Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Đa tầng hiện thực và cách tân tiểu thuyết
Lần gần nhất tôi gặp nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi anh tham gia cùng đoàn công tác của Trung ương tham dự hội nghị toàn quốc về công tác tuyên giáo tổ chức tại Quảng Nam ngày 4/7.
Tôi gặp anh đã nhiều lần. Đó là những khi anh dẫn đoàn nhà văn, nhà thơ cả nước tham gia trại sáng tác do Văn nghệ quân đội tổ chức ở Đà Nẵng. Những khi anh đi công tác ở miền Trung dừng lại ở Hội An và gọi tôi đến chuyện trò. Có lần anh đến viếng hương nhân giỗ nhà thơ Nguyễn Trung Bình ở Nam Phước (Duy Xuyên).
Hồi đó, nhà thơ Trần Tuấn (Báo Tiền phong), nhà thơ Phùng Tấn Đông (Hội VHNT Quảng Nam) kể rất nhiều câu chuyện thi vị về tác giả “Bài của trẻ dáng nâu”. Vốn rất ít nói, Nguyễn Bình Phương trầm tư nghe các câu chuyện văn nghệ. Sau cùng anh bảo: “Nguyễn Trung Bình là thi nhân rất lạ, rất mới. Người thơ của những cách tân, tìm tòi thi tứ, thi pháp và có cấu trúc thơ, lập ngôn… đi trước”.
Tiểu thuyết đa tầng hiện thực
Nguyễn Bình Phương với cách tân thơ
Ngoài tiểu thuyết là dòng chính lưu, thơ Nguyễn Bình Phương cũng rất nổi tiếng. Thơ Nguyễn Bình Phương phảng phất cái huyền hoặc bí ẩn.
Nhà thơ đã sáng tạo nhiều hình ảnh thơ lạ và cuốn hút, mở ra một thế giới tưởng tượng đánh thức những cảm xúc đã sẵn tiềm ẩn trong đời sống tâm hồn con người.
Trong cuộc tìm kiếm thơ ca của mình, Nguyễn Bình Phương luôn tự thức tỉnh về sứ mệnh của nghiệp bút mực, tức là đơn độc đối mặt với trang giấy trắng.
Mỗi trang giấy trắng giúp nhà thơ trăn trở, vật lộn và lao nhọc kiếm tìm; là sự trống trải, đơn độc trước mênh mông sâu thẳm cõi người. Trang giấy, đó chính là sự ký thác của nhà thơ.
Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Trung Bình có lẽ đã “gặp” ở chỗ đặt văn học lên vị trí trang trọng nhất: mỗi sáng tạo phải đặc biệt, đặc sắc, độc đáo của cá nhân, văn phong lạ.
Ấn tượng về tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là lối văn như thơ ảo diệu, ma mị. Kiểu như: “Trên cành ổi người cũ ngồi vắt vẻo giọng tự nhiên trong vắt đến lạ lùng. Đứa nào lên trên ấy nhớ gửi về cho bọn ở dưới này một ít nước ngân hà và đôi cánh con vịt giời lạc mẹ” như ở tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng”.
Người ta dấn thân, đồng hành để phản ánh đời sống còn thực tại trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là một phản chiếu khác, sâu lắng, tịch tại và rất… âm bản. Nói như nhà lý phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa: “Tính chất phi truyền thống nơi tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương rõ thấy nhất trước hết là ở chiến thuật tự sự phi tuyến tính. Đi vào tiểu thuyết của nhà văn này là đi vào những mê lộ/ ma trận trần thuật”.
Thường thấy tiểu thuyết của anh không đầu, không cuối. Nó giống như một tấm lưới rối các móc vào nhau, người đọc phải tự gỡ ra, chắp nối, xâu chuỗi lại cho dễ hình dung, liên tưởng.
Cái tính chất thứ yếu cốt truyện đó khó cho người đọc nhưng khiến họ cùng sáng tạo một thế giới đa tầng khác với thực tại mà nhà văn đang dẫn đọc. Nhưng dù có liền mạch tấm lưới ấy đến đâu thì người đọc cũng chỉ hình dung về thực tại với những chiều kích rời, đứt đoạn.
Nhà phê bình văn học, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học hay nói về khả năng tiết chế ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Nhà văn “dửng dưng” kể về thực tại theo kiểu “kể xong rồi đi” - tên gọi một tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương còn nhận diện, lý giải hiện thực là của người đọc. Anh trao quyền đánh giá hiện thực để người đọc đồng sáng tạo.
