Tháng Bảy, nhớ Văn Cao...

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 09/07/2023 08:11

Tháng Bảy này, tròn 28 năm người nhạc sĩ tài hoa rời xa cõi tạm. Văn Cao đã đi xa nhưng những nhạc phẩm của ông vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm của những người mộ điệu.

Ảnh bìa một băng cassette nhạc Văn Cao. Ảnh: TBT sưu tập
Ảnh bìa một băng cassette nhạc Văn Cao. Ảnh: TBT sưu tập

Đó cũng là hạnh phúc viên mãn của tác giả “Quốc ca Việt Nam” một nghệ sĩ đa tài, bởi chưng không chỉ là một nhạc sĩ, Văn Cao còn là một họa sĩ, thi sĩ với nhiều tác phẩm giá trị khiến hậu thế phải ngưỡng mộ.

Trên con đường tân nhạc

Nửa đầu thế kỷ 20, được tiếp cận với âm nhạc phương Tây, các văn nghệ sĩ Việt Nam bắt đầu viết lời Việt cho những bản nhạc ngoại quốc du nhập vào nước ta. Từ giữa thập niên 30 trở đi, họ bắt đầu sáng tác và quảng bá nhạc Việt do các nhạc sĩ trong nước sáng tác.

Tuy nhiên, họ không chỉ sáng tác nhạc hoàn toàn Tây phương như đã được tiếp cận. Hầu hết trong số họ đều có xu hướng sáng tác một nền tân nhạc kết hợp với âm nhạc cổ truyền, mang âm hưởng nhạc dân tộc trong các tác phẩm của mình.

Khán thính giả trong nước bắt đầu biết đến tân nhạc và những nhạc sĩ: Lê Thương, Văn Cao, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Trọng Khương, Hoàng Nguyên, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Hoàng Trọng, Ngọc Bích, La Hối, Phạm Đình Chương…

Thế hệ đầu tiên của nền âm nhạc nước ta chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Nho học từ chương, nên thính giả sẽ không lạ lẫm khi được nghe thấy những chuyện xưa tích cũ bàng bạc đâu đó, được trích dẫn trong ngôn từ ca khúc họ sáng tác. Văn Cao cũng không hề là ngoại lệ, trong đó nổi tiếng nhất là nhạc phẩm “Thiên Thai”.

Với “Thiên Thai”, Văn Cao dùng giai điệu để chuyển tải lại câu chuyện hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi vào núi hái thuốc. Tình cờ, hai chàng gặp phải tiên nương, họ cùng vui vầy, chung sống với nhau. Một thời gian sau nhớ về trần thế hai chàng rời cõi tiên tìm về nơi cũ. Hỡi ôi! Thời gian trôi đi đã 600 năm.

Ông khởi đầu bản nhạc bằng cung Rê thứ (Dm), với nhịp độ chậm vừa (lento), mang sắc thái biểu cảm, nhẹ nhàng (expressivo), chậm nhưng không buồn. “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng/ Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên/ Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên, theo gió tiếng đàn xao xuyến/ Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền/ Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền”.

Câu chuyện được Văn Cao dẫn nhập vào các phiên khúc tiếp theo. Một khung trời huyền ảo của chốn bồng lai tiên cảnh dần hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Đâu đó chiếc thuyền con ẩn hiện, chơi vơi dưới những cánh đào rơi trong sương khói.

Cuộc hạnh ngộ giữa tiên - nhân được ví như bướm hoa tao ngộ giữa chốn thiên thai, khiến tâm hồn người lữ khách chơi vơi, quên đi cõi thế tục. “Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào tiên/ Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn”.

Cuộc vui vốn thường qua nhanh, sự hối hả tận hưởng được Văn Cao chuyển tấu bằng cung điệu Rê trưởng (D) và nhịp độ nhanh (allegro) trong một đoạn ngắn, rồi trở về nhịp điệu cũ trong đoạn kết. Bởi, cuộc tao ngộ nào rồi cũng có chia ly, cũng có nỗi buồn xé ruột, cho dù là tiên thánh hay người trần.

Cuối cùng, chuyện tình tiên - nhân kết thúc trong sự tiếc nuối, và nỗi nhớ nhung hằn sâu trong tâm thức những người trong cuộc “Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về/ Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao/ Những khi chiều tà trăng lên/ Tiếng ca còn rền trên cõi tiên”.

Những giai điệu sang trọng

Không chỉ riêng “Thiên Thai”, sự đa tài của Văn Cao còn ở những câu chuyện lãng mạn trong “Bến xuân”, “Cung đàn xưa”, “Làng tôi” với những giai điệu, cung bậc khác nhau. Với “Suối mơ”, ông dẫn thính giả vào một khung trời mơ mộng, thanh thoát bằng những giai điệu trầm bổng tuyệt vời. Khác hẳn với “Trương Chi” mang tính bi kịch, buồn bã, “Mùa xuân đầu tiên” mang đến cảm xúc lâng lâng hạnh phúc của ngày được chứng kiến đất nước hoàn toàn thống nhất.

 Ngoài “Tiến quân ca”, những nhạc phẩm như “Trường ca sông Lô”, “Tiến về Hà Nội” cũng là những câu chuyện được Văn Cao với tư cách là người trong cuộc kể lại bằng âm nhạc, mang tính chất hào hùng của dân tộc trong một thời đấu tranh giữ nước.

Cho dù bất kỳ ở thể loại nào, nhạc Văn Cao luôn sang trọng là điều giới âm nhạc Việt phải công nhận. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng thổ lộ: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư”.

Nhạc sĩ Phạm Duy là một người bạn thân thiết của Văn Cao, đồng thời cũng là người luôn tranh đua với ông trong sáng tác âm nhạc. Văn Cao viết “Trương Chi”, Phạm Duy viết “Khối tình Trương Chi”. Văn Cao viết “Thiên Thai”, Phạm Duy cũng chẳng kém cạnh viết “Tiếng sáo Thiên Thai”, phổ thơ Thế Lữ.

Nhạc phẩm nào của hai ông cũng toàn bích, chẳng ai kém tài ai, được công chúng ngưỡng mộ. Thế nhưng, Phạm Duy cũng phải nể phục tài ba của Văn Cao. Ông nói rất ngắn gọn: “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều”.

Chịu ảnh hưởng của phong cách âm nhạc cổ điển phương Tây, mang âm hưởng phương Đông nên nhạc Văn Cao mang một sắc thái riêng biệt, do vậy rất kén chọn ca sĩ thể hiện. Ngày trước có các ca sĩ Kim Tiêu, Thái Thanh, Hoàng Oanh, Ý Lan..., mươi năm sau chỉ có thêm ca sĩ Ánh Tuyết là đủ nội lực và chất giọng để chuyển tải các nhạc phẩm của ông một cách trọn vẹn. Sau Ánh Tuyết dường như nhạc Văn Cao khuất dần trên các sân khấu ca nhạc. Âu cũng là điều đáng tiếc.

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