Gánh mắm mặn mòi

AN VÂN 21/06/2014 09:25

Về vùng quê ven biển, nhìn các bà các mẹ gánh những gánh mắm đi trong cuộc mưu sinh, lòng tôi lại xốn xang nghĩ về quãng thời gian đã lùi vào dĩ vãng. Những gánh mắm trên đường quê, chính là một phần tuổi thơ ám ảnh tôi cho đến bây giờ. Và, đó cũng là một trong những kỷ niệm mãi nhắc nhở tôi về cội nguồn bờ tre gốc rạ của mình...

Ngày tôi còn lon ton chạy theo ba mẹ ra đồng, cũng là lúc quê còn nghèo lắm, nhà còn nghèo lắm. Trong xóm, hầu như nhà ai cũng có một hũ mắm để đầu giàn bếp. Đó là thức ăn không thể thiếu trong các bữa ăn. May là ba tôi, dù bị mất một cánh tay bởi chiến tranh, nhưng vẫn cố gắng ra đồng kiếm con cua con cá về cho cả nhà bớt khổ. Ban ngày quần quật ngoài đồng, nhưng đêm xuống, ba lại lội ruộng, lội ao, lội mương để mong mấy đứa con thơ dại không phải ăn mắm ngày ba bữa. Cũng bởi vì đó mà hũ mắm nhà tôi thường lâu hết hơn so với nhà hàng xóm. Mùa mưa, hũ mắm càng quý, vì cá tôm theo nước phân tản, không có lưới giăng, khó mà bắt được. Mùa mưa, dân biển cũng ít gánh mắm đi bán, cả xóm tôi cứ phấp phỏng đợi chờ những tiếng rao, những dáng áo tơi gánh mắm đi qua... Ấy nhưng đó cũng là cái để nhớ, để thương...

Ba mẹ ra đồng, chị đi học, mỗi khi nhà hết mắm, tôi thường được giao nhiệm vụ đón gánh mắm ngay từ đầu xóm. Cô bán mắm lúc ấy trạc tuổi 40, cứ vài ngày lại quảy gánh đi ngang xóm. Cô quen với từng nhà, từng con ngõ của xóm tôi. Và người dân xóm tôi cũng quen với tiếng rao “Mắm... ơ...” không thể lẫn vào đâu được của cô.    Ấy là những gánh mắm quen, đi sâu vào xóm để bán. Còn những người gánh mắm không quen, vẫn cứ đi qua đường xóm, rồi mải miết đi đến các vùng xa xôi hơn.  Những gánh mắm, những bàn chân trần của các bà, các chị lên đến tận Tiên Phước, Trà My. Không biết họ đi từ lúc nào, nhưng đến xóm tôi thì trời hãy còn sương sớm mù mịt. Những cô, những chị gánh mắm bước đi trong sương với tôi là một hình dung đẹp, ngày ấy và cả đến bây giờ nữa...

Tôi nhớ mãi hình ảnh hai gánh mắm đi trước sau trên đường ngang qua xóm nhà tôi. Người mẹ dẫn nàng dâu mới về nhà chồng gánh mắm mưu sinh. Có lẽ lần đầu tiên cô con dâu gánh một gánh mắm nặng đi xa đến thế. Chỉ đi được một đoạn, cô lại dừng, kiếm chỗ mát ngồi, lấy nón quạt cho bớt mệt. Trời hè, đường nắng, mồ hôi  ướt đẫm lưng áo hai mẹ con. Mỗi lúc con dâu dừng lại, bà mẹ chồng cũng biết ý, dừng theo, rồi vừa động viên, vừa lấy âu trầu ra, ngồi bên cạnh, móm mém nhai. Với tôi, đó là một ký ức đẹp về những người gánh mắm mưu sinh trên những con đường làng của những miền quê. Vất vả lắm với đời mắm, nhưng họ vẫn không bỏ cuộc, vẫn đem chút hương vị mặn mòi của biển đến cả những miền rừng núi xa xôi, hẻo lánh...

Giờ, đời sống đã khá lên. Gánh mắm trên những con đường quê cũng không còn như trước nữa. Phương tiện cũng đã phát triển. Mắm ra chợ. Mắm theo những chuyến xe khách, xe máy chở hàng đi khắp các xóm thôn trong tỉnh. Nhưng tôi cứ ước ao một lần nào đấy được thấy gánh mắm đi ngang xóm, để được gọi vào, để được nghe những thanh vị ban đầu toát ra từ hũ mắm khi cô bán mắm vừa mở nắp bầu... Bởi mắm đã lặm vào đời tôi như một nỗi niềm.

AN VÂN

AN VÂN