Viết sách để... chữa bệnh
Tập truyện ngắn đầu tay cùng sự kiên cường chống chọi bệnh ung thư của một cô gái xứ Huế đã làm lay động trái tim của rất nhiều người. Cô gái ấy là Lê Thị Ngọc Hà, làm nghề viết văn tự do và bán trang phục linen.
“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”
Chuyến xe chở tôi dừng trước khu nhà lưu trú dành cho chuyên gia của Trường Đại học Khoa học Huế thì Ngọc Hà đã chờ sẵn. Cô ấy nhận ra tôi ngay dù đây là lần đầu tiên gặp mặt. Hà bảo: “Chị ra Huế lúc em tỉnh táo sau một đợt truyền thuốc, chứ không thì mặt em kinh lắm, chắc không tự tin gặp chị mô”. Rồi Hà cười thật tươi, ôm lấy tôi.
Hầu như trong mọi lúc chuyện trò, Hà đều mỉm cười, nhất là khi nhắc đến căn bệnh ung thư mà cô đang chống chọi. Nụ cười ấy trong trẻo, hồn hậu, như văn của Hà - giọng văn bay bổng nhưng chậm rãi để người đọc vừa đủ thích, vừa đủ thương và vừa đủ nhớ. Nhìn nụ cười ấy, đọc văn của cô gái ấy như thấy một dòng sông êm ả trôi, hay một khu vườn đầy cây trái trước mắt.
Chỉ cần ngồi thảnh thơi ngắm dòng sông hiền hòa hay đứng bên hiên nhà ngắm khoảng sân đầy nắng óng ánh, lắng nghe vạn vật quanh mình đang bừng lên sự sống, đơn giản vậy thôi là thấy đủ đầy hạnh phúc.
Nhưng có lúc giọng Hà chùng xuống, nét mặt trầm tư. “Dạ, định mệnh an bài em gặp phải bệnh tật. Chừ em không kiên cường vượt lên số phận thì biết làm răng. Thôi thì còn thở, còn sức viết nên em viết” - Hà trải lòng.
Năm 2020, lúc chúng tôi quen biết nhau qua văn chương, Hà đã phát hiện bệnh. Trên facebook, Hà không than ngắn thở dài. Những tản văn, truyện ngắn Hà đầy mùi đất đai âm ẩm, mùi gió núi thơm ngát, vị ngọt lành và thanh sạch của một miền quê bình dị.
Tôi như thấy nắng nhẹ tênh len qua từng song gỗ màu luyn rồi lặng lẽ chảy tràn vào nhà; thấy đôi mắt trong veo của chú sẻ non cứ nghiêng nghiêng nhìn con bướm trắng chờn vờn trên những chùm hoa; thấy vạt hoa nắc nẻ nở cả thảm hoa màu hồng dìu dịu bừng lên sức sống...
Khi phải phẫu thuật, điều trị bằng phương pháp hóa trị, xạ trị, Hà kể với tôi kèm theo những dòng tin nhắn: “Bình an nghe chị!”, “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ, chị hì!”.
Trong cô gái sinh năm 1983 này không có sự sợ hãi, không có ý nghĩ về cái chết, chỉ có niềm vui sống, lòng biết ơn vì vẫn còn được viết, được ở bên cạnh gia đình và được sự sẻ chia của bạn bè.
Suốt thời gian dài Hà quấn khăn trên đầu để che mái tóc đã trụi lủi. Tháng 7/2023, lượt tóc mới bắt đầu mọc, cô viết vui trên trang cá nhân: “Khi bạn đã hói đầu, dù có thay một lượt tóc mới thì vẫn hói…”, kèm theo đó là bức ảnh cô mặc chiếc váy màu đỏ và nở nụ cười rạng rỡ.
