Cậy vào con

LÊ TRUNG VIỆT 24/05/2014 13:37

Hai năm trước, tôi có hàng xóm tạm thời. Không lâu dài, bởi lẽ ông này  trông coi cho một công trình xây dựng. Thời buổi  này, xây nhà, gia chủ lo làm ăn, nếu không có chủ thầu là người thân tín, thì phải tìm  người coi ngó có nghề. Tôi đã hai lần làm nhà, một lần coi giúp, tự xem là rành mấy món các “sư phụ” từ cai đến thợ, hóa phép quanh quẩn hai chiêu là ăn cắp vặt và làm dối. Lại phải coi chừng ông kỹ sư được thuê giám sát bắt tay nhà thầu ăn bớt vật liệu và thời gian. Chuyện làm dối nhà cửa, công trình, xem ra đi thi đấu thì giải nhất nước ta không nhường chi ai.

Ông dựng cái chòi bằng tôn, đối diện nhà tôi. “Nóng chết”. “Biết răng chú”. Ông nói như đã chuẩn bị sẵn. Nhà tôi gần sông, mát, nhưng  chòi của ông quay về hướng tây nên gió từ biển lên bị bịt ngõ, nắng dọi vào. “Anh ở đây chừng một năm, công phu chịu nóng ngang hòa thượng chùa Thiếu Lâm”. “Số làm thuê, đành rứa”. Sơ giao, tôi mời ông uống rượu. “Cảm ơn chú, tôi không biết uống”. Tôi nghĩ, cha này thăm dò đây, tướng tá phong trần, qua mắt mình sao được. Nhưng cũng có thể ăn tiền người ta coi nhà cửa, nuốt hèm vào say, mấy ông nội chuyên mò nửa đêm cõng xi măng, đền chết mẹ. Nhà ở cuối đường, còn vài lô đất trống, cây cối rậm rạp, là chốn đi về của ái tình, ma túy. Ban đêm ra sân hút thuốc, tôi thấy từng cặp chở nhau thoáng qua, hiển nhiên tranh thủ chút riêng tư. Ngán nhất mấy ông hút chích, kim tiêm vung vãi. Đường cụt, nên cũng là cái bẫy cho ăn trộm dính, bởi bị rượt, thấy đường trống tông chạy, bí, đưa đầu cho người ta nện, thằng nào liều mạng thì phi xuống con mương đầy sình, bò lên tới bờ, người ngợm như đặc công hóa trang đánh đồn.

Được mấy bữa, ông kêu: “Mời chú làm ly”. Ha ha, biết ngay. “Nói thiệt, đời tôi từng sụp đổ bởi chuyện rượu, nên tôi kỹ”. Kỹ cái chi chứ răng kỹ rượu nổi. Lòng dạ người như cầm thú khi rượu vào, nhưng tỉnh ra thì thành thầy chùa. “Tôi đi buôn quế ở Trà Don,  cũng vì rượu mà mất hết tiền, thiếu điều cắt máu ăn thề huynh đệ, nhưng lợi dụng tôi say, tụi nó đốt trại, ôm cục tiền, lại giọng nhân từ: anh em hoàn cảnh, anh mất sạch rồi, tụi này góp cho ít. Cảm động lắm. Về tới Tam Kỳ, ai ngờ chúng nó bỏ nghề, mua xe chạy khách, ăn chia không đều, có đứa say rượu nói với tôi, tiền của ông đó. Bằng chứng đâu? Quả báo nhãn tiền. Thằng cướp tiền tôi, lái xe tông chết người ở Nước Xa, hắn bị gãy một chân, bán sạch nhà đền người ta. Chuyện hơn 20 năm rồi, nhắc cho vui, chú còn trẻ, cảnh giác với rượu”.  Từ đó, tì tì, chiều nào tôi và ông cũng đối ẩm. Rượu gạo. Tửu lượng ông kém tôi. Nhưng, vợ tôi cấm. Lý do:  chưa đủ đô thì ông gọi vợ là em ngọt sớt, nhưng “nhập” rồi thì ông thành võ sĩ. Ông đánh rất ác, cứ nhè đầu và bụng bà vợ gầy như mũi tên mà nện. Có bữa đau quá, bà chạy qua nhà tôi.  Lúc đó, tôi thấy mình là tội phạm. Thương nhất mưa gió bão bùng, nửa đêm ông đánh, bà ra ngoài mưa chờ đến sáng. Chuyện đến phải đến, bị đánh đau quá, bà kêu: Chú uống với ổng , để ổng đánh tôi! Tôi thấy nhục,  thề không uống nữa.

