Chuyện của chúng tôi

VÕ HÀ 23/07/2023 08:41

Đọc tự truyện “Chuyện của chúng tôi” của nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, để hiểu sâu hơn quá trình phát triển của đất nước trong thời kỳ mới...

Tập sách “Chuyện của chúng tôi” của tác giả Võ Hồng Phúc.
Tập sách “Chuyện của chúng tôi” của tác giả Võ Hồng Phúc.

Khi đọc tập sách “Chuyện của chúng tôi” của Võ Hồng Phúc - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (giai đoạn 2002 - 2011) do NXB Hội Nhà văn và Công ty Alpha Books phát hành năm 2023, tôi liên tưởng ngay đến một vị bộ trưởng khác, người xứ Quảng, đó là Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Lao động (8/1945 - 3/1946) và Bộ trưởng Bộ Tài chính (3/1946 - 6/1958) của Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Vì sao? Vì Lê Văn Hiến cũng có một tập sách thuộc thể loại này, đó là “Nhật ký của một bộ trưởng” (NXB Đà Nẵng và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát hành năm 2003) mà tôi cho rằng có sức ảnh hưởng nhất định đối với việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam hiện đại. Qua đó chúng ta có góc nhìn đối sánh việc hai nhật ký này vào hai thời điểm lịch sử khác nhau, nhưng cùng có những điểm tương đồng về “tâm thế” của người trong cuộc.

Đối với Lê Văn Hiến là thời kỳ đầu của một nhà nước non trẻ, huy động nguồn lực cho kháng chiến (1946 - 1951); còn Võ Hồng Phúc là câu chuyện về thời kỳ Việt Nam thực hiện đổi mới, tìm nguồn lực phát triển đất nước, nhất là nguồn lực từ bên ngoài trong điều kiện đất nước gặp rất nhiều khó khăn.

Bạn đọc sẽ thấy rằng, vào cả hai thời kỳ này, những người trong cuộc đều sống đầy chất lý tưởng, vì một Việt Nam độc lập, hùng cường. Qua đây cho thấy “điều kiện” tiên quyết cho phát triển, đó chính là một bộ máy nhà nước theo hướng kỹ trị, năng động, sáng tạo, hoạt động có trọng tâm, đúng với yêu cầu của đất nước. Đây cũng là một bài học cần luôn được nhắc lại của Việt Nam hôm nay và ngày mai.

Tập sách của Võ Hồng Phúc, ngoài chuyện quê hương, tuổi thơ, chủ đề xuyên suốt của câu chuyện là lịch sử quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cách kể chuyện chân thật, ngắn gọn, sinh động, nhẹ nhàng, nhân văn, thể hiện tấm lòng nhiệt thành của ông với khát vọng phát triển đất nước.

Mặc dù không đề cập nhiều nội dung liên quan đến quan điểm của Nhật Bản trong quan hệ với Việt Nam, nhưng qua các chi tiết nhỏ cho thấy một Nhật Bản có trách nhiệm, uy tín, đặc biệt là không phân biệt chế độ xã hội trong hợp tác.

Trước năm 1975, Nhật Bản có quan hệ hợp tác với cả Việt Nam Dân chủ cộng hòa (miền Bắc) và Việt Nam Cộng hòa (miền Nam). Ở miền Bắc, Nhật Bản bí mật hợp tác với Việt Nam trong việc cử “Đoàn chuyên gia kinh tế đặc biệt” năm 1972 để hợp tác về kỹ thuật.

Ở miền Nam, Nhật Bản hợp tác mạnh mẽ trong việc viện trợ, hỗ trợ nguồn vốn xây dựng các công trình mang tính dân sinh, phát triển xã hội, nông ngư nghiệp. Điều đáng chú ý là sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, Nhật Bản đề nghị Việt Nam trả khoản nợ 45 tỷ Yên mà Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã vay Nhật Bản để xây dựng thủy điện Đa Nhim và một số dự án khác.

Mặc dù, lúc ban đầu Việt Nam không chấp nhận, nhưng phía Nhật Bản kiên quyết không đồng ý và cho rằng, vậy ai là người kế thừa trên phương diện pháp lý của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Sau đó Việt Nam đồng ý nhưng xin xóa khoản nợ này, nhưng Nhật Bản lại không đồng ý, vì họ không có thông lệ xóa nợ nhằm đảm bảo đề cao trách nhiệm sử dụng hiệu quả vốn vay từ Nhật Bản.

Cuối cùng, Việt Nam chấp nhận trả khoản nợ này, đây là điều cốt lõi để Nhật Bản tuyên bố nối lại viện trợ phát triển cho Việt Nam, và từ đó quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, là nhà viện trợ hàng đầu cho Việt Nam và tích cực hỗ trợ Việt Nam.

Khép sách lại, người đọc sẽ có những câu hỏi khác về tình hình Việt Nam. Điều dễ dàng nhận thấy là Nhật Bản luôn có tinh thần hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách, mở cửa, đối mới, chẳng những chính mình sớm nối lại viện trợ cho Việt Nam vào đầu những năm 1990 mà còn kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm có chính sách tương tự với Việt Nam; thậm chí đầu năm 2000 khi thấy Việt Nam chậm cải thiện hành lang pháp lý, họ đã không nản chí mà còn cùng Chính phủ Việt Nam tìm giải pháp tháp gỡ những vướng mắc thông qua việc thành lập Sáng kiến Việt - Nhật và thực hiện từ năm 2003 cho đến hiện nay.

VÕ HÀ