Giếng làng

NGUYỄN THÀNH GIANG 06/04/2014 12:48

Trong một chuyến về miền quê ven biển khi mùa của những chồi xanh đã cạn ngày, người bạn tôi dẫn khách ra một lùm cây um tùm nơi góc rào. Cẩn thận vạch những tán lá, những nhánh tre gai ra, phát lộ bên dưới là một mảng vỡ của thành giếng bằng đá ong xưa còn lại. Bạn bảo rằng, đó là nơi thật sự thiêng liêng và đáng lưu giữ nhất của nơi mình sinh sống. Đi đâu thì đi, chứ về làng là anh lại ra giếng ấy ngắm vài phút cho đỡ nhớ. Nghe bạn nói, lòng tôi cũng ngùi ngùi theo, nhớ và thương về những cái giếng làng nơi tôi sống và cả trên những nẻo đường bôn ba kiếm sống.

Cái thời cả làng uống chung một cái giếng đất hay giếng đá ong cũng đã lùi xa vào dĩ vãng của nhiều người. Khi việc đào giếng và khoan giếng đã trở nên phổ biến vì không tốn kém nhiều, hầu như nhà nào ở quê cũng có một cái giếng riêng, vừa gần nhà, vừa tiện lợi cho mọi sinh hoạt. Những cái giếng làng nằm góc rào hay giữa xóm giờ cũng đã bị lấp hết. Một phần vì để lại không làm gì, có khi lại gây nguy hiểm cho trẻ con; một phần, dường như nó trở nên chướng mắt trong cái nhìn của nhiều người. Khi khoác tấm áo thị thành lên người, con dấu làng quê - giếng làng, cũng được mọi người xóa bỏ. Với họ, một trong những việc phải làm là lấp đi những cái giếng đất, giếng đá ong còn sót lại trong làng trong xóm.

Thời tôi còn chập chững bước đi và bi bô tập nói, giếng làng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhiều gia đình, là nơi những người dân quê lấy nước tưới cho cây thuốc lá. Quê tôi ngày ấy là một vùng chuyên canh thuốc lá nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Trong trí nhớ của tôi, giếng làng lúc ấy trong và ngọt lắm. Những cô chú trong làng với những đôi gàu kĩu kịt nước trên vai thoăn thoắt chạy đi chạy về từ giếng làng ra bãi trồng thuốc. Đôi lúc mệt, uống một ngụm nước giếng hoặc vốc lấy nước mà rửa mặt, rửa chân tay thì hình như cái nhọc nhằn cũng tan đi bớt đôi chút. Bờ thành giếng thì thấp, tôi lại hay tò mò, cứ chạy lại gần dòm xuống. Những người trong làng nói mãi không nghe, lấy gàu múc nước giếng tát thẳng vào người thằng tôi khờ khạo. Ấy vậy mà tôi sợ, không dám lại gần giếng nữa.

   Ngày tháng cứ trôi đi, không biết đã bao lâu rồi làng tôi không trồng thuốc lá nữa. Những giếng làng trở nên cô đơn, im lặng nơi góc rào, nơi những con đường không còn mòn theo thời gian. Lá cây và rác tha hồ rơi rụng vào lòng giếng. Nước giếng cũng dần ngả sang đục và vàng một màu phèn. Cũng không mấy ai bén mảng đến đó nữa. Để tránh cho lũ trẻ con gặp phải sự cố đáng tiếc khi lò dò tới giếng đất, giếng đá ong, người ta bịa đặt những câu chuyện ma quái xung quanh giếng làng. Dần theo năm tháng, giếng làng lại làm nhiệm vụ giúp cho những đứa trẻ biếng ăn, biếng ngủ biết nghe lời bởi ông bà cha mẹ thường bảo dưới giếng có con này con nọ hay bắt những đứa không chịu ăn chịu ngủ...
Ngẫm về góc giếng làng quê bạn cùng những giếng làng xưa còn lại quanh nhà mình, để rồi thấy chính mình cần quý trọng hơn chút văn hóa xóm làng còn sót lại, còn tồn tại trong cuộc sống của mình. Cho dù bây giờ trong mắt nhiều người, chỗ giếng làng ấy chỉ là một cái hố cạn, một đống gạch không ra gạch, đá không ra đá, nhưng với tôi đấy là một góc hồn làng còn cố bám níu lại giữa đời. Gìn giữ góc hồn ấy giữa những xô bồ kim tiền lộn xộn áo cơm là một điều không dễ. Nhưng chối bỏ những giếng làng ấy, chúng ta sẽ mãi mãi là những kẻ vong ơn với chính cái nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên...

May mà xóm tôi giờ hầu như những giếng làng vẫn còn khá nguyên vẹn. Dẫu giờ có cái đã cạn, có cái chỉ còn là một mảng thành giếng chơ vơ nơi bờ rào, có cái từ trên xuống dưới cây cói đã mọc xanh um bao cả bốn mặt giếng; nhưng không ai có ý định lấp đi hay phá bớt một phần quang cảnh ấy. Âu đó cũng là một sự đáng mừng khi những nơi khác người ta đang cố sức mà đập phá để giấu đi chút tàn tích chứng minh gốc gác nhà quê của mình và của cả cha ông mình đời trước. Thành ra, giờ trước nhà tôi không xa vẫn còn đến 2 cái giếng làng xưa. Mỗi lúc lòng gợn những lo nghĩ về chuyện đời, chuyện người, tôi cũng hay ra giếng ấy ngồi một mình bên bờ thành đá ong, bên những rêu phong phủ kín cả lối đi để mà mong níu lại một chút bình yên cho chính mình. Tôi xem đó là một niềm hạnh phúc mà không phải bất cứ ai đều muốn là được, dẫu đang sống trên một miền quê có ruộng có làng có bãi bờ tít tắp như dáng hình đất nước trăm năm về trước...

NGUYỄN THÀNH GIANG

NGUYỄN THÀNH GIANG