Ân tình với Nguyên Ngọc
(VHQN) - Khi tôi ngồi viết những dòng này, nhà văn Nguyên Ngọc sắp sửa tròn tuổi 91 mà kỳ lạ thay, ngày nào ông cũng miệt mài đọc, viết. Không chỉ đọc những ấn phẩm mới xuất bản dường như còn thơm mùi mực mà ông - với lợi thế ngoại ngữ và sự ham hiểu biết vốn có - còn đọc nhiều báo chí trong nước, quốc tế. Nên gần như chẳng mấy khi đi đâu khỏi ngôi nhà nằm ở vùng ven Hội An nhưng ông luôn biết sớm nhiều việc diễn ra trên thế giới.
Ngôi nhà ông, nếu đi ngang tưởng im lìm như ngủ quên trong lùm cây nhưng cổng nhà luôn được mở ra để đón bạn hữu, đặc biệt những văn nhân thân thiết đến thăm và đàm đạo tâm giao chuyện văn, chuyện đời.
Những văn nhân tính tình sôi nổi thường rủ nhau đi theo nhóm, đến thăm và thể hiện sự yêu quý với ông một cách đầy nhiệt huyết như tính cách của họ cũng như trên trang viết và trên mạng xã hội.
Nổi bật trong nhóm văn nhân này là nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, người lúc nào cũng nói cười hào sảng, dám trêu đùa ông Ngọc trong những khi trà dư tửu hậu. Những khi ấy, nhà văn Nguyên Ngọc luôn cười, có khi ông vừa lắc đầu nhẹ vừa mỉm cười hóm hỉnh.
Còn nhớ, sau tiệc sinh nhật tròn 90 tuổi của ông năm kia được tổ chức tại nhà riêng, Phạm Xuân Nguyên ở lại Hội An chơi thêm vài ngày, chờ khi chiều mát, điều hẳn một anh thanh niên cao to, vạm vỡ, đi xe tay ga tới nhà chở Nguyên Ngọc đến dự tiệc hậu sinh nhật của ông tại nhà hàng nổi ở ngoại vi thành phố.
Ở tuổi tròn 90, cảm giác như một “đứa trẻ” ngồi phía trước xe máy, trong vòng tay của người tài xế trẻ tuổi để đi một quãng đường xa, qua những ngả đường nhiều thanh âm ồn ã của phố xá rồi băng qua cánh đồng ngát hương mùi cỏ dại khi chiều dần về tối.
Và sau đó là những câu chuyện, tiếng cười vang mặt nước có khi còn hơn nhiều liều thuốc bổ với nhà văn Nguyên Ngọc. Là bởi, sự lạ thường có phần mạo hiểm trong việc này không chỉ khiến ông vui mà còn thăng hoa, thú vị, là việc khó có thể lặp lại lần hai; thêm nữa, không phải ai cũng dám xui ông làm như thế, ở tuổi này.
Là thương đấy, yêu đấy. Một lối yêu thương mới nhìn qua tưởng hời hợt nhưng vô cùng thẳm sâu, nó làm cho nhà văn Nguyên Ngọc thấy mình được sống vui và phấn khích.
Ứng xử chừng mực và ân cần đối với ông thường là nhóm những văn nhân thuộc phái nữ. Căn tính đàn bà với sự chỉn chu, tinh tế khiến cách thể hiện tình cảm của các nữ thi sĩ, văn sĩ trong những cuộc thăm hỏi với ông luôn nhẹ nhàng, chu đáo.
Còn nhớ năm kia, hồi dịch COVID-19 đang căng thẳng, một hôm chị Giáng Vân gọi điện và nhờ tôi gửi cho ông 5 triệu đồng do chị chưa vào thăm được, chị muốn ông và con gái có thêm chút tiền để mua thêm thuốc, sữa.
Nhà thơ Giáng Vân chu đáo từ hồi nào đến giờ, tôi biết. Nhưng việc chị nhờ quá khó, bởi mỗi khi tôi đến thăm, chị Phương, con gái của ông luôn ngồi cùng suốt buổi, trong khi tính cách của chị thì ai ai cũng biết là vô cùng nguyên tắc và chẳng mấy dễ chịu.
