Qua đèo Le
Đèo Le dài chừng 7km, vắt qua vai núi Hòn Tàu, có độ dốc cao 500m, nối liền vùng trung và vùng tây Quế Sơn. Đây là nơi hiểm trở, dốc cao, vực sâu, đá lởm chởm. Một nhà thơ quê gốc ở Quế Sơn có lối nói lái rất vui “Đèo Le là đè leo”. Đè đất đá mà leo lên, đè xe đạp, xe thồ mà bươn tới. Thế mà lên tới đỉnh đèo vẫn “le lưỡi” mà thở. Nhắc tới đèo Le, xưa kia, người dân xứ Quảng vẫn le lưỡi dựng tóc gáy...
một truyền thuyết cũ có kể rằng: Xưa kia, công chúa Huyền Trân đã từng lên đèo Le ngoạn cảnh. Về sau, khi Chế Mân (vua Chàm) chết, hoàng hậu phải “Cư Lăng” (chết theo) theo phong tục vương triều, nhưng được Trần Khắc Chung (theo kế hoạch đã chuẩn bị từ 3 năm trước, khi đưa dâu của vua Trần Anh Tông ) bí mật bất ngờ đột nhập giải thoát, đưa lên đèo Le tạm lánh. Sau đó, công chúa cải trang thành một thôn nữ được ngồi thuyền theo dòng Ly Ly ra Cửa Đại, trú một tháng ở quần đảo Hoàng Sa chờ gió trở nồm căng buồm ra Bắc.
Vào những năm cuối thập kỷ 40, đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX, ở trên đỉnh đèo Le có một cái quán lá bán nước, bán chuối cho cán bộ, bộ đội và khách qua lại, có tên là “Quán Bốn Phương”. Chủ quán là một người đàn ông chừng 50 tuổi, dáng quắc thước, đôi mắt sáng rỡ. Ngoài giờ bán quán, ông ngồi riệt bên một cái bàn bện bằng thân cây, tay viết, miệng đọc lầm thầm. Người đó là nhà thơ Khương Hữu Dụng và tác phẩm ông đang viết là trường ca “Từ đêm 19”, sau này rất nổi tiếng, nói về cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Trường ca “Từ đêm 19” đã được giải thưởng Phạm Văn Đồng và giải thưởng của Hội văn nghệ Việt Nam, được nhiều người nhắc đến bây giờ.
Câu chuyện thật này làm ta nhớ đến chuyện Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam quốc xưa cũng có “ngọa Long Cương” để ngồi viết binh thư, một tác phẩm vĩ đại lưu lại qua trùng trùng năm tháng.
Trong những năm chống Mỹ, thỉnh thoảng tôi lại đi qua con đèo này. Mỗi lần đi qua, dù phải đi nhanh theo giao liên, tôi vẫn đưa mắt tìm kiếm, ước đoán đâu là chỗ cái quán ngày xưa nhà thơ Khương Hữu Dụng - người tôi rất yêu quý, gọi bằng bác, tình cảm như cha con, mở quán bán nước, làm thơ. Hồi đó, con đèo này bị bom pháo dập liên tục, cây cối đổ rạp xơ xác, hiện ra một lối mòn trơ hoẻn đất đá, lổn nhổn hố ụ. Chúng tôi phải vừa đi, vừa chạy, vừa thở, để vượt nhanh qua con đèo dưới những trận pháo từ Chu Lai, Núi Quế, Núi Đất dội đến. Cứ vào lúc chiều dần chuyển sang đêm là chúng bắn pháo, có lúc máy bay B57, B52 đến dội bom, nhưng bộ đội, cán bộ vẫn qua đèo, đè lên gian khổ chết chóc mà bước. Phải qua đèo vì đó là con đường gần nhất nối hai vùng trung và tây Quế Sơn. Phải qua đèo để công tác, để chuẩn bị trận địa, để đánh trận, để vận chuyển lương thực, thực phẩm, cả trăm công nghìn việc nằm trong guồng máy kháng chiến.
Một người bạn tôi ngày ấy là cán bộ thanh niên tỉnh kể rằng: Có một lần, từ tỉnh xuống vùng trung Quế Sơn công tác, anh lãnh đủ những gì mà địch “tặng cho đèo Le”. Lúc mới lên đèo, anh bị một trận pháo tơi bời, may mà vùi người xuống được một cái hố, mảnh bay rào rào qua đầu. Lên tới đỉnh đèo anh bị một trận hơi cay do chúng thả từ máy bay xuống, ho sặc sụa. Ác nhất là vừa xuống chân đèo, đoàn anh bị một trận phục kích. Bọn ngụy vừa bắn vừa hò la bắt sống. Các anh không chạy ngược lên đèo vì sợ trúng đạn, mà băng xuống vực, đạp cây, đạp đá mà đi, té ngã lăn cù lại lổm ngổm bò dậy, người xây xát, nhưng các anh không bỏ cuộc. Dừng lại tập hợp anh em, còn đủ cả, may quá, chỉ có một anh bị thương ở tay vì đá lăn dập. Các anh lại bám lên đường đèo. Rồi cũng đến nơi mình cần đến. Còn một anh bạn khác, ngày ấy làm Bí thư xã Quế Long, tủm tỉm cười: “Đèo Le à, bom, pháo, hơi cay, phục kích chi mình cũng lãnh đủ không dưới con số trăm. Nơi đây là cái túi hứng bom pháo mà”.
Bây giờ, tôi lại đi qua đèo Le trên chiếc xe Uoát của UBND huyện Quế Sơn ưu tiên nhường cho “các nhà văn” đi công tác. Con đèo được đầu tư gần 6,5 tỷ đồng để hạ độ dốc, mở rộng, tráng nhựa, xây dựng hệ thống thoát nước. Hai bên đường những hàng keo mới trồng, cùng với cây cối lên xanh lại rợp bóng mát. Người lái xe nói với tôi rằng: “Đạn bom thì phá rạp cây cỏ, nhưng thuốc đạn bom lại kích thích cây cỏ mau xanh tốt trở lại”. Đi qua đèo, khách lạ không thể có cảm giác nơi đây một thời bị bom đạn tàn phá xơ xác. Khách có thể dừng lại đỉnh đèo, nơi có con suối Nước Mát chảy miên man như một đặc ân của thiên nhiên ban tặng người qua đèo. Bạn có thể rửa mặt, bụm tay uống từng ngụm nước mát trong chảy từ lòng núi Hòn Tàu đổ xuống. Bạn có thể đứng phanh ngực áo hứng gió trời từ hai sườn núi Bàn Thùng và Hòn Tàu nhè nhẹ thổi về. Bạn có thể nhìn xuống những xóm làng của các xã Quế Long, Quế Phong, Quế Châu, thị trấn Đông Phú với những con đường ngoằn ngoèo, những cánh đồng vàng ươm, những mái ngói đỏ tươi ẩn hiện trong những mảnh vườn cây lá xanh mướt.
Các bạn Quế Sơn nói rằng, nếu đứng ở đỉnh đèo Le ban đêm, nhất là những đêm trăng, bạn sẽ thấy cảnh vật càng trở nên huyền ảo giữa sương khói và muôn ngàn ánh điện lung linh. Lúc này, hẳn bạn sẽ hiểu ra rằng, tại sao từ xa xưa công chúa Huyền Trân đã lên đây ngoạn cảnh, tại sao vào giữa thế kỷ trước nhà thơ Khương Hữu Dụng của chúng ta lại chọn nơi đỉnh đèo này để làm quán bán nước và viết nên một bản hùng ca sống mãi cùng dân tộc, cùng năm tháng...
THANH QUẾ