Nhớ mùa dưa bi
(QNO) - Hằng năm, cứ vào dịp cuối tháng hai là mùa dưa hấu chín rộ. Quê tôi làng Bến Hục (Phong Thử) đối diện với làng Tư Phú - Gò Nổi (Điện Quang, Điện Bàn) được chia cắt bởi con sông Thu Bồn hiền hòa, thơ mộng với những bãi mía, nương dâu xanh ngút ngàn, xen lẫn vào đó với những vườn dưa hấu ngổn ngang là quả ken dày trên mặt đất.
Vào mùa nắng, dòng sông trở nên cạn và xanh trong, chỉ cần bơi vài chục sải tay là đến bờ bãi phía bên kia. Vào những năm 1980, bà con nông dân ở vùng này trồng dưa hấu truyền thống hay còn gọi là dưa bi. Quả dưa tròn lẳn như tên gọi, xanh đậm, vỏ dày, ngọt lịm đỏ ửng lấm tấm với những hạt cát trong quả dưa khi chín cùng với những cuốn quả bé tí trông rất xinh. Còn nhớ đến mùa thu hoạch dưa, nông dân cân sản lượng cho hợp tác xã nông nghiệp để xuất khẩu sang Liên Xô (cũ), đổi lấy máy móc, nông cụ… phục vụ sản xuất. Người dân trong vùng chỉ được tiêu thụ dưa hạng hai, hạng ba sau khi hợp tác xã nhập đủ sản lượng xuất khẩu cho nhà nước theo kế hoạch đã định sẵn.
Còn bọn trẻ chúng tôi được ăn những quả dưa đều, dưa đặc nhưng chất lượng vẫn ngon tuyệt. Cứ độ mặt trời gần đứng bóng, cả bọn bươn bả qua bến sông xin dưa về ăn. Quả là món ăn khoái khẩu vừa ngon vừa mát trong những ngày cuối xuân đầu hạ, trời trở nắng nóng có thêm phần oai nồng. Tuổi thơ chúng tôi bay theo những cánh diều no gió, lững lờ trôi và ngập lặn dưới dòng sông quê trong trẻo, thanh bình. Trong tay ôm quả dưa nổi bồng bềnh vẫy vùng thỏa thích cùng dòng nước.
Có một kỷ niệm không thể nào quên là khi các bác nông dân chất dưa cùng với rơm lên xe tải cho những chuyến tàu đi xa, ai đó lỡ tay làm quả dưa to bự hạng một rớt xuống, vỡ ra tung tóe. Chúng tôi nhặt được những mảnh dưa vỡ ăn một cách ngon lành. Làm sao quên được cái cảnh chờ mẹ đi chợ về chắc chắn là có quả dưa nho nhỏ và phải háo hức thèm thuồng chờ cho dưa nguội, mẹ mới cắt ra ăn để tránh đau bụng vì dưa bị phơi nắng quá lâu ngoài chợ.
Bây giờ đến mùa dưa, các loại trái cây khác ở xứ sở miệt vườn Nam Bộ cũng có đầy ở các chợ và hàng quán. Tôi thấy thương bà con nông dân một nắng hai sương làm quả dưa đỏ ngọt, quả dưa đã gắn với truyền thuyết “An Tiêm” người con của vua Hùng sống thầm lặng bình dị ở đảo hoang thuở trước, phải ngậm ngùi trở thành quả đắng. Hằng ngày, hàng ngàn xe dưa từ các bãi bồi ven sông trên dải đất miền Trung, cứ nối dài nằm chờ ở cửa khẩu Lạng Sơn để kịp xuất sang Trung Quốc. Bao nhiêu nhọc nhằn khốn khổ, nào bị ép giá, bị phân hạng phẩm cấp chất lượng một cách khắt khe với giá bọt bèo, không đủ tiền vận chuyển.
Các nhà quản lý cho rằng người nông dân sản xuất ồ ạt chạy theo mùa vụ, xuất khẩu đại trà làm cung vượt quá cầu. Người nông dân vẫn phải chịu thiệt mãi với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Còn trong tôi sống lại một mùa dưa bi ngọt lịm, đủ đầy đã qua trong ký ức...
PHAN QUANG MƯỜI