Tôi biết trình bày, nói năng làm sao để chị ấy đồng ý nhận đây? Mãi hồi sau, khi chị vừa rời phòng khách để vào trong bếp chừng vài phút, tôi nhanh tay dúi vội bì thư đựng tiền vào tay ông, ngoài phong bì tôi đã ghi sẵn tên, số điện thoại của nữ thi sĩ Giáng Vân.
Thấy ánh mắt tôi khi đó vẻ cầu khẩn và có lẽ ông cũng sợ cô con gái mắng tôi nên ông nhẹ nhàng gật đầu, tỏ ý hiểu và không nói gì thêm. Có hôm, họa sĩ Phương Bình từ Hà Nội vào Hội An và đến thăm ông, thấy đôi chân của ông khi đó bị phù, các tế bào da bong tróc.
Chị Bình xin phép hôm sau đến, mang theo lá trầu không, hành lá, chanh và muối hạt đến nấu một nồi nước để ông ngâm chân. Vừa nhẹ nhàng rửa chân cho ông, họa sĩ vừa nói rằng ở nhà chị cũng hay rửa chân cho mẹ như thế để chân bà bớt đau, đi lại dễ dàng.
Từng cử chỉ của họa sĩ chậm rãi, ân cần thêm những câu chuyện nho nhỏ thú vị về những người bạn đang sáng tạo ở nơi này, nơi khác quyện với hương thơm của các loại lá đã khiến ông mỉm cười nhẹ nhàng.
Dù không nói ra và càng chẳng dám dặn dò chị Phương nhưng sâu trong thâm tâm, tôi biết, chị Bình mong mỗi ngày ông đều được con gái ngâm chân và rửa chân như thế. Các văn nhân nữ như chị Ý Nhi, chị Mai Nhung, chị Kim Cúc… đều có cách chăm sóc ông theo cách riêng của mỗi người và rất tế nhị để giữ hòa khí với cô con gái duy nhất của nhà văn.
Trong số các văn nhân, tôi đặc biệt ấn tượng với tình thân của Bảo Ninh và Trung Trung Đỉnh. Các anh thường đến thăm ông một mình hoặc đi cùng một người khác. Cuộc trò chuyện chỉ hai, ba người mà có hôm ngồi từ giờ này sang giờ khác có khi suốt cả một ngày. Bảo Ninh bảo, đó là những lúc thầy trò riêng tư đàm đạo như hai người bạn tâm giao về văn chương, cuộc đời.
Nhà văn Nguyên Ngọc nói chuyện sôi nổi, nồng nhiệt và hết sức cởi mở với Bảo Ninh. Là một cựu binh quân Giải phóng Tây Nguyên nên ngoài tình thầy trò với nhà văn Nguyên Ngọc, Bảo Ninh còn nặng tình đồng đội với ông.
Từ thuở còn học trường Nguyễn Du đến giờ, Bảo Ninh luôn coi ông như người anh trong cuộc chiến ngày xưa, như một người chỉ huy. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng vậy, ông gặp Nguyên Ngọc như một nhu cầu tự thân nên hễ rảnh là ông lại từ Hà Nội và Hội An để thăm và nghe ông Nguyên Ngọc nói chuyện hết giờ này sang giờ khác, không chỉ về những trang bản thảo đầy thi hứng mà còn về mảnh đất Tây Nguyên.
Gắn bó giữa họ không chỉ là tình văn nhân mà còn là nghĩa tình “đồng hương Tây Nguyên, đồng hương Khu 5”, là cái tình đồng đội, mặc dù Nguyên Ngọc chưa hề là người chỉ huy trực tiếp của họ ngày nào.
Cách đây vài hôm, chị Ý Nhi bảo, bây giờ ông Ngọc vẫn minh triết và làm việc hăng say mỗi ngày, chỉ cái chân hơi yếu và sức nghe đã giảm nên anh chị em văn nghệ đang thuyết phục để ông đi khám tai, chịu đeo máy trợ thính.
Hy vọng, dịp sinh nhật tròn 92 tuổi sắp tới ông sẽ đeo máy trợ thính và như thế, ông sẽ không chỉ cảm nhận mà còn thực sự nghe được nhiều hơn những ân tình của văn nhân thân thiết.