Chợ trước chùa
Người trần mắt thịt và ngu muội, nhìn những biến cố, cứ há hốc miệng kinh ngạc lẩm bẩm rồi nói to với thiên hạ, là quá lạ, dẫu rằng mớ lý thuyết hỗn độn được đọc và ngẫm sự đời, hé mở vài ba lý giải chớp nháy tín hiệu. Một cao tăng nói với tôi, là hoàn toàn không ngẫu nhiên, tất cả đã được vận hành lúc khởi thủy, có cơ sở sách vở hẳn hoi, cho một đáp số chính xác, phải trải qua nhiều năm công phu nghiền ngẫm học đến mờ mắt mới minh định được, chứ không hề võ đoán nói bá láp bá xàm đâm đầu ra nhà sách mua vài cuốn về đọc nhặng xị rồi phán trúng trật gia chủ chịu, tiền thầy bỏ túi. Lại rằng, tôi phải ở gần chùa, phải trước mặt chùa, mới yên. Tôi cãi, dân gian nói gần chùa ân phước rút hết, còn lại cặn bã mình gánh. Sư cười, đúng nhưng sai. Ma đời nào dám đứng trước mặt Phật, mà chỉ núp sau lưng và né bên hông, lại nữa, số xấu ở trước chùa, sẽ hóa giải, chứ tốt thì không hay. Nghe vậy, biết vậy, sách đó tôi chưa thấy mặt, chừ bắt tôi dời đi chỗ khác cũng bó tay, vì hết tiền rồi.
Yên không yên, chưa biết, nhưng được đãi món nghe chửi lộn, ba ngày một trận lớn, năm ngày một trận nhỏ như Tào Tháo đãi Quan Vân Trường. Tôi đi tìm mua nhà trong hẻm, không lạ ở phố, người ta ăn vặt tràn đầy trong hẻm, nói như các nhà văn hóa đó là góc văn hóa thị thành. Tọa lạc trước cổng chùa, sáng là hai chiếc bàn xập xệ, bà bán bánh mì kẹp bột lọc ngồi sát bà bán bánh bèo. Nhà mình không quen ăn hai thứ đó, nhất là bánh mì kẹp bột lọc, sáng mua cháo bún về cho con, đi qua hai bà như bước qua cổng kiểm tra an ninh sân bay, sau lưng mình là bốn con mắt mang hình viên đạn. Vợ lâu lâu nói anh ra mua dĩa bánh bèo với cái bánh mì đi, để họ đỡ nhòm ngó khó chịu, mình bước ra mở miệng thế là “và nụ cười nở trên môi”. Một bữa đi về, chứng kiến hai bà chửi lộn. Bà bánh bèo chửi tục trời thần. Bà kia nho nhã “tôi không nói tục được như bà, tôi không cãi nữa, nhưng nói bà biết tôi không sai”. Truy ra là thằng nào không biết, ghé ăn bánh bèo nhưng lại đổi ý qua bột lọc. Ba đứa con bà bánh bèo cũng nhảy vào chửi. Trình độ hỗn, tục chúng nó cỡ... đại sư. Bà kia im lặng không nói gì. Chiều, bà gặp tôi, nói chú chớ đụng vào họ. Tôi cũng không ngu. Trưa, chỗ bánh bèo chuyển qua món chè, con gái bà đứng tên. Cô này tuổi chừng hơn 30, người như cây sào, điện nước màn hình phẳng trước sau như một, nói tục vĩ đại, sẵn sàng chửi bất cứ ai nếu thích. Tối, hai bà biến, nhường cho một bà đi chân vòng kiềng bán cá mực nướng, không biết sao bị cô nàng “xi cà que” chuyên cầm iphone lướt làm le chửi réo thập phương, hỏi em làm chi thì nói chẳng làm chi. Chửi dữ dội, ngôn ngữ chợ búa lưu manh giường chiếu văng ra từ miệng cô nàng dày như cuốn từ điển. Bà già không nói một tiếng, chỉ nhìn cô nàng, lâu lâu lại cười mỉm. Thấy công phu đánh vào hư vô, chán, cô biến, lúc chửi tay đưa iphone lên quơ quơ, tôi nhìn, lạy trời trật tay bể mẹ cho em ngậm ngùi.
