Những câu chuyện từ làng biển cổ xứ Quảng

ANH QUÂN 16/07/2023 08:14

Là người “cả đời sống đắm mình” trong làng biển cổ Nam Ô, tác giả Đặng Phương Trứ một đời nhặt nhạnh, gom góp để lưu giữ giá trị quê xứ qua tập sách “Nam Ô và những chuyện kể” cho đời sau.

Bìa tập sách “Nam Ô và những chuyện kể”.
Bìa tập sách “Nam Ô và những chuyện kể”.

Giữ chuyện xưa

Nam Ô nằm phía Nam đèo Hải Vân - là một trong những mảnh đất mang đậm dấu ấn giao thoa Chăm - Việt, nhất là từ khi vua Chăm Chế Mân dâng sính lễ là 2 châu Ô, Lý để cưới công chúa Huyền Trân đời nhà Trần - năm 1306, sau đổi thành hai châu Thuận, Hóa.

Nơi đây cũng ghi dấu chiến công đầu tiên của đại quân Lê Thánh Tông trong công cuộc bình Chiêm năm 1471, hình thành nên đạo thừa tuyên Quảng Nam của Đại Việt. Với vị trí địa lý và lịch sử đó, Nam Ô gìn giữ trong mỗi tên đất, tên sông… những giá trị văn hóa - lịch sử vô cùng to lớn của xứ Quảng.

Tuy nhiên, với những biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội, nhất quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, Nam Ô cũng chịu những sức ép lớn về sự mai một những giá trị vật thể và phi vật thể.

Là người con sinh ra, lớn lên và công tác trong ngành văn hóa tại quê hương Nam Ô, tự nhận mình là người “quan tâm quá đáng” về quê xứ của mình, nên ông Đặng Dùng - với bút danh Đặng Phương Trứ, viết lại những câu chuyện được nhiều thế hệ lưu giữ, kể lại, tập hợp thành cuốn sách “Nam Ô và những chuyện kể” (NXB Đà Nẵng, 2022).

Những câu chuyện trong cuốn sách được chia thành 3 phần “Nam Ô quê xứ”, “Dấu tích” và “Những di tích”, cùng phụ lục về tên gọi, nghề nghiệp, đặc sản, lời ăn tiếng nói… mang đậm dấu ấn lịch sử với việc “tầm chương trích cú” một cách công phu, tỉ mỉ, cẩn trọng; đồng thời phảng phất hơi thở dân gian mộc mạc, gần gũi…

Tác giả trải lòng: “Những chuyện kể là ký ức quê xứ dưới đây chưa sâu, chưa đủ, có thể chưa hẳn là hồn phách như mong muốn nhưng ít ra cũng là ký ức chân thành về một làng biển cổ hiếm hoi còn sót lại, mà mỗi con sóng, hòn đá, rừng cây, giếng nước, đình, lăng, chùa miếu đều mang chút hồn văn hóa, đang kêu gọi chúng ta đừng lãng quên!”.

Tên đất, tên làng

Trong những câu chuyện kể, người đọc bắt gặp những tên đất, tên núi, tên sông biến thiên qua dòng chảy lịch sử, qua thơ ca hò vè dân gian, để hồi ức về một vùng đất này chảy suốt.  Như khi đi từ cái tên Hoa Ổ (Ba Ổ) đến Nam Ô, tác giả Đặng Phương Trứ lý giải: “Tên Nam Ổ, xuất hiện lần đầu tiên vào năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) như “Đại Nam nhất thống chí” đã ghi ở mục nhà trạm: “Trạm Nam Ổ: đặt ở xã Cu Đê, nguyên trước là trạm Cu Đê… Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên trạm Nam Hoa, Thiệu Trị thứ 1 (1841) đổi tên như hiện nay.” (…) Trạm Nam Ổ là một trong 7 trạm ở tỉnh Quảng Nam thời bấy giờ kể từ phía bắc xuống phía nam, các nhà nghiên cứu hay gọi là “Quảng Nam thất trạm”: Chơn, Ổ, Giáng, Phước, Ngọc, Kỳ, Vân theo nguyên tắc đặt tên nhà trạm rất khoa học từ thời vua Minh Mạng thứ 3 là bắt đầu là tên tỉnh - chữ Nam trong Quảng Nam ghép với 1 chữ trong tên làng. Trạm Nam Hoa trong Hoa Ổ đã đổi tên thành Nam Ổ để tránh kỵ húy mẹ vua… Còn theo các cụ túc nho trong làng thì từ Ổ là cách cấu tạo “hội ý” của chữ Hán, gồm bộ Thổ (土) và hài thanh Ô (烏) đọc là (塢) Ổ có nghĩa là Cồn. Hoa Ổ là Cồn Hoa. Không biết Thổ (土) là đất, mất từ hồi nào mà thành (烏) Ô là con quạ. Con quạ đứng một mình và kêu: “Nam Ô - không phải là phía Nam châu Ô đâu”!

Hoặc khi nói về “núi cấm rừng thiêng” mang đậm màu sắc kỳ bí, linh thiêng, nhưng để lại nhiều bài học về bảo tồn thiên nhiên: “Có nhiều chuyện kể về các vị lão làng đã đột tử sau khi quyết định cho phép chặt cây để sử dụng cho việc công của làng xã mà không thiết lễ xin phép, người dân trong làng lấy đá gành này về sử dụng việc riêng kè bờ rào, ngư dân làm ông táo nhóm bếp thì y như rằng sẽ gánh lấy tai họa, cháy nhà, chìm ghe, làm nghề thất bát. Dân gian đồn rằng đó là do thần rừng không thuận ý. Điều ấy giải thích vì sao, trong hoàn cảnh thiếu chất đốt trầm trọng một thời trong sinh hoạt của dân làng, mà gành đá Nam Ô vẫn nguyên màu xanh tốt rậm rạp”.

Trong “Nam Ô và những chuyện kể”, tác giả Đặng Phương Trứ còn khắc họa rõ nét sự hình thành và phát triển các làng nghề truyền thống, làm nên thương hiệu “Nam Ô” trải qua bao đời như: nghề làm nước mắm, nghề làm pháo, làm guốc mộc Nam Ô… Hay đó là đặc sản gỏi cá mà trên đường thiên lý Bắc Nam, mỗi người như buột miệng nhắc mình phải ghé để ăn một bữa nhớ đời: “Gỏi cá Nam Ô quả là một nghệ thuật ẩm thực mà các vị tiền bối, những con người sành điệu đã chế biến ra, biết chọn những loại cá luôn có sẵn trong vùng, kết hợp tài tình cá với rau rừng hái trên Hòn Phụng (còn gọi là cấm Nam Ô), biết lấy nước luộc đầu cá, lườn cá phối trộn nước ép cá gỏi đầy đủ hương liệu gừng, chanh, tỏi cộng với mè rang, đậu phộng thành một thứ nước chấm, để khi đã chấm cuốn gỏi cá thì không thể nào quên”…

ANH QUÂN