Đồ xưa cũ
Một lần đến chơi nhà anh bạn, tôi bất ngờ, thú vị xen lẫn xúc động khi nhìn… cái tủ của anh. Đó không phải là tủ sách. Cũng chẳng phải tủ trà, tủ rượu hay tủ “buýp phê” mà các phòng khách gia đình thường có. Không to lớn đồ sộ, cũng chẳng cầu kỳ tầng nọ tầng kia. Cái tủ tôi thấy hình như lạ mà quen, quen mà lạ. Qua lớp kính trong, tôi như thấy hiện về cả một thời xa xưa của quá khứ: những chiếc nồi đồng từ nồi một, nồi rưỡi đến nồi năm, nồi bảy. Chúng được chồng xếp lên nhau ngay ngắn từ lớn đến nhỏ trông như một quả bánh cưới. Rồi những chiếc đèn dầu lớn, nhỏ bằng đồng, bằng nhôm, thủy tinh… được sản xuất từ những năm 60 trở về trước, có chiếc còn nguyên cả bóng đèn và chóa, thường treo lên khi thắp. Còn đèn bão thì cái nào cũng tròn tròn xinh xinh một kiểu dáng giống như anh em sinh đôi. Một góc tủ khác tôi nhìn thấy vài cái bàn ủi (bàn là) bằng đồng. Khi ủi, người ta mở nắp đổ than vào và quạt lên làm nóng. Chúng nặng gần cả 2kg, phía dưới có một hàng lỗ tròn nhỏ đều đặn và xinh xắn để không khí lọt vào. Anh cho biết đã mua chúng từ hàng phế liệu. Lại còn những chiếc mâm bằng gỗ mít đã sờn và bóng loáng theo thời gian sử dụng. Nằm kế đó là những đôi đũa mun dài và đen lánh cũng được anh chăm chút bó lại gọn gàng. Phía trên cao hơn, những chiếc khay vuông bằng gỗ, thành khay được khảm xà cừ hình chim muông, mai trúc dùng để bày trầu, rượu khi đi hỏi vợ cho con. Bên cạnh là những chiếc bình tích bằng sành sứ có hình phước lộc thọ, chim cò, chị em Thúy Kiều. Và kia nữa là những chiếc hộp bằng đồng hình ống hoặc lục giác dùng để bỏ trầu cau, vàng bạc trong lễ dạm hỏi, cưới xin. Nhiều vật dụng xưa cũ khác không thể kể hết, chúng đan xen, chất chồng lên nhau. Trong đó tôi nhìn thấy một chiếc cối giã trầu bằng đồng nho nhỏ và xinh xắn. Anh cho biết đã xin lại của bà cô qua đời…
Trong chiếc tủ ấy như đựng cả một thời xa xăm, xưa cũ và quen thuộc quá. Mỗi vật đồ dùng ấy đều gợi lên một kỷ niệm xa xưa mà gia đình Việt nào cũng từng đau đáu đi qua. Tất cả chúng đã rơi vào quên lãng rồi sao? Bởi ngày nay có ai còn “để mắt” và dùng những vật dụng như vậy nữa? Nhìn những thứ đơn sơ mà xa lắc ấy trong cái tủ của anh bạn, tôi lại nhẩm những câu thơ của Nguyễn Duy: “Ngửa mặt lên nhìn mặt/Có cái gì rưng rưng…”.
Những thứ tôi thấy đâu phải là cổ nhưng sao nghe như có chút gì lưu luyến của một thời đã qua cùng với những người đã sử dụng, gần gũi và gắn bó với chúng như một cố tri. Hình như đã xa lắm rồi cái thuở mà bà thường ru cháu bằng những câu đồng dao: “Con mèo con chó có lông/ Bụi tre có mắt nồi đồng có đai”. Bây giờ, mấy ai còn biết nồi đồng có đai?…
HUỲNH VĂN TIẾN
(Giáo viên Trường THCS Nguyễn Khuyến, TP.Tam Kỳ)