Thực khách chẳng ai lạ, dân ngay trong hẻm, xúm lại nghe vẻ quan tâm, không chia phe phái, xong về, như lấy làm sướng. Nói thiệt, đời tôi ghét nhất ăn vặt, đàn bà ăn không sao, nhưng thấy ông nào ngồi miệng mỏ trệu trạo là y như là tôi nghĩ tệ hại, nên đọc Vũ Bằng “Thương nhớ mười hai” chẳng thấy hay, cả Nguyễn Tuân tả chuyện uống trà, Tản Đà nhậu đòi thịt chó này nọ, thấy đúng là… rảnh và kênh kiệu, các vị cho mình là ngự sử, bắt thiên hạ phải hầu, nghĩ phải tay mình chơi được thì chơi, không thì giải tán, thiên hạ man man, ông to lớn tài giỏi là chuyện của ông. Hàng xóm làm đủ nghề, từ hớt tóc gội đầu, ve chai, số đề, cá độ, đụng đâu làm đó, đến… ngồi không chuyên lê lết kiếm chuyện, nhưng thảy giống nhau là ăn vặt như trẻ mẫu giáo. Có ông sáng ăn bánh mì, nửa buổi bánh bèo, chiều ăn chè. Tôi nhìn, nghĩ thằng cha này pêđê. Hắn siêu hỗn, nhỏ nhặt, chửi rạt gáo dừa tiện sát mặt môn ai làm phật ý. Bữa mới đến gặp tôi chào, từ ngày chứng kiến hắn chửi bà già đáng tuổi mẹ, tôi bye luôn. Cúng xóm, bàn thờ đặt ngay trước chùa, từ bà không cãi đến thiên hạ đệ nhất chửi, thằng pêđê đến con “xi cà que”, thân ái bên nhau sì sụp lạy.
Tôi vào chùa vãn cảnh, được dịp hỏi sư thầy trụ trì: “Bữa trước bà chân giao chỉ vòng kiềng bị con cà que chửi, thấy sư thầy ra rồi lại vào ngay, là sao ? sao không cho họ lời khuyên?”. “Nói đã nhiều”. “Thầy bó tay ?”. “Sống là rứa, lời hay lý phải, khó lọt”. “Giáo hóa chúng sanh khó thay”. “Tùy duyên”. “Nên thầy vô sự?”. “Tùy anh hiểu”. Kiểu lý sự đeo bám báo chí bị cửa chùa đóng sập. Tôi hay nghĩ về họ. Đi tu, ngoài đời biến động quá, tìm chốn thanh tịnh là yên, nhưng không lẽ mặc kệ ngoài kia chi cũng được? Lời đấng trên cao, thoắt có thể thành, nhưng có khi vô nghĩa trước vô minh. Tôi gặp thầy giáo dạy Hán văn ở đại học, không ngờ ông phang liền: “Tôi nói với sinh viên, học chữ Nho để biết Tàu thâm hiểm ra sao! Chữ nhẫn của Nho giáo chỉ dạy con người quân tử hèn mà thôi”. Tôi vái thầy một lạy, kinh ngạc và sung sướng, bao nhiêu năm cứ nghĩ thầy đặc sệt Nho nên bị nhiễm nặng. Ở đây, sư thầy thì sao? “Thoát vòng tục lụy rồi, vô sự”. Bữa sau, thầy có vẻ vui, thêm cho câu đó. Rồi tiếp: “Quan trọng là ở anh chứ không phải thầy”. Tôi đọc, thấy nhà Phật có chữ “mặc” là im lặng. Chữ này công phá dữ dội hơn chữ nhẫn nhiều. Đọc cũng chỉ để biết. Tấm thân tứ đại, đến khi chết chưa chắc hành được lẽ phải, huống chi còn sân hận mù trời. Triết lý cao sang ở trong cổng chùa, lọt ra ngoài, duyên ai nấy nhận, nhưng xem ra hiếm hoi lắm, bởi không ít vị chữ nghĩa đầy người, điển chế nhà Phật vanh vách như thuộc nốt ruồi trên người vợ, tam bôi tửu thì giăng giăng kim cổ luận bàn thoát, nhàn, đến chén thứ mười là la ré như nhà cháy, chửi huynh đệ như hát hay, cũng có kẻ cà phê rung đùi luận hư vô, vứt thánh bỏ trí, đời như hòn đá cuội vô tri dưới chân, nhưng về nhà là xắn tay áo giành lối đi chung với hàng xóm. Ôi thôi, chữ nghĩa, bỗng nhiên lại nhớ bà già vòng kiềng, hay là bà này đã học được chữ “mặc”?
LÊ TRUNG VIỆT