Mẹ đất
Trong thần thoại Hy Lạp có một câu chuyện đầy cảm động về chàng lực sĩ Ăng-tê và đất mẹ Gai-a. Thần Ăng-tê là vị thần bất khả chiến bại, nếu chân chạm vào đất. Không một ai địch nổi trừ phi Ăng-tê bị nhấc ra khỏi mặt đất. Lúc ấy, chàng sẽ chết vì không còn được nhận sức mạnh từ đất mẹ Gai-a…
Đó không chỉ câu chuyện về thời hồng hoang của lịch sử nhân loại mà là của loài người ở mọi thời đại. Đó không chỉ là câu chuyện riêng của thần Ăng-tê mà của tất cả chúng ta. Có ai không được nuôi dưỡng bởi đất? Có ai có thể sống được một khi tách rời khỏi đất? Gọi đất là mẹ vì nhờ đất mà vạn vật mới hữu hình, mới sinh sôi và phát triển. Cỏ hoa khoe sắc, suối chảy róc rách, chim hót véo von, gió reo trong lá ngàn xào xạc… Có vạn vật hữu tình thì mới có thơ, ca, nhạc, họa… Tất cả đều phát sinh nhờ đất. Bởi thế, ông cha ta mới có câu tục ngữ “con người là hoa đất”.
Đất cần cù chắt lọc những gì tinh túy nhất cho muôn loài và nhận về từ muôn loài phần cặn bã thải ra... Cứ thế xoay vần theo thời gian, đất nhẫn nại, thầm lặng nuôi sống muôn loài, song con người lại không biết coi trọng đất, không ứng xử tốt với đất. Để phi tang hàng tấn hóa chất độc hại, người ta trút hết vào Mẹ Đất. Khi mẹ chưa đủ thời gian để chắt lọc cái tinh hoa ra khỏi độc chất thì con người phải gánh chịu những hậu quả thê thảm. Thật đáng thương khi người ta không hề biết đến quan niệm sống mà con người đã nhận ra được từ hàng bao thế kỷ trước: “Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất” (Bức thư của thủ lĩnh da đỏ gửi cho Tổng thống Mỹ).
Nghĩ về đất, về mối quan hệ giữa con người với đất, tôi lại nhớ tới lời khuyên của một người bạn “Hãy tập sống bằng cái tâm của đất!” Trước sau rồi ai cũng phải phủi tay mà trở về với Đất Mẹ. Cho dù có thế nào chăng nữa, Đất Mẹ vẫn dang rộng vòng tay độ lượng ôm lấy hình hài. Nhưng, chỉ có cố gắng sống với cái tâm của Mẹ thì mới an tâm mà ngủ yên trong lòng Đất Mẹ!
NGUYỄN NGỌC CHƯƠNG