Sóng nước vỗ chi mà buồn thê lương

LÊ TRÂM 01/07/2023 22:27

Cảm nhận của tôi trong lần đầu đọc truyện ngắn Tống Phước Bảo: day dứt, buồn bã, ám ảnh… Đó là những điều nhiều nhà văn rất muốn sở hữu.

Bìa tập sách “Linh đinh tình phù sa”.
Bìa tập sách “Linh đinh tình phù sa”.

Trên cái nền một Nam Bộ mênh mang sông nước, những cơn gió mải miết thổi lướt trên những dề lục bình thê thiết trôi quanh năm, những phận thương hồ rày đây mai đó, những thân phận linh đinh bởi bị buộc phải rời bỏ quê xứ đi xa tít mù, trong chiến tranh và ngay cả trong thời bình, ngày một xao xác cứ trở đi trở lại, thao thiết, đau thắt lòng trong cả tập “Linh đinh tình phù sa” (NXB Thế giới – 2022). Có phải vì như lời Bảo nói: “Má em thích kiểu nhà bếp với cái sàn nước nhìn ra khu vườn”? Hổng lẽ từ đây mà nhìn thấu bao số phận…

Một vùng sông nước minh mông

Là một vùng Xà No xa tít mù có nhiều cái ngộ. “Nhiều khi nói chuyện hông biết mình đang nói tiếng gì. Mạnh thầy cô nói tiếng Việt, đám học trò cứ thỉnh thoảng quay qua xí xô xí xào những âm thanh lạ tai như thể thầy cô cần cái dĩa bay để trở lại hành tinh mình” (Như lục bình trôi).

Cứ thế, rộn ràng bao nhiêu mùa lễ Ook Om Bok trôi qua. Một con kinh dài ngút ngát, cứ một ngàn mét lại có một sườn kinh chia dòng nước vào “đồng sâu ruộng cạn”. Kinh đầu mang tên Một Ngàn, chết thành tên xóm. Cứ thế càng vào sâu tên càng lớn, đến tận Mười Bốn Ngàn, có khi còn gọi cho hết cái mịt mù mang tên Mười Bốn Ngàn Rưỡi luôn.

“Trời xa dữ lắm, mình sườn Bốn Ngàn, chạy lên tới Mười Bốn Ngàn Rưỡi là đuối nghe con” (Như lục bình trôi). Mỗi sườn kênh cơ chừng có một “sắc thái” riêng biệt. Như ở sườn Bảy Ngàn trong câu chuyện của những Út Lệ, Tư Thơm, bà Hai Bưng, thằng Mót.

Một câu chuyện dài và phức tạp rồi cũng đến hồi kết thúc kiểu “happy end”: “Tư Thơm bỗng ghé nhà Út trong một buổi chiều tàn hạ, lặng mù u trút đợt hoa cuối trắng muốt một khúc sông, với câu trả lời rụt rè khi nghe bà Hai Bưng chất vấn: - Dạ.. dạ đưa vợ đi đẻ!” (Ong bầu đậu đọt mù u).

Tống Phước Bảo chia sẻ, khi ngồi trên chuyến phà đêm Châu Giang: “Mình chỉ là một dòng phù sa của muôn triệu dòng phù sa đang chảy tràn khắp miệt đồng bưng châu thổ. Tôi đem đến những điều dung dị, chất phác và hào sảng như là bản tính vốn dĩ của người Cửu Long đã ăn sâu vào gốc rễ nội tâm và căn cơ chính mình”.

Tôi cứ hình dung, vào mùa gió chướng cả vùng sông nước minh mang ấy chắc sẽ dội lên bao nỗi buồn qua những câu chuyện kể, qua những tiếng đờn kìm và giọng hò/ cải lương vang lên buồn não: “Nước rằm chảy thấu Nam Vang/ Mù u chín rụng sao chàng bặt tăm?”; “Hò ơi… Canh chầy tơ tưởng tưởng tơ. Chiêm bao thấy bậu…Hò ơi… chớ chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không…”; “Đò sang sóng cuộn lòng đau, Bậu qua sông vắng, mưa dầm đời nhau”…

Trôi nổi những phận người

Từ những cuộc ra đi giữa hồi chiến tranh, chiến đấu vì dân vì nước như ba của Bế Hai trong “Dòng trôi” ; hoặc đến rồi ra đi biệt tăm của những người đàn ông như tía của thằng Bạc trong “Như lục bình trôi”. Má nó nói tía bận công chuyện, rồi thì “coi như tía nó chết rồi! (Như lục bình trôi). Hoặc đi xa tít mù (theo lời Út Bốn); cái xứ mù khơi tận nửa vòng trái đất, nhưng kỳ thực không ai hiểu rồi Út Bốn lưu lạc tận những đâu (Mùa so đũa trổ bông).

Hoặc chú Tám Đò trong “Đò qua sông vắng”, một cuộc đi vô cùng đơn giản mà sao cứ thăm thẳm dòng trôi: “Chú Tám Đò khép lại cái cổng rào, xuôi ghe đi đâu biền biệt”. Hoặc đến, rồi đi như kiểu tay nhà báo kiêm thi sĩ từng đề bút làm thơ tặng cho người ta treo khắp mọi nhà, vừa kịp đổi tên cái cù lao heo hút mang cái tên thơ mộng Ốc Trăng Mơ cùng mối tình đẹp không kém với một cô gái, ra đi khi vừa kịp để lại một hoài thai mới trên miền sông nước xa xôi (Ráng chiều cù lao).

Có những cuộc ra đi nghe cứ nhẹ bâng. “Cái năm ông đi Nam Vang rồi không về nữa”. Là cái năm ngoại mang bầu Út Lệ. “Chồng đi làm ăn xa, ghen bóng ghen gió thành ra gia đình hỏng ấm êm. Cứ còn về là còn chồng mình. Chừng đi luôn, thì là chồng người ta” (Ong bầu đậu đọt mù u).

Vậy mà cứ đành lòng đi thiệt! Rồi những nổi trôi của những cô gái mệnh danh ca sĩ một thời xuôi theo các gánh hát, hoặc những cô đào “đóng khác vai” giới tính trong các gánh lô tô, xuôi ngược miệt mài đến khi mỏi gối chồn chân mới tấp đại vào một thẻo đất xa xôi, vô danh nào đó sống tiếp những ngày cuối đời. Và, không hiếm những phận người cứ trôi nổi, linh đinh mặc dù đang sống chính quê xứ của mình.

Nhưng, đọng lại vẫn là những ân tình luôn gắn bó mọi người với nhau như lời tự sự của một nhân vật trong “Ráng chiều cù lao”: “Tui là dân cù lao, ngàn vàng cũng không đổi được cái gốc tích cù lao của tui. Hồi tía mất, tía nói cù lao mình sóng nước mênh mông, gió lùa lào xào. Gió lùa quẩn quanh cù lao rồi gió theo dòng mà ra sông. Sóng có vỗ bờ ì đùng rồi cũng chỉ là nước mà thôi. Lòng mình nặng hay nhẹ cũng là do mình mà má”.

Đọc, sẽ cảm nhận sóng nước vỗ chi mà buồn thê lương.

LÊ TRÂM