Những khúc thì thầm của núi rừng
Đọc “Than đỏ dưới tàn tro” (NXB Hội nhà văn - 2022) của Đỗ Bích Thúy, ẩn sau những câu chuyện về núi rừng, về mẹ, về chị, về biển, về phố… và lớn hơn về cuộc đời là một niềm cô đơn vô cùng.
Thử nghe niềm cô đơn như cách chị giãi bày: “Tất cả những trạng thái ấy, không bao giờ có một nhân vật nào nắm lấy tay tôi, chìa vai cho tôi tựa vào, hoặc đơn giản là nói một câu: Khóc đi. Sẽ dễ chịu hơn đấy/ Một nỗi cô đơn tuyệt đối, cái thế giới văn chương này”.
Rừng xanh núi thẳm
Tự sự của nhà văn Đỗ Bích Thúy: “Mẹ tôi sinh tôi ở trong một góc rừng, đúng nghĩa là góc rừng, vào một đêm tháng Tư, sau giờ cơm tối. Hộ sinh là hai cô cùng lâm trường. Không bệnh viện, không trạm xá, không chăm sóc y tế.
Tôi hình dung mình đã cất tiếng khóc chào đời trong một niềm hân hoan tột độ. Thực tế thì suýt nữa tôi không thể có mặt trên đời. Lần đầu tiên biết điều đó tôi đã cực kỳ buồn”. Và núi, với Thúy: “Nỗi nhớ sâu sắc nhất là về những ngọn núi mà chúng tôi đã để chị tôi ở lại” (Tôi trả tôi về bên những ngọn núi/ để sống cuộc đời mê say).
Những câu chuyện “nhặt” ra hết sức tình cờ như trên có thể lý giải phần nào sự gắn bó của Thúy với núi rừng và hơn thế là niềm yêu thương cuộc sống không kém phần mê say.
Những câu chuyện kể cứ kéo dài mãi, về những số phận và những biến cố, có khi đơn giản chỉ là cách nhìn tinh tế về những cảnh/ người đã tồn tại từ rất lâu, có khi đến hàng ngàn năm, bỗng thức dậy dưới một sự thức ngộ của nhà văn.
Tôi cũng nhận thấy, những câu chuyện của núi, của người miền núi được Thúy kể mãi nhưng không hề lặp và người ta cứ thích nghe những thầm thì không dứt của Thúy. Là nhờ văn hay nhờ cái tình của Thúy? Hay cả hai? Hay thêm điều gì nữa tôi chưa kịp nhận ra?
Ở Đỗ Bích Thúy, là sự “phối trộn” giữa phố xá và núi rừng, nhưng phần núi rừng vẫn chiếm ưu thế: “Tôi thường cảm thấy giống tôi nhất khi về miền núi” (Từ dưới thung lũng đi lên phía núi đồi).
Tôi thích câu chuyện trong “Trên mặt đá cạn khô”, một đống lửa được đốt lên giữa rừng, chiều muộn và cái kết “Mấy cô Mán vẫn chưa về, những đống lửa vẫn đỏ, mùi khói thơm thật là thơm từ những thân cây đậu bị đốt cháy”. Bạn sẽ bắt gặp những “dịu dàng” như thế trong “Đi về nơi không cần ánh sáng” hoặc “Thương mến tỏa hương”.
Hoặc với Lô Lô Chải trong “Một reo vui trong nắng sớm”. Và thật ấm áp khi đọc “Về nhà”. “Cuối cùng rồi tôi cũng để miền núi, thung lũng và những cánh rừng ở lại sau lưng”. Ra đi mà không theo bất cứ cái gì: một con dao, chiếc cuốc…
Và nghĩ, nếu vẫn ở lại miền núi, thì sao? Thì “sẽ như bố mẹ tôi, như rất nhiều người họ hàng nhà tôi, sống cả đời ở miền núi và sẽ chết đi ở miền núi”. Sẽ lấy chồng, sinh một đàn con… vui và buồn như bao người. Và, “tôi được hạnh phúc vì được sống suốt đời trong cảm giác biết ơn”. Về nhà, mọi thứ chừng như vẫn vẹn nguyên trong lòng.
Vọng âm của núi trên những miền đất lạ
Tôi muốn bắt đầu những bài viết của Đỗ Bích Thúy về các miền đất khác bằng bài viết về Hội An: “Tôi tìm gì ở phố Hội đêm qua”. Không nhớ lần đầu đến Hội An là khi nào và đã bao nhiêu lần đến? Với Thúy, cảm giác lần nào cũng là lần đầu, vẹn nguyên một niềm yêu mến. Một Hội An “xa lạ nhưng thân thiện, kiêu hãnh trong khiêm nhường, lộng lẫy mà giản dị, kiệm lời nhưng thẳm sâu… Bằng ấy chữ vẫn chưa đủ về Hội An”.
Đọc dòng này là nhận ra Thúy: “Tôi sinh ra ở miền núi. Đứng từ Hội An và nhìn về phía Bắc, xa lắm”. Đến Hội An từ hồi còn là một cô gái trẻ, bao nhiêu thời gian đã trôi qua, cũng ngần ấy sự biến đổi với Hội An và nhiều hơn thế, cả mấy trăm năm về trước… Những dòng thủ thỉ như trải lòng ra cùng với phố, chắc chắn đã có được sự đồng điệu…
Còn với Huế “Huế liệu có còn là Huế khi thiếu dòng Hương?”. Ngẫu nhiên ở đó, Đỗ Bích Thúy bắt gặp những hình mẫu cho các nhân vật của một bộ phim mà chị đang viết kịch bản. Nhận ra hai nhân vật trẻ Toàn và Ngọc “của tôi” ở kia! Thêm một ông bố dượng của Diệp - một nhân vật nữ, “một người đàn ông trung niên chơi saxophone trong một quán rượu nhỏ (Gió đã mang đi).
Một đôi mắt Chăm to quá khổ so với gương mặt gầy guộc tình cờ bắt gặp ở một vùng rất gần biên giới Campuchia, nơi “Từ đây sang đất bạn rất gần”. Câu chuyện ám ảnh từ đôi mắt và một bà lão bán bánh nơi vùng đất xa xôi ấy đã để lại những ấn tượng khó quên (Đôi mắt nàng Chăm)…
Như trong nhiều bản nhạc, núi rừng lâu lâu lại “hồi tống” về hợp âm chủ trong văn Đỗ Bích Thúy. Cho dù là “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” hay “Lặng yên dưới vực sâu” cùng nhiều tác phẩm khác, tiếng vọng của rừng của núi cứ vang mãi trong từng câu chữ.