Cha tôi

PHAN YẾN LOAN 22/04/2014 17:01

(QNO) - Đây là lần đầu tiên tôi kể về cha. Tôi luôn tâm niệm mình phải làm điều gì đó thật ý nghĩa cho cha. Nhưng cho đến giờ phút này, cuộc sống với những tất bật cứ kéo tôi đi mãi, đi mãi. Rồi chiều nay, tôi thảng thốt nhìn cha, mái tóc bạc trắng, lưng cong, mắt đã không còn tỏ… Nỗi xót xa, ân hận vây lấy tôi.

Cả nhà bên chiếc xe của cha.
Cả nhà bên chiếc xe của cha.

Năm 12 tuổi, cha đã phải tha hương cùng bà nội. Rời Quảng Nam vào Lâm Đồng, với bà nội tôi là đi tìm “miền đất hứa”, còn với cha là giã từ tuổi thơ với đám bạn chăn trâu, với bãi mía, luống cày. Có người đồng hương thấy cha cần cù, chăm chỉ, tính tình chân thật, nên cho phụ xe. Cha tôi gắn bó với nghề tài xế từ đó. Năm 23 tuổi, cha gặp má tôi, rồi lần lượt chị em tôi ra đời. Rong ruổi tuyến đường Đà Lạt - Sài Gòn để chuyên chở xăng dầu, cha tiết kiệm từng đồng nuôi vợ con vì thấy đời mình đã quá khổ. Xót cha cực  nhọc, má bảo cha giữ sức khỏe, đừng cố làm lụng mà sinh bệnh. Thỉnh thoảng, má dúi vào túi cha mấy cục đường tán, để cha vừa có thể ăn khi lái xe, cũng là cách “tẩm bổ” của một thời gian khó.

Rồi cha cũng dành dụm mua được một chiếc xe đò chở khách. Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt cha rạng ngời hạnh phúc. Cha nói với má “rồi đây con mình sẽ đổi đời”. Sau ngày thống nhất đất nước, cha đăng ký vào hợp tác xã xe khách Lâm Đồng, chạy tuyến Đà Lạt - Phan Rang. Nhớ mỗi lần xe chạy ngang nhà, cha vội vàng ào vào ôm hôn chị em tôi, rồi vét hết tiền trong túi đưa má, hoặc khi thì mớ cá, xâu cua tươi roi rói. Vài phút tạt nhà, cha lại ra xe cho kịp chuyến. Chiều thứ bảy, cha tôi về, nhà vui như mở hội. Má làm những món ngon cha vẫn thích, thường là món gà luộc chấm muối tiêu chanh. Tiếng là đãi cha, nhưng phần thịt cha đều nhường cho má và chúng tôi, cha chỉ ăn phần xương, lại còn bảo “nhất bì, nhì cốt”. Sáng chủ nhật, cha ra vườn cà phê, bao nhiêu việc đang chờ cha ở đấy: làm cỏ, bón phân, xịt thuốc, tỉa cây, thu hái…  Những ngày tết, hiếm khi ba vui vầy với gia đình, mà tranh thủ đăng ký lái xe để kiếm thêm thu nhập. Nghĩ về sự vất vả của cha, tôi càng thương cha bội phần.

Cha nghỉ ngơi sau 35 năm cầm tay lái. Má tôi nửa đùa nửa thật rằng cha tôi là “tay lái lụa”. “Tay lái lụa” không chỉ được hiểu là vững nghề, mà còn nuôi sống cả gia đình, nuôi các con ăn học nên người. Miệt mài với những cung đường vì suộc sống vợ con, cha mang trong người bệnh gai cột sống. Thế mà, chẳng thấy cha than thở. Vẫn cái cuốc, cái liềm, cha lại lo việc đồng áng phụ má, sáng đến tối mịt cha mới về đến nhà. Ngồi vào bàn ăn, cha bảo “đi làm thấy khỏe, được nghỉ ngơi lại thấy đau lưng, mỏi người quá”. Má lại xuýt xoa, bôi dầu nóng, xoa bóp cho cha.

Ngày ấy, tôi không còn nhỏ nữa nhưng lại vô tâm, chẳng để ý đến sức khỏe của cha. Bộn bề với những lo toan cơm áo gạo tiền nhưng nỗi nhớ quê vẫn đau đáu trong lòng cha. Quảng Nam còn lạ lẫm với đứa trẻ 12 tuổi là tôi thì với cha, là nơi hướng về. Đứng trước căn nhà xưa, cha như trẻ lại, bao kỷ niệm ấu thơ ùa về. Cha dẫn tôi đi thăm bà con, xóm giềng, thăm các bác, các chú, thăm bạn bè thuở chăn trâu… Tranh thủ những ngày ở quê, cha và chú tu sửa căn nhà của nội, sửa hàng rào cổng ngõ. Tôi nhìn ngắm ngôi nhà với vẻ mặt ngây ngô.

Chiều nay, cha bảo sẽ trở về quê dịp Tết Đoan ngọ. Dự định ở lại quê hương một tháng, nếu không có gì thay đổi, cha sẽ về ở tới cuối đời. Tôi chợt buồn, có lẽ tại chị em tôi đã để cha cô đơn lúc tuổi già. Tôn trọng ý kiến cha, chị em tôi mong cha vui khỏe mãi, để mỗi ngày được sống trên mảnh đất quê hương là một ngày hạnh phúc tròn đầy.

PHAN YẾN LOAN

PHAN YẾN LOAN