“Sao chị không bỏ ổng đi?”. “Còn thằng con, bỏ răng được”. Từ bi nhẫn nhục vậy, trời Phật có thấu không? Không biết, nhưng như điệp khúc, vài ba bữa, lại no đòn. Tôi bực. Ông biết, mời qua. “Thiệt chú, tôi uống vào là hận. Bà ni láng cháng lắm”. “Trai gái à?”. “Ừ”. Tôi lắc đầu. Có phải mỹ nhân đâu, mặt mũi không phải phường lang chạ. “Tôi thề không nói láo”. Đàn bà ghen, thi với đàn ông, chưa hẳn hơn ông này. Bài chửi của ông cũng quanh quẩn chuyện trai trên gái dưới, văng tục thấu trời. Sự đời, nghĩa vợ chồng là duyên phận. Bao nhiêu cánh cửa rung lên vì bi kịch nhưng nó vẫn đóng mở như mặt trời mọc lặn, khó thay!

Ông đã 60 tuổi, sao thằng con mới lớp 7? Chuyện là thế này, ông kể, đời tôi lẽ ra không như vầy đâu. Quê ở Tam Nghĩa, lớp 7 tôi đã biết lái Daihasu chở đồ cho Mỹ ở phi trường Chu Lai. Nhà tôi giàu, có xe mà, cũng vì ham chơi, có xe, hút ruby,  cotab sớm nên bỏ học. May nhờ cách mạng, không thì đời tôi tàn, vì sao à, chở hàng tiếp tế cho Mỹ, bán ma túy luôn chứ sao, lớn chút nữa, nếu không giải phóng, không dính ma túy mới lạ. Tôi không đi bộ đội, thanh niên xung phong, vì trốn lên Tây Nguyên, quá tuổi, lộn về quê lại, thoát. Có vợ. Dân quanh Chu Lai, nhiều nhà đi Mỹ. Gia đình vợ có người đi Mỹ, gửi tiền về, vợ chê tôi chuyên đi đào phế liệu trong phi  trường, tiền không đủ mua đôi giày, nên biến, sau khi đã có đàn con. Hận đàn bà từ đó. “Sao lại dính  vào?”. “Trời chơi mình, thề không chung chạ, nhưng lại gặp bà này, mẹ, đời tôi như cóc gặm giẻ rách”. Tôi cười hô hô. “Sao chú cười?”. “Ông nói như Nguyễn Huy Thiệp”. “Là ông  nào?”. “Nhà văn”. “Chú có đọc sách à? À, mà  nghề chú chữ nghĩa nhiều, đọc là tất nhiên, quyền lực lắm đó, ai cũng sợ”. Tôi lại càng cười to. “Thiệt mà, quan chức sợ nhà báo”. “Thôi ông ơi, sợ hay không, tôi biết, kể tiếp đi”. “Chú đọc thiền tông không ?”. Tôi hơi khựng. Chưa ai thống kê, nhưng hình như bây giờ thiên hạ đua nhau đọc kinh kệ, sách bói toán, ai cũng thủ đắc vài ba món, xem mình là thầy, lấy bóng mình luận thiên hạ, còn mình đạp bóng mình thì để chó sủa. “Chú biết Tế Điên hòa thượng chứ? Tôi có nhiều sách thiền tông, hay thiệt. Ví dụ tôi với chú uống rượu đây, chẳng là là hư ảnh, là cái không thật, cái thật mới là không, nói chung cõi này là tạm, đâu phải của mình”. “Anh được trả bao nhiêu tiền một tháng?”. “Ba triệu”. “Mình anh ôm sô, ít quá”. “Quá ít, nghĩ cũng chán, nhưng nghề ngỗng chừ khó, cũng chỗ thân mình, họ giàu mà keo kiệt, nhưng ráng giúp”. “Giàu  nghèo chi cũng chết”. “Thì đúng, nhưng tiền ít quá”. Tôi lại cười hô hô. “Anh biết thảy là hư phù, sao đánh bả miết?”. “Biết, nhưng hận lắm, uống vào không quên được”. “Nói thiệt, anh vứt mấy cuốn thiền tông đi, đọc uổng công”. “Chú nói sao lạ, đọc để biết mình không ra chi”. “Nên đánh để thấy mình ra chi à?”. Ông ngọng. “Đời tôi coi như bỏ, chỉ mong vào thằng con. Bả đi đâu, sống chết kệ, nhưng thằng con là của tôi”.

