Tím sắc hoa thầu đâu
Khi hoa cải đã không còn vàng trên những cánh đồng làng, thì thầu đâu lại khoe hoa với một màu tím dung dị nơi đường quê ngõ xóm. Như là một sự tiếp nối, cũng là báo hiệu xuân đã cuối mùa. Hoa thầu đầu làm chức phận gọi nắng về, gọi những yêu thương cũng về theo những cặp chim cút đi tìm mùa yêu. Và với tôi, màu hoa tím đến rưng rưng lòng ấy như là một tiếng gọi quê, gọi những gì thân thương và bình yên nhất.
Cây thầu đâu cuối cùng nơi ngõ nhà tôi đã bị chặt cách đây vài năm. Vườn nhà và lối rào cũng chẳng còn mấy cây thân thuộc mang dáng dấp quê nghèo. Phố xá đã len lỏi vào chốn quê này từ lâu, dẫu xóm tôi vẫn còn làm rau, làm ruộng, vẫn còn những đàn bò đàn trâu gặm nỗi buồn trên những cánh đồng dần thu hẹp lại. Có lẽ vì thế, cứ độ bắt đầu cuối tháng giêng, khi đi qua những nẻo đường quê, tôi thường hay hướng mắt theo lối bờ rào để xem hoa thầu đâu đã nở hay chưa. Và lòng mừng như tìm thấy điều gì đó vô cùng quý giá khi một hôm bắt gặp màu tím dịu nhẹ ấy thoáng qua khi ruổi rong trên đường chiều, ở một vùng quê lạ. Xe dừng, lòng cũng chững lại dưới tán hoa. Miên man một tôi theo dấu hoa mà tìm về những mùa năm cũ.
Quê ngày trước không cần mỏi mắt đợi chờ hoa thầu đâu như bây giờ. Bởi vườn nhà nào cũng có một vài cây, như một nét làng thân thuộc và bình yên. Cứ khi những cánh bồ rầy chập chập vào những tán lá bạc hà những chiều cuối tháng giêng hai thì vài ngày sau đã thấy hoa thầu đâu một màu tim tím nở. Không kiêu sa rực rỡ như những loài hoa lắm hương nhiều sắc, thầu đâu tạo cho mình một màu rất quê, một cách nở cũng rất quê, như chính thân phận mình trên mảnh đất quê cỗi cằn. Ấy thế mà tôi thương, và có lẽ cũng rất nhiều người thương. Dưới tán hoa thầu đâu ấy, lũ trẻ con tôi chơi những trò chơi với những chú bù rầy mới bắt lúc tối hoặc đầu sáng sớm. Mải miết vui chơi, khi những bông thầu đâu li ti gặp cơn gió thoảng qua, nhẹ nhàng rơi đầy trên vai, trên tóc... Một màu bình yên tiễn một mùa cũng bình yên đi theo vòng quay thời gian...
Hoa thầu đâu nở rộ cũng là lúc những đôi chim cút đã rủ nhau về ruộng đậu phụng khởi sự một mùa yêu. Tuổi thơ tôi có nhiều cái thú, nhưng có lẽ thú hơn cả là theo anh chị trong xóm đi vây cút, hoặc nhìn những cặp cút, gia đình cút lùi lũi mà đi trong cái nắng đầu hè. Làm tổ khá kín nơi góc rào rậm rạp hay giữa đám khoai, đám đậu phụng ít người qua lại, những cặp cút di chuyển tìm thức ăn rất xa. Cho nên, nếu không quan sát kỹ, rất khó có thể biết những cặp đôi ấy có điểm dừng hạnh phúc ở nơi nào. Giờ nghĩ lại còn thương cho những cặp cút mắc vào bẫy, vào lưới của lũ trẻ chúng tôi, kết thúc vòng đời của mình bằng một món trong bữa cơm nhà nghèo. Nhưng biết làm sao được, khi cái đói, cái thiếu ăn buộc chúng tôi phải tìm bắt những con vật vốn thân thiết nơi đồng làng để làm thức ăn qua bữa, như cha ông bao đời nay. Từ con dế, con nhái, con cá, con lươn... Âu đó cũng là nghiệp dĩ của những con vật đáng yêu và cũng đáng thương ấy. Vừa là nét đẹp nơi quê kiểng, cũng vừa hiến trọn đời mình nuôi những người nông dân chân lấm tay bùn.
Hoa thầu đâu với tôi có mùi hương dẫn dụ một niềm rất đỗi thân thương. Nhất là khi màn đêm buông xuống, không gian dần tĩnh lặng, hương hoa thầu đâu tỏa lan mọi ngả. Hoa mộc mạc như đất quê, như người quê, như thân phận lam lũ của biết bao đời cha ông tôi. Có lẽ bởi thế mà ngày trước ít ai chặt những cây thầu đâu mọc lên trong vườn nhà. Thầu đâu nở cũng là lúc cái nắng bắt đầu gay gắt. Và cũng là lúc ấy, mồ hôi trên mặt, trên lưng áo của ba mẹ tôi bắt đầu chảy nhiều hơn trên cánh đồng quê. Dẫu bây giờ, đi quanh xóm nhỏ, khó tìm ra màu tim tím giữa mùa thầu đâu nở. Nhớ loài hoa mộc mạc, vào cuối giêng hai, tôi lại phải trông hoa thầu đâu nở ở một vùng quê khác...
NGUYỄN THÀNH GIANG