Vô tư như gió...

ALĂNG VĂN GÁO 06/07/2014 09:35

Về quê, khi đi ngang qua một ngôi làng ven sườn núi, tình cờ tôi bắt gặp những đứa trẻ áo thun quần đùi, cầm thau, cuốc, xẻng... rủ nhau đi tát cá ngoài đồng. Lũ trẻ chạy lon ton, mặt mày hớn hở. Bỗng dưng trong tôi ký ức của một thời niên thiếu ùa về những tháng ngày bỏ cả giấc trưa để được đi tát cá cùng lũ bạn trong xóm núi nơi tôi sinh ra và lớn lên. Hồi ấy, vào mùa hè, vì phải cuốc bộ gần bốn cây số đường rừng từ nhà tới trường nên cứ mỗi lần tan học, áo quần tôi mằn mặn mồ hôi. Nhưng vừa về tới nhà, tôi vội vàng và lưng cơm rồi cùng bạn bè trong xóm chạy ra ngoài đồng tát cá. Lũ trẻ chúng tôi, mang lỉnh kỉnh cuốc, xẻng, thau... là những dụng cụ để làm cái công việc mà tất cả đều hào hứng và ưa thích vào những trưa hè chói chang.

Lũ trẻ chúng tôi chọn một khe nhỏ có vẻ thâm u vì bị những cành cây dại rậm rạp che phủ nằm bên cạnh cánh đồng làng. Có lẽ, nơi bóng râm mát mẻ như thế là chỗ lý tưởng cho cá tránh cái nắng như đổ lửa và chờ hoa quả trên cây rụng để ăn, đặc biệt chúng ưa thích phân chim nữa. Đó là kinh nghiệm mà lũ trẻ chúng tôi học hỏi được từ người lớn khi chọn chỗ để tát cá ngoài đồng.

Lũ trẻ chúng tôi chia công việc cho nhau. Đứa hì hụi cuốc đất, đứa bưng từng tảng đất đem đắp con khe lại để đổi hướng dòng chảy. Đứa nào cũng háo hức với phần việc được giao, mặc dầu mồ hôi nhễ nhại khắp người. Có đứa vừa làm, vừa chu miệng huýt sáo. Có đứa lại hát vu vơ mấy bài hát thiếu nhi được thầy cô giáo dạy trên lớp học. Cũng có đứa cất cao giọng hát líu lo bằng tiếng mẹ đẻ của mình một đoạn dân ca Cơ Tu mượt mà như dòng suối mát êm đềm. Khi đã đắp xong bờ đất đổi dòng chảy của khe nước, chúng tôi bắt đầu thay nhau tát cạn vũng nước lớn bằng thau. Bờ đất mà lũ trẻ con chúng tôi đắp nhìn thật ngộ nghĩnh và chẳng ai dám đảm bảo nó có thể ngăn dòng nước được bao lâu, vì thế chúng tôi cử vài ba đứa trông chừng, nếu bờ đất có lỗ mội phải nhanh chóng bịt lại. Khi nước dần cạn, chúng tôi cùng ùa xuống mò ốc, bắt cá. Có đứa vớ được con cá to, thích chí cười toe toét, phô cả hàm răng sún.

Không phải lúc nào đi tát cá ngoài đồng mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ như lũ trẻ chúng tôi mong muốn. Có lúc đang tát nước từ cái vũng lớn ra bên ngoài bờ đất mà chúng tôi đã đắp, do bờ ngăn nước không kỹ, do đất bùn quá mềm nhũn nên nhiều lúc bờ đất bị vỡ, nước ào ạt tuôn vào nơi chúng tôi đang tát cạn. Hẳn nhiên, lũ trẻ con chúng tôi chỉ biết than ngắn thở dài, rồi đổ lỗi cho nhau và cãi vã ỏm tỏi. Hẳn nhiên, sau đó tất cả đếu không nhìn mặt nhau, được cái, là trẻ con nên lũ trẻ chúng tôi chỉ giận hờn được mấy bữa rồi cả bọn lại chơi đùa với nhau như chưa có chuyện gì xảy ra. Thật ra, mỗi lần đi tát cá như thế  chúng tôi kiếm cũng chẳng được bao nhiêu cá, chủ yếu lượm ốc, bắt mấy con cá lia thia và nếu may mắn hơn sẽ bắt được mấy con cá lóc to bằng cổ tay lũ trẻ chúng tôi hồi đó. Nếu bắt được nhiều cá hay ốc thì chúng tôi chia nhau mỗi đứa một ít. Nếu bắt được chẳng bao nhiêu thì lũ trẻ chúng tôi tìm một bóng cây nào đó nhen lửa nướng ăn với nhau.

Về quê, tình cờ bắt gặp những đứa trẻ áo thun quần đùi, cầm thau, cuốc, xẻng... rủ nhau đi tát cá ngoài đồng, tôi lại nhớ về tháng ngày thơ ấu và không dưng nước mắt cứ muốn trào ra. Chỉ có tuổi thơ mới được hồn nhiên và vô tư rong chơi như gió. Không như người lớn bây giờ, sống bằng trăm nghìn mặt nạ nhưng rồi được gì đâu? Tự dưng tôi lại muốn trở về những tháng ngày ấu thơ hồn nhiên đùa vui với mây núi và gió ngàn thác đổ...

ALĂNG VĂN GÁO

ALĂNG VĂN GÁO