Niềm vui chung với sầu riêng

LÂM BÌNH THÁI 04/08/2013 09:17

Cuối hạ. Đêm vắng ngọn gió trời lang thang. Chẳng thể nào ngủ được vì không khí oi nồng nóng bức, tôi và cậu em tôi ra ngồi trước hiên nhà trò chuyện với nhau. Vầng trăng hạ huyền vươn lên trên đỉnh núi Sấu, tỏa ánh sáng vàng dịu nhẹ như dát bạc cả vùng quê nhấp nhô gò đồi. Bịch… Bịch… Bịch… Những thanh âm chắc gọn, tròn trịa, đồng vọng lại. Tôi dỏng tai nghe. Cậu em tôi cười: “Sầu riêng rơi rụng ngoài vườn đấy! Loại cây trái du nhập từ miền Nam về quê mình đơm hoa kết trái vào cuối xuân và cho quả ngọt vào cuối hạ”. Để ý, tôi thoảng nghe trong không khí mùi thơm rất đặc trưng của loại quả chín cây đầy gai nhọn.

Sầu riêng trong vườn nhà cậu em tôi.                                                 Ảnh: N.T.M
Sầu riêng trong vườn nhà cậu em tôi. Ảnh: N.T.M

Cách đây khoảng bảy, tám năm gì đó, cậu em tôi bỏ công sức tiền của cải tạo khu vườn tạp rộng non một mẫu, trồng các loại cây trái miền Nam như sầu riêng, măng cụt, cam sành, bưởi bòng… Trước nhà là hồ chứa nước Hố Quờn. Cậu em tôi mua dây nhợ, mua máy bơm bơm nước hồ lên tưới cho các loại cây trồng vào mùa nắng hạn. Không phụ công người chăm sóc, các loại cây trồng trong vườn nhà cậu em tôi nhanh chóng phát triển tốt tươi. Rồi cứ đến mùa chúng đơm hoa kết trái, tạo nguồn thu nhập lai rai cho cậu em tôi. Tuy nhiên, sầu riêng - loại cây trồng chủ lực, ra hoa nhiều nhưng đậu trái chẳng bao nhiêu. Tôi lẩn thẩn nghĩ, có lẽ loại cây trái này không phù hợp với đất đai thổ nhưỡng của vùng trung du Tiên Phước “nắng lửa mưa dầm”. Cậu em tôi đã hoài công rồi…

“Hồi chiều em quên khoe để anh đi dạo quanh vườn nhìn ngắm sầu riêng lúc lỉu đầy cành. Năm nay được mùa, chắc em trúng đậm…”. Cậu em tôi cười bảo. Vui chuyện, cậu em tôi nói, trồng cây phải hiểu rõ “tính nết” của cây trồng mới “bắt nó” đơm hoa kết trái đúng theo ý muốn của mình. Sầu riêng là loại cây “khó tính”. Lúc cành nhánh đâm chồi nảy lộc, cây trổ hoa là rụng sạch trơn. Vì thế, cuối tháng 10 âm lịch bón phân, sang tiết giêng hai sầu riêng ra lá non. Qua tháng 3 âm lịch lá già, sầu riêng đơm hoa. Cũng cần lưu ý thêm, ở miền Nam các loại côn trùng sống về đêm nhiều, gió cũng miên man thổi hoài thổi mãi. Ngược lại, vùng trung du quê mình ít loại côn trùng sống về đêm, trời lại hay “đứng gió” khi đến mùa sầu riêng trổ hoa. Vì thế, phải làm bùi nhùi bông buộc đầu sào, soi đèn pin thụ phấn cho hoa.

Kết quả ngoài mong đợi: Sầu riêng trong vườn nhà cậu em tôi quả treo đầy cành nhánh. “Những kiến thức ấy, chú lấy ở đâu ra?”. Tôi tò mò hỏi. Cậu em tôi cười: “Trên internet và qua kinh nghiệm từ thực tiễn”. “Quả đậu nhiều sẽ vắt kiệt sức lực của cây, trái cũng teo tóp, không to. Do vậy, cần phải chọn lựa, cắt bỏ bớt. Tùy theo cây lớn nhỏ mà để số lượng quả cho phù hợp”. Cậu em tôi trồng giống sầu riêng cơm vàng hạt lép. Mỗi quả cân nặng từ 1 - 2kg. Giá bán tại vườn nhà từ 35 - 40 ngàn đồng/kg. “Mấy năm trước, đến mùa thu hoạch, phải chở ra chợ Tiên Thọ bán. Gần đây, người ta biết tiếng nên đến mùa là gọi điện thoại đặt cọc mua… Cứ “a lô” là họ tới nhà lấy ngay”. Cậu em tôi cười bảo. Tôi cũng cười đùa: “Sầu riêng Bảy Khoa đã bắt đầu có thương hiệu…”.

Không khí dịu lại, bớt oi nồng khi đêm đã vào khuya. Vầng trăng hạ huyền cũng đã “đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn” và tỏa ánh sáng lung linh đầy hư ảo. Tôi và cậu em tôi ngồi trước hiên nhà lắng nghe những thanh âm chắc gọn, tròn trịa, đồng vọng lại. Gương mặt cậu em tôi rạng ngời, bởi mỗi tiếng “bịch… bịch…” lúc ngày lên là nhặt được tiền tươi. Tôi và cậu em tôi cùng có niềm vui chung khi sầu riêng rơi rụng ngoài vườn trong đêm khuya tĩnh lặng…

LÂM BÌNH THÁI

LÂM BÌNH THÁI