Cha và con gái
Tôi không nghĩ rằng nói những lời yêu thương với người mình rất thương yêu, kính trọng lại khó đến thế. Tôi có thể bày tỏ tình cảm với con cái mình hằng ngày, nhưng chưa bao giờ tôi nói được rằng: “Con yêu cha lắm!”. Dù rằng, tôi rất tự hào, yêu quý, kính trọng cha biết bao nhiêu. Tình yêu của cha đối với chúng tôi gần gũi, đằm thắm như người mẹ chứ không nghiêm khắc như tình cảm của những người cha khác dành cho con cái họ.
Tôi làm sao quên được những ngày còn thơ, đêm đêm nằm trên phản ngựa nghe cha kể chuyện. Như những trẻ em khác, tôi thích nghe mãi một câu chuyện từ đêm này sang đêm khác. Rồi cha đưa tôi vào giấc ngủ bằng những bài thơ, câu hát nói về những tấm gương sáng, về đạo làm người..., tôi nghe đến thuộc nằm lòng. Để rồi lúc này tôi lại ru con bằng những câu ca xưa cũ đó. Như mưa dầm thấm lâu, những câu chuyện của cha khiến tôi mê đọc sách và thích học văn sau này. Chính cha cũng là người thầy đầu tiên của tôi, khi dạy tôi những nét chữ vỡ lòng. Nhưng lạ là chữ cha rất đẹp còn chữ tôi thậm xấu. Vì điều này mà tôi hay nói đùa “Cha làm thầy con đốt sách!”. Cha cười và cốc yêu tôi. Cha tôi là một lão nông bình thường như bao lão nông khác ở quê. Nhưng với con cái, cha thật vĩ đại! Lại nhớ những lần có việc phải đến ủy ban xã chứng nhận hồ sơ giấy tờ, khi nhìn thấy tên cha tôi, thế nào tôi cũng được cán bộ xã ưu ái kèm lời nói: “Hồ sơ con bác T. thì chứng liền, không cần nghi ngờ gì hết, cả về lịch sử chính trị lẫn đạo đức gia đình”. Tôi cảm thấy vui và tự hào về cha.
Nhớ trước ngày tôi vu quy, cha nói: “Cha chỉ có thể cho con hai chữ NHẪN. Đó là NHẪN NHỊN và NHẪN NẠI. Làm theo những chữ đó, gia đình con mới thuận hòa, ấm êm”. Trong cuộc sống vợ chồng, đôi khi tôi quên chữ “nhẫn” cha đã cho. Khi hạnh phúc đứng bên sóng gió, tôi lại nhớ chữ “nhẫn”, gia đình hóa giải được mọi chuyện. Gặp mọi khúc mắc trong công việc, trong gia đình, trong mọi mối quan hệ..., bao giờ cha cũng cho tôi những lời khuyên rất chí tình, mà thường là cha bảo tôi phải nhận phần thiệt về mình. Cha hay dạy những câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng nên làm cho người), hoặc “Thi ân bất cầu báo, thọ ân mạc khả vong” (Làm ơn thì không cần báo đáp, nhận ơn thì đừng bao giờ quên). Khi anh em chúng tôi đã đi làm, mỗi cuối tuần về quê, thế nào cha cũng nhờ chở đi đây đi đó. Cha đã chuẩn bị sẵn quà và nhờ chúng tôi chở đi thăm và tặng những người già, người nghèo, người tàn tật. Đó là cách hướng thiện cho con theo cách của cha.
Hồi tôi còn bé, mỗi khi đi xa, cha không bao giờ quên mua sách tặng tôi. Những quyển sách ấy, cha viết lời đề tặng và dặn dò rất kỹ, chẳng hạn: “... ngày... tháng... năm. Dành tặng con gái út của cha nhân dịp... Đọc sách con nhớ học hỏi những điều hay từ sách và giữ gìn sách cẩn thận con nhé. Cha yêu con nhiều!”. Bây giờ, cha đã già. Và quà tôi tặng cha cũng thường là sách. Cha thích đọc sách về tâm linh, thích xem sách luyện viết chữ đẹp, sách giải bài tập... để cha kèm mấy đứa cháu nội học và hướng dẫn các cháu giải toán trên internet. Có lần biết cha tìm mua Hán - Việt từ điển của Thiều Chửu nhưng chưa mua được (từ điển Hán - Việt thì đầy ngoài nhà sách, nhưng cha không thích); tôi lùng mua tặng, thấy mắt cha ánh lên niềm vui khôn tả.
Bây giờ cha tôi đã ngoài tám mươi tuổi. Sáng sáng cha vẫn hướng dẫn người cao tuổi ở địa phương tập dưỡng sinh; vẫn tranh thủ thăm và tặng quà những hoàn cảnh ngặt nghèo; vẫn lướt web xem những mô hình sản xuất giỏi để phổ biến cho bà con láng giềng; vẫn chát chít với tôi hằng ngày trên mạng bằng laptop; vẫn soạn thảo văn bản trên máy và gửi email... Muốn xem hình ảnh con cháu, thì cha vào facebook, vào blog. Mỗi tiến bộ, mỗi việc làm tốt của tôi, cha đều theo dõi, động viên, khen ngợi. Tôi cũng đã 40 tuổi, đã là mẹ của mấy đứa con, vậy mà nghe cha khen, tôi có cảm giác sung sướng thích thú như hồi bé giải được bài toán khó, được cha xoa đầu vậy. Bởi trước cha, bao giờ tôi cũng thấy mình luôn nhỏ bé như hạt cát giữa mênh mông sa mạc...
PHAN LÊ CHÂU NỮ