Bầu trời hy vọng
Khi tập truyện ngắn “Ô cửa rêu xanh” (NXB Thuận Hóa, 2023) phát hành, Ngọc Hà rao bán sách trên facebook. Cộng đồng mạng và những người yêu văn chương bắt đầu chia sẻ thông tin về một “chiến binh K” luôn gửi sách bọc cẩn thận, buộc dây cói kèm hoa khô và một tấm thiệp có dòng chữ cảm ơn được viết tay.
Mỗi cuốn sách giá 98.000 đồng, miễn phí chuyển phát. Hà biết truyện của mình “lành” và “hiền” quá, không gai góc, cũng không có những yếu tố kịch tính, nhưng có bạn đọc nhận xét bằng những dòng trạng thái trên facebook rằng, sau “Ô cửa rêu xanh” là cả bầu trời hy vọng, là những mảng màu lấp lánh yêu thương.
Nhiều người để lại những dòng bình luận: 23 truyện ngắn trong “Ô cửa rêu xanh” như liều thuốc chữa lành; nơi đó, từ mặt đất, ta có thể vẽ bầu trời; từ cánh đồng, ta nghe ra gió núi; từ những mong ước, ta tìm thấy chốn trở về…
Ca sĩ Phạm Thu Hà khi biết thông tin về “chiến binh K” ở xứ Huế đã đặt mua 10 cuốn “Ô cửa rêu xanh” và gửi 10 triệu đồng với lời nhắn “Thương lắm!”. Giọng ca bán cổ điển của làng nhạc Việt xúc động gọi việc kết nối với Ngọc Hà là duyên lành.
“Thế giới âm nhạc mang đến cho mình nhiều hạnh phúc, nhiều điều đẹp đẽ thiện lành và xóa nhòa những thương tổn. Ngọc Hà cũng vậy, có lẽ văn chương mang đến cho cô ấy một tâm hồn rộng mở, niềm lạc quan và tin yêu cuộc sống. Mình muốn chia sẻ và tiếp thêm nghị lực cho cô gái cùng tên” - ca sĩ Phạm Thu Hà nói.
Còn với Ngọc Hà, “Ô cửa rêu xanh” được mọi người đón nhận, chia sẻ, lan tỏa, là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người viết văn và là động lực để cô chống chọi bệnh K.
Trên giường bệnh, Hà viết:
“Năm 40 tuổi, mình được sống đúng ước mơ ngày bé: Ăn rồi chỉ mỗi việc nằm đọc sách. Ước mơ đó do người lớn kể lại, chứ thật tình mình không nhớ. Hồi xưa mê sách mà ở nông thôn sách rất hiếm.
Trong nhà chỉ có duy nhất rương sách của ông ngoại và dì để lại. Năm mình học cấp ba, rương sách đó mới được mình lần lượt bổ sung thêm. Nhưng năm 1999, lụt lút đôn nhà, rương sách hoàn toàn bị xóa sổ.
Những ngày này, nếu bỏ qua việc bụng đau (do vết mổ chưa hồi phục), mệt, choáng các kiểu, thì mình đang sống những ngày thần tiên thật sự... Mình nằm đọc sách dưới ô cửa sổ đầy ánh sáng. Cửa sổ mở ra vườn. Cây giáng châu xanh um, tán rộng phủ kín cả ô cửa.
Cây bưởi, cây khế cũng vươn cành đến. Khoảng trưa khi nắng gắt, qua ô cửa là nghe bọn sẻ ríu rít trên cây, lũ gà cũng đến dưới gốc giáng châu tránh nắng, chúng ồn ào kinh. Trong phòng chắc mát hơn, nên lâu lâu bọn chàng hiu cũng nhảy vào; dế, bướm đôi khi cũng đi lạc.
Mình nằm đọc sách chán thì nghĩ đến bọn trẻ nhà mình, không biết chúng có nhớ mẹ không nhỉ. Chứ mẹ nó mệt quá, chẳng nhớ chúng tẹo nào.
Mình có nhớ xã hội.
Đang mong từng ngày, chờ đến lúc được hòa nhập cộng đồng quá”.