...Mua láng giềng gần

PHAN LÊ CHÂU NỮ 04/08/2013 09:28

Còn nhớ hơn chục năm trước, khi “ra riêng”, vợ chồng tôi bỡ ngỡ   biết bao vì tại khu dân cư mới Hòa Hương (Tam Kỳ) - nơi chúng tôi quyết định định cư lâu dài, không có bà con, bạn bè bên cạnh. Sáng đầu tuần chia tay cha mẹ, khi đến nơi ở mới, tôi mở ba lô và thấy một lá thư viết tay. Là thư của cha tôi. Thư rằng: “Nay con xa cha mẹ sống ở Tam Kỳ, chỉ cách nhà mình bảy tám mươi cây số nhưng cũng có thể gọi là sống nơi đất khách quê người. Con nên biết lấy hàng xóm láng giềng làm bà con, lấy bè bạn đồng nghiệp làm anh em...”. Đã gần trọn đời người sống nhiều nơi, khi ở quê, khi tản cư ở phố, rồi lại về quê, sống trọn vẹn trong tình làng nghĩa xóm, cha tôi hẳn rất thấm câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” mà cổ nhân đã đúc kết, nay cha truyền dạy cho tôi. Tôi cũng đã học được cách cư xử với hàng xóm của mẹ tôi. Ngoài chuyện có món gì ngon, cúng giỗ cũng có thức quà biếu nhau; thảng hoặc mẹ vẫn sai tôi sang hàng xóm mượn vài lon gạo, xin tí rau thơm, vài quả ớt... Mỗi khi về quê, mẹ cũng bày vẽ tôi đến hàng tạp hóa của nhà hàng xóm mua một thứ gì cho đấy. Đó hoàn toàn không phải là cư xử giả tạo, mà là để tình láng giềng thêm nồng, thêm chặt...

Nơi gia đình tôi ở là khu dân cư mới ở thành phố Tam Kỳ - phần lớn là cán bộ công chức từ khắp các huyện trong tỉnh và thành phố Đà Nẵng đến định cư. Là công chức “sáng vác ô đi tối vác về” nhưng không có cảnh “đèn nhà ai nhà nấy sáng” theo kiểu phố thị tẻ nhạt và dửng dưng mà thiên hạ vẫn hay nói đến. Mẹ tôi ở quê vô chơi vẫn có thể đến nhà này nhà kia để trò chuyện chứ không phải chịu cảnh ngồi bó gối trong nhà. Con cái chúng tôi vẫn chạy qua chạy về nhà hàng xóm, chỉ tiếc là nhà cách nhà không phải bằng cái giậu mồng tơi (chữ của nhà thơ Nguyễn Bính), mà bằng hàng rào sắt nên có vẻ hơi lạnh lùng). Một buổi chiều nào đó trời bất chợt mưa, tôi đã từng ngạc nhiên khi về nhà, áo quần đã được hàng xóm cất giùm cho khỏi ướt. Đã có lần nửa đêm ông xã đau nặng, tôi có thể gọi xe cấp cứu, và rất yên tâm khi có bác hàng xóm đi cùng. Vẫn biết cuộc đời vốn bể dâu, vậy mà lòng lại bất chợt chùng xuống khi thấy hàng xóm treo biển bán nhà. Mất một người hàng xóm tốt bụng (nhưng tình cảm vẫn đong đầy bởi vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại, có dịp vẫn đến nhà thăm nhau) nhưng lại có thêm một người bạn láng giềng mới. Gọi là “mua láng giềng gần”, nhưng tình cảm tối lửa tắt đèn có nhau, san sẻ miếng ngọt bùi cho nhau như thế, bạc tiền nào có thể mua nổi! Tình cảm ấy, chỉ có thể “mua” bằng tình cảm chân thành, thân thương...

PHAN LÊ CHÂU NỮ

PHAN LÊ CHÂU NỮ