quanh thì thấy nó đang lững thững trôi tít giữa dòng, tôi òa khóc, may mà có chiếc ghe ngang qua, vớt được. Chiếc thau nhôm ấy, giờ vẫn còn nguyên vẹn, mỗi lần về nhà, nhìn nó, tôi lại thấy mình đang mắt ướt nhòe cảm ơn ông lão chèo ghe giữa buổi chiều gió lộng bên vai.
Bến Đá! Bến Đá!
Tiếng tôi gọi cái bến tuổi thơ đã theo thời gian chìm sâu dưới bao lớp nước. Hay tiếng người bạn nào vui mừng gọi tôi mà không nhớ tên con nhỏ đen đúa sau cả hai chục năm thất lạc, chỉ nhớ cái bến chúng tôi từng ré vang sung sướng những hè xưa. Mà nghẹn ngào, mà da diết quá, nghe như tiếng mưa về động vọng bến quê xưa.
NGÔ THỊ THỤC TRANG