Tôi hỏi Nguyễn Bình Phương: Sau “Một ví dụ xoàng” chắc anh đang dày công sáng tác tiểu thuyết khác. Anh trả lời: “Ở cái tuổi này rồi, không muốn in sách nữa. Nhưng viết thì phải viết thôi”.
Người đối diện hầu như ai cũng ấn tượng về Nguyễn Bình Phương với đôi mắt sâu, nhìn thẳng và rất tinh tường. Anh rất ít nói, trầm tĩnh và hầu như tâm tưởng lúc nào cũng đang theo đuổi một thi pháp ý vị cho tiểu thuyết. Nguyễn Bình Phương rất ít đàm đạo với ai, anh như lẩn tránh đời thực để theo đuổi một thực tại sáng tạo khác.
Nhiều người lấy làm lạ là một nhà văn không xem mạng xã hội, ít giao tiếp, không màng thế sự nhưng lại thấu cảm đến tường tận đời sống để kiến tạo thực tại trong văn chương đầy mẫn tiệp. Đơn khởi như ở “Một ví dụ xoàng” là: “Nếu mỗi người là một ví dụ, thì cậu ấy là cái ví dụ xoàng, hết sức xoàng”.
Dấu ấn của hành trình cách tân
Nguyễn Bình Phương là một trong không nhiều nhà văn đương đại vinh dự được Viện Văn học, Hội Nhà văn tổ chức hội thảo, tọa đàm khi đang sống. “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại” là tọa đàm phần nào khẳng định vị thế văn chương của tác giả. Các nhà nghiên cứu, phê bình có nhiều kiến giải về tư duy nghệ thuật, lối viết độc đáo của Nguyễn Bình Phương trong bối cảnh chung của văn học Việt Nam sau đổi mới.
Kể từ những tác phẩm đầu tiên ra mắt năm 1991, trong vòng 32 năm qua, nhà văn Nguyễn Bình Phương sở hữu 10 cuốn tiểu thuyết. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thường rất ngắn.
Nói như PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp là anh cô nén trong kiến tạo những cấu trúc đa tầng. Ý thức cấu trúc là một cách biểu đạt rất riêng của Nguyễn Bình Phương. Anh đã trở thành cái tên tiêu biểu khi nhắc tới xu hướng cách tân nghệ thuật với lối viết biến ảo linh hoạt và sự phá vỡ cấu trúc tiểu thuyết. Nhiều người gọi anh là nhà văn “một mình, một ngựa, một con đường”.
Đi qua đủ mọi cung đoạn nghệ thuật, vị thế tiểu thuyết của tác giả “Một ví dụ xoàng” in đậm trong dấu ấn văn học đương đại dù cho bản thân khi nói về văn chương chỉ nhận mình “kể xong rồi đi”.
“Mình và họ”, tiểu thuyết là câu chuyện về hành trình đi lên đi xuống qua hai chuyến xe của nhân vật Hiếu. Chuyến lên là chuyến đi từ đồng bằng lên miền núi phía bắc, Hiếu đã đi theo dòng ghi chép rời rạc trong nhật ký của anh trai. Chuyến xuống là chuyến đi từ vùng cao về đồng bằng thì câu chuyện lại được kể bằng linh hồn của Hiếu.
“Mình và họ” cũng như “Một ví dụ xoàng” hay “Người đi vắng” là kiểu diễn ngôn ý thức hệ - chia thế giới thành hai phần đối lập, tương phản nhau. Các diễn ngôn mới, kiểu văn chương mới khác với những gì văn học đối mới đã làm được từ năm 1991. Cái mới này ghi dấu ấn riêng biệt cho Nguyễn Bình Phương trong văn học đương đại. Nhiều nhà nghiên cứu văn học kỳ vọng, sau Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương sẽ đưa văn học Việt đi xa.
Trong cuộc sống, Nguyễn Bình Phương rất gần gũi. Hôm trước anh bảo: “Anh chỉ ở Quảng Nam một đêm thôi. Sáng mai xong hội nghị là anh ra Hà Nội. Sắp xếp được không, chiều anh em ngồi tý”. Đêm ấy có tác giả “Ma thuật ngón” Trần Tuấn, có cả nhà thơ Văn Công Hùng nổi tiếng ở Tây Nguyên, Nguyễn Bình Phương khác hẳn, anh ngồi thật lâu, đàm đạo và nhâm nhi nhiều. Sáng ra anh lại bảo: “Vội vàng quá, chả ngồi nói chuyện được với nhau. Khi nào đó có dịp nhớ ghé anh ngồi trò chuyện”.