Họa sĩ Khánh An: Tìm bản ngã trong màu sắc
Trong những ngày đầu tháng 7 này, giới mộ điệu thủ đô được thưởng ngoạn một triển lãm hội họa đầy thú vị, bởi tác giả của triển lãm là một cây cọ mới 15 tuổi đến từ phố cổ Hội An.
Sinh năm 2008, Nguyễn Phạm Khánh An xuất thân trong gia đình có cha là họa sĩ, mẹ là nhà thiết kế thời trang và trang sức. Khánh An tiếp thu và đam mê nghệ thuật từ gia đình như một lẽ tự nhiên.
Là cô bé có cá tính rất mạnh ngay từ lúc còn nhỏ, những tấm vẽ nguệch ngoạc mang sắc màu lạ mắt của Khánh An đã báo hiệu năng khiếu mỹ thuật bẩm sinh. Tuy nhiên, là tay nghề từng trải và đầy kinh nghiệm nên họa sĩ Nguyễn Hữu Thấu - ba của Khánh An không vội can thiệp. Anh đã để cho con gái của mình tự phát triển theo sở thích riêng. Đây là phương pháp hoàn toàn hợp lý, thuận theo tự nhiên đối với lứa tuổi thiếu niên.
Triển lãm đầu tay nơi xứ người
Nguyễn Phạm Khánh An sinh ngày 1/4/2008 tại TP.Hội An. Triển lãm đầu tay: “Vùng an toàn” (Safe Zone) tại thành phố Hamburg, Đức; tham gia triển lãm “Thời đại chúng ta đang sống” - những sáng tác trong giai đoạn dịch COVID-19 vào tháng 11/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Tôi đang tìm tôi” (Finding Myself) diễn ra từ ngày 8 - 12/7/2023 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam, TP.Hà Nội.
Câu chuyện bắt đầu từ những ngày lock-down trong đại dịch COVID-19, gia đình Khánh An lên tạm cư giữa núi rừng Mỹ Sơn. Ở lứa tuổi thiếu niên đang bay nhảy, hoạt động tự do ngoài trời bỗng dưng bị gò bó trong bốn bức vách nhà, sự buồn chán đến với cô bé là lẽ đương nhiên.
Để đốt những khoảng thời gian trống rỗng vô vị, được mẹ khuyến khích, Khánh An lao vào vẽ, chủ yếu để giải tỏa tâm lý trước nhiều biến động của cuộc sống.
Chị Phạm Thị Hòa - mẹ của Khánh An cho biết: “Cháu thích vẽ ngay từ khi còn nhỏ. Ngoài ra cháu còn thích đọc sách, nghe nhạc, đàn hát, như mọi trẻ con khác trong lứa tuổi mới lớn.
Thấy cháu vẽ, chúng tôi cũng cho rằng đây là cách để cháu giải trí nên để cháu tự nhiên phát triển. Nhưng một hôm khi xem lại những tấm tranh cháu đã hoàn thành, vợ chồng chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy được bức tranh cháu vẽ thực sự là những tác phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích cháu vẽ thêm những tấm tranh mới”.
Cơ duyên tình cờ đến, khi một người bạn đã gởi những tấm ảnh chụp tranh của Khánh An đến cho nữ điêu khắc gia người Đức Franziska Cordts, đồng thời là người sáng lập “Hiệp hội hỗ trợ dành riêng cho phụ nữ trong lĩnh vực nghệ thuật” (Cordts - Art - Foundation) tại Đức. Khá ấn tượng với những tấm tranh của cô bé, Franziska Cordts tìm cách liên lạc với gia đình và mời cô bé mang tranh sang Đức triển lãm.
“Mang chuông đi đánh xứ người” triển lãm cá nhân đầu tay của họa sĩ Khánh An với chủ đề “Vùng an toàn” (Safe Zone) tại thành phố Hamburg, đã mang lại nhiều sự bất ngờ đầy thú vị cho giới thưởng ngoạn nghệ thuật của nước Đức. Nhiều tác phẩm của cô bé tài năng này đã được giới sưu tập tại đây “gắn nơ” cũng là lẽ đương nhiên.
Bà Franziska Cordts chia sẻ: “Tôi khá có ấn tượng về cách lựa chọn chủ đề, được trình bày mạnh mẽ và đầy đam mê, rất phù hợp với một cô gái ở độ tuổi này, nhưng được diễn tả một cách dí dỏm và quyến rũ, khiến tôi muốn xem thêm. Tất nhiên, họa sĩ này đã từng chiêm ngưỡng tác phẩm của Picasso, nhưng vì đến từ Việt Nam nên tranh của bạn được phép trưng bày mà không sợ bị chỉ trích là thiếu tôn trọng.
