Tự khúc tháng 5
Cứ độ tháng Năm về, khắp dải đất miền Trung gió cát như thêm nắng nóng, đất đai khô cằn, bóng cây rũ rượi tưởng chừng chưa ra khỏi giấc ngủ trưa. Nhưng cũng nhờ có nắng tháng Năm mà vụ lúa, khoai, sắn rồi đậu, mè đến mùa thu hoạch phơi phóng nhanh khô hơn. Nhà nông mong có nắng tháng Năm là vì lẽ đó.
Tháng Năm, tháng của những cơn mưa dông ập về bất chợt. Thường là những buổi chiều tà, đang ngồi ôn bài thi hoặc cũng có lúc chăn trâu ngoài gò bãi… Vừa nghe tiếng sấm ì ầm đã phải bỏ hết mọi thứ, tất tả chạy ra cào vội sân lúa, gói ghém thật kỹ bao đậu, bao khoai. Bởi sợ rằng nếu tất cả bị ướt thì sang vụ mùa không có lương thực mà ăn.
Tháng Năm, ruộng đồng khô cằn, đất bùn trở nên cứng cáp. Lũ trẻ không còn thú nhào nặn. Thay vào đó, chúng chỉ có thể “phơi mình” vui đùa trên những đống rạ khô. Và tất nhiên, khi một hộ nào đó quẹt lửa đốt cháy đống rạ ngoài đồng thì cả bọn đứng nhìn làn khói bốc lên nghi ngút, có đứa cay xè cả mắt rồi vô tư bảo rằng: “Ngày mai tụi mình chơi bằng gì?”…
Tháng Năm, cho những cánh diều bay cao ước mơ của mấy đứa trẻ quê chưa vướng bụi đời. Chiều nào cũng thế, khi nắng bắt đầu nhảy múa những màu vàng, ấy là lúc gò bãi rộn ràng tiếng cười. Trên bầu trời xanh, lần lượt từng cánh diều giấy bay xa, chập chờn cùng mây và hát cùng gió. Cứ thế, lặp lại ngày này qua tháng khác, từ thế hệ này đến thế hệ nọ… Yên bình làm sao những cảm xúc trẻ thơ!
Tháng Năm, đầu làng bỗng bập bùng một màu “lửa phượng”. Dưới tán cây cao, quán nước chè trở nên chộn rộn hơn. Có thể vì gió ở đây mát, cũng có thể vì nước chè ở đây ngon, nhưng “thứ” quan trọng nhất vẫn là tình làng nghĩa xóm. Mọi người thường tranh thủ giờ nghỉ trưa sau một buổi lao động, để tụ tập nơi quán, già có trẻ có, để kể những chuyện vừa gặp hay bàn với nhau về giống lúa mới, về vụ mùa tiếp theo… Đơn giản thế, ấy vậy mà đã bao mùa phượng thay lá, nếp sinh hoạt ấy vẫn chưa hề thay đổi.
Tháng Năm, ta bắt gặp thật nhiều những cảm xúc mới lạ, những cảm xúc không ồn ào, không chát chúa. Mong ai cũng được đi về với một tháng Năm của những yêu thương, nơi hồn quê hiện diện…
VÕ THỊ NHƯ TRANG