Thằng nhỏ hiền lành, đẹp trai. “Học được, nhưng trốn tôi đi chơi game”. Có bữa, tôi chứng kiến ông bất lực. “A lô, bà ở đâu, về ngay, về mà coi thằng con bà bỏ học đi chơi game đây”. Bà đạp xe về. Lần đầu tiên tôi chứng kiến lòng mẹ mênh mông kiểu như bà. Cái roi thiệt to, bà nện rầm rầm, nhưng… nện xuống vạt giường, thằng nhỏ ngồi đó khóc, chứng kiến mẹ khóc to hơn nó, khóc đúng hai tiếng đồng hồ. Tôi nói, tốt nhất anh cho nó chơi, nhưng dắt đến chỗ tiệm net, giao cho chủ tiệm không được để nó mở trang đen, một tuần cho chơi 2 tiếng vào thứ bảy, chủ nhật. Ông nghĩ một lát, khen tôi nhìn xa trông rộng. Tôi cười trong bụng, rộng con khỉ, cấm chi được, mà đã không được thì chọn cách thoát hiểm ít nguy hiểm nhất. Chữ nghĩa bình thường, nhưng ông tự đắc thằng này có khiếu võ thuật. Nó học karate. Sáng nào ông cũng kêu nó dậy luyện. Tính khiêm nhường, nó chọn chỗ kín đáo tập, thấy có người quan sát, dừng ngay. “Nó kể, có đứa gây nhưng chín bỏ làm mười, không đánh, được, có đức võ”. Giọng ông sướng tê. “Tôi quyết cho nó theo nghề võ”. “Học để làm có danh hay để có thực? ”. “Có danh! Ông cố tôi trước đây từng là thầy dạy võ, đến đời con tôi, chắc nối nghiệp tổ tiên. Tôi phải cho nó học, phải đi đấu toàn quốc”. Ông nói như huy chương chuẩn bị được rước về, tương lai xán lạn. Thời buổi tập võ đông như học kèm, như đại học công tư, một lớp mấy chục mạng, ra trường hiển danh thực chất với nghề hiếm như đồng đen. “Kệ”. Tôi nghe ông nhắc lại, bèn bật cười hô hô.

Rồi công trình cũng xong, ông trở lại với nghề bỏ mối xà phòng. Ông đi, tôi mất bạn nhậu. Thi thoảng ông gọi chú ở đâu, toàn lúc tôi đi xa. Nghĩ ông cũng như mình, thảy rồi cũng xà phòng bong bóng cả thôi, nhà thuê nhà tạm làm chủ làm mướn chi rồi cũng ba thước đất. Còn lại, là con  cái. Thầy tôi, một nhà giáo nổi tiếng thâm nho, mới đây gặp, vỗ vai: Thứ chi quý mấy cũng không bằng mấy đứa con, mi coi đó mà viết mà sống! Ai cũng làm cha mẹ, hẳn đều nghĩ vậy, rồi đến lượt con cái mình, cũng không khỏi nghĩ vậy, nhưng như vậy, há ra ta là trò chơi trong tay con tạo xoay vần đó sao? Trông cậy, gửi gắm một niềm tin, xem ra vô cùng to tát, nhưng nghĩ kỹ, như trò cười…

LÊ TRUNG VIỆT

LÊ TRUNG VIỆT