Vũ trụ trong tranh sơn mài của Seako Ando
Một trải nghiệm thị giác khá lý thú với những tác phẩm sơn mài độc đáo tại triển lãm “Vũ trụ vi mô - Vũ trụ vĩ mô - Hội An nơi tôi sống giữa hai vũ trụ” của họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando.
Triển lãm cũng là hoạt động mở đầu sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” lần thứ 19, sẽ diễn ra tại Hội An vào cuối tuần này.
Nghệ sĩ Nhật dùng sơn ta
Saeko Ando là một người “quen tên” với giới hội họa Việt Nam. Tròn 25 năm sống tại Việt Nam tính đến thời điểm này, trong đó, tại Hội An, chị đã ở đến năm thứ 7. Trong suốt từng ấy thời gian, Seako Ando hình như là họa sĩ người nước ngoài sử dụng sơn mài của Việt Nam làm cảm hứng cũng như nguyên liệu sáng tác nhiều nhất. Tác phẩm sơn mài của chị được trưng bày tại nhiều triển lãm trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc đưa sơn mài Việt Nam hội nhập toàn cầu.
Sơn mài - hay còn gọi là sơn ta, có rất nhiều đặc tính để tạo nên một bức tranh với những tông màu riêng có. Với Seako, sơn ta được làm nên từ vỏ trứng, bột màu, vỏ cây, lá vàng...
“Tôi yêu độ bóng, khả năng kết dính, độ trong suốt và màu cánh gián tự nhiên với các sắc thái khác nhau, hiển nhiên là điểm mạnh vốn có của sơn ta. Và tất cả đặc tính này sẽ rõ nét hơn sau một thời gian nhất định. Sơn ta giống như một loại rượu vang chất lượng với hương vị và mùi thơm tăng lên khi để lâu. Liệu các vật liệu khác có tạo nên sự kỳ diệu giống như vậy không? Khi bạn yêu những đặc tính này, chặng đường dài để trở thành một nghệ nhân sơn mài trở nên thú vị và vui vẻ hơn, thay vì là một gánh nặng” - Saeko Ando chia sẻ.
Giống như việc gặp gỡ và kết duyên cùng một người bạn mới, dần dà, sơn mài của Việt Nam đã tạo nên sức hút không thể cưỡng với Seako Ando.
“Ở Nhật, tôi đã từng học nghệ thuật và thực hành nào cũng đòi hỏi tính nghiêm khắc, chuẩn mực. Hoa văn nào cũng phải thật chính xác, kỹ thuật thì phải làm theo sư phụ, nếu làm khác có thể bị đuổi học. Nhưng khi học kỹ thuật sơn mài ta ở Việt Nam, tôi cảm thấy thoải mái và phù hợp từ không gian đến cách thức giảng dạy, thực hành.
Tôi nghĩ cơ hội thể hiện cảm hứng cá nhân quan trọng hơn là việc tạo ra những tác phẩm chính xác mà không mảy may một hạt bụi nào. Có lẽ nhờ đó mà tác phẩm sơn mài của tôi được ảnh hưởng bởi tính phóng khoáng và rộng mở ấy” - Seako Ando nói.
Vũ trụ trong tranh
“Ở Hội An, tôi cảm nhận được sự cộng hưởng và tương đồng giữa chính chúng tôi - “thế giới vi mô” và vũ trụ rộng lớn hơn - “thế giới vĩ mô”. Chúng tôi cảm nhận sự thay đổi của gió.
Chúng tôi nhìn thấy thủy triều dâng hay xuống do mặt trăng chi phối và có thể ngắm nhìn toàn cảnh biến đổi liên tục của mây trên bầu trời được tạo ra do năng lượng mặt trời làm bay hơi nước từ đại dương, thực vật và đất. Chúng tôi dần dần hòa mình vào thiên nhiên lúc giao mùa” - Seako Ando phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm tranh sơn mài đầu tiên của chị sau 7 năm chuyển về ở và sáng tác tại Hội An.
Đó cũng chính là ý niệm để Seako Ando trưng bày một phần của vũ trụ vi mô và vĩ mô của chính chị ở Hội An. Một số tác phẩm thể hiện các chi tiết nhỏ bé, một số khác dường như đang mô tả về một thế giới rộng lớn.
Người ta như cảm thấy tính vô hạn trong không gian họa phẩm. Có lúc lại nhận ra có nhiều lớp không gian đang xếp chồng lên nhau. Rõ ràng có một năng lượng giao thoa giữa tác giả và thiên nhiên, giữa người sáng tạo và không gian sống quanh chị, để khi xem tranh, khán giả như đang đi sâu hơn vào chính nội tại của mình.
“Tôi được dạy về việc con người chỉ là một phần nhỏ trong vũ trụ. Khi mình có thể trở thành một với vũ trụ thì kết quả sẽ thật tuyệt và không cần hoàn hảo vì có lẽ mọi thứ đều bất toàn. Như con nhện vậy, ngày nào nó cũng giăng tơ và có thể giăng tơ ở bất cứ đâu. Nhện men theo hình thù có sẵn của chiếc lá, cành cây, ngọn cỏ… rồi dệt lên bao mạng nhện hết sức nhiệm màu.
Dù lặp đi lặp lại, nhưng mỗi mạng nhện là một “tác phẩm” khác biệt. Dù lặp đi lặp lại nhưng nhện không bao giờ nhàm chán việc giăng tơ. Có lẽ, tôi cũng vậy, cũng đang trên đường trở thành con nhện, làm việc tự nhiên mà không suy nghĩ. Tôi gọi đó là tính thiền” - Seako Ando nói thêm.
Cũng lần đầu tiên, Seako Ando mang chất liệu sơn ta thử nghiệm và thăng hoa trên chất liệu mica (acrylic). Nhận định từ giới chuyên môn, đây là cách tiếp cận đương đại và rất độc đáo trong việc sử dụng sơn ta - sơn tự nhiên của Việt Nam. Họ cho rằng, sự thành công của Saeko thể hiện tiềm năng to lớn của sơn ta Việt Nam trong thời hiện đại và cả tương lai.
Sự tìm tòi, thử nghiệm và vượt qua mọi giới hạn để làm nên các sáng tạo, đều đáng để trân trọng...