Các nét gãy và cấu trúc lập thể rất tươi mát. Những tấm tranh khổ lớn hơn gửi đến Hamburg vài tháng sau đó có bố cục rất hài hòa. Chúng tôi đã mời cô ấy đến triển lãm tại văn phòng “Hiệp hội Cordts-Art-Foundation” của chúng tôi.
Khách tham dự triển lãm rất thích thú về câu chuyện này, các bức tranh hiện đang được sưu tập và trưng bày tại nhiều địa điểm ở Đức. Tất cả chúng tôi đều muốn tham dự khi tài năng này triển lãm. Chúng tôi muốn tham gia và chung vui với hành trình nghệ thuật của cô gái trẻ này”.
Đi tìm chính mình
Trở về từ Đức, Khánh An tiếp tục tham gia triển lãm “Thời đại chúng ta đang sống - Những sáng tác trong giai đoạn COVID-19”, tại thủ đô Hà Nội. Lần này, Khánh An trình 38 tranh vẽ bằng acrylic trên toan, trong triển lãm với chủ đề “Tôi đang tìm tôi” (Finding Myself), tại Hà Nội”.
Qua những tác phẩm của Khánh An, giới thưởng ngoạn có thể nhận ra sự chuyển đổi từ tư duy, bút pháp cho đến phong cách thể hiện trong quá trình phát triển. Nhóm chủ đề về gia đình được Khánh An đặc tả bằng hình ảnh cây bút và điếu thuốc trên tay của ba, cái bụng đang mang bầu của mẹ, đặc trưng và tinh tế nhất là những khuôn mặt mang sắc thái biểu cảm khác nhau của cả ba và mẹ qua tác phẩm “Ba & Mẹ”.
Chuyến đi Tây Bắc cùng gia đình có lẽ gây ấn tượng mạnh với Khánh An trong tấm tranh cực kỳ dễ thương “Sắc màu Tây Bắc”, được Khánh An miêu tả lại bằng hình ảnh của mình - Happy và cô em gái Lucky trong bộ trang phục đặc trưng vùng Tây Bắc.
Trong nghệ thuật, sự chịu ảnh hưởng gián tiếp hay trực tiếp phong cách, đường nét, hoặc mảng màu của những nghệ sĩ gạo cội thế hệ trước là điều không thể tránh khỏi. Khánh An cũng vậy, cây cọ này chịu ảnh hưởng trường phái Lập thể của “tay tổ” Pablo Picasso.
Nhưng sự khác biệt cũng được thấy rõ khi Khánh An đã kết hợp khéo léo giữa Pop-Art và Lập thể một cách hài hòa, qua các tác phẩm “Ban nhạc của tôi”, “Happy & Lucky” “Pob & Happy”. Pob là chú mèo cưng của gia đình Khánh An.
Tuy vậy, trong sáng tác nghệ thuật, cảm xúc tự thân là điều quan trọng nhất. Để làm rõ điều này xin được dẫn lại đôi lời của họa sĩ Lê Vấn, một họa sĩ có bề dày kinh nghiệm và thực tế sáng tác: “Cái hay của loạt tranh này là lớp hình ảnh, màu sắc lấp lánh, huyền ảo của tuổi thơ, phủ lên những hình màu trên từng tranh cụ thể, dẫu chưa thống nhất về bút pháp. Có thể ai đó sẽ liên hệ tranh của Khánh An với tính hồn nhiên trong tranh Dã thú, sự kỳ ảo trong tranh Lập thể…
Nhưng biết đâu ta phải nghĩ theo chiều ngược lại, bởi các trường phái kia cũng là sự trở lại cái nhìn thơ ngây như tuổi của Khánh An. Người xem thích thú bởi những điều như thế, nó níu kéo chúng ta trở lại với những cảm xúc mà qua thời gian vô tình ta đã đánh mất đi”.
Qua loạt tranh của họa sĩ Khánh An trong triển lãm lần này, giới thưởng ngoạn cũng cảm nhận được thế giới nội tâm, những suy tư của một cô bé đang lớn, sống trong một thế giới đương đại luôn thay đổi từng ngày. Ở đó, ta thấy có sự băn khoăn pha lẫn chút buồn. Cái nỗi buồn của con trẻ khi một ước muốn nào đó chưa đạt được, khi chưa tự hiểu được kể cả chính mình. Như một lẽ đương nhiên, cô bé phải tự “Đi tìm chính tôi” (finding myself).
Nhưng trên hết, trong tranh của Khánh An ta thấy được sự ngây thơ, hồn nhiên, pha chút lãng mạn của một thiếu nữ đang độ tuổi trăng tròn. Cũng từ trong tranh Khánh An, ta nhận chân rằng tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ trong tâm hồn mỗi cá nhân là những tác phẩm trong trẻo nhất, xúc cảm nhất và chân thật nhất.