Ảnh báo chí của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á

LÊ VĂN CHƯƠNG 22/06/2023 09:21

(ĐS 21/6) - Ngày 19/5/2023, Bộ VH-TT-DL tổ chức trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2021. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á được trao Giải thưởng Nhà nước với tập sách ảnh “Họ đã sống như thế”. Nguyễn Á luôn chụp những tấm ảnh mang tính thời sự.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tại một cuộc triển lãm ảnh năm 2022 tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Văn Chương
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tại một cuộc triển lãm ảnh năm 2022 tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Văn Chương

Mê ảnh, quên yêu

Cao điểm đại dịch COVID-19 năm 2021, tại những điểm nóng, bao trùm không khí chết chóc, mệt mỏi, căng thẳng, Nguyễn Á với dáng người cao dong dỏng, bước đi thoăn thoắt xuất hiện để bấm máy ghi lại khoảnh khắc của cuộc chiến. Anh cũng thường xuất hiện ở những nơi xa xôi, khó khăn, nguy hiểm. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt và tên tuổi nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Hãy nhìn vào cuốn sách ảnh chụp thời điểm COVID-19 là hiểu được tốc độ di chuyển và công việc của Nguyễn Á. Sau khi chụp tại TP.Hồ Chí Minh, anh đi tiếp ra miền Trung, đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, nơi điều trị ca COVID-19 đầu tiên, tiếp đến là ra tận TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Ông Lê Xuân Thăng - Phó Chủ tịch Hội nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, Nguyễn Á chụp ảnh mang đậm chất liệu đời sống, mang đặc tính báo chí, trong báo chí lại có chất lượng nghệ thuật, nên sẽ tồn tại lâu dài với thời gian. Nguyễn Á đã xuất bản 13 tập sách ảnh, sở hữu trong tay hàng chục giải thưởng ảnh trong nước và quốc tế.

Nguyễn Á sinh năm 1967 trong một gia đình có đến 11 người con tại Sài Gòn. Một số thành viên gia đình đều dấn thân vào nghề hội họa, người anh thứ 6 làm giáo viên nhưng lại mê chiếc máy ảnh nên đi đâu cũng kéo em Á theo hỗ trợ.

Năm 20 tuổi, anh đã học một lần nghề nhiếp ảnh ở thầy Phùng Hiệp. Thời điểm đó chưa có nhiều người làm nghề chụp ảnh, nên anh và người bạn mở tiệm ảnh kiếm cơm, sống khá thoải mái. Những người mẫu anh thường chụp sau này đều là những ngôi sao Diễm Hương, Thanh Mai, Việt Trinh, Lý Thu Thảo…

Vài năm trước gặp tôi, anh kể về dự án cá nhân đang theo đuổi, đó là đi khắp đất nước chụp những tấm gương vượt trên số phận. Lần gặp sau đó thì anh chia sẻ về việc chụp 100 chân dung người phụ nữ tiêu biểu ở Việt Nam… Có lúc tôi ngừng hỏi chuyện nghệ thuật, rồi chuyển sang “chuyện yêu”. Nguyễn Á nói, “từ từ, chắc… để tính”.

Năm 2014, sau khi Trung Quốc vừa rút giàn khoan Hải dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhiều nhà sách Fahasha đã xuất hiện cuốn sách ảnh của Nguyễn Á, trong đó có những tấm ảnh tác giả chụp ngay trên tàu đánh cá của ngư dân, thời điểm đó các tàu đánh cá vừa treo cờ Tổ quốc, vừa treo cờ màu xanh lam.

Để chụp được các tấm ảnh này, tác giả phải dấn thân, ăn ngủ trên chiếc tàu vỏ gỗ có chiều dài 15 mét, hàng ngày đối mặt với tàu tuần tra Trung Quốc có chiều dài 54 đến 70 mét, liên tục áp sát, dọa đâm va, bao vây cả 3 phía.

Dấn thân

Trong tập ảnh được trao giải “Họ đã sống như thế”, Nguyễn Á khắc họa những con người vượt lên trên số phận. Như ông Lê Văn Hiếp, quê ở tỉnh Trà Vinh là một người tật nguyền với thân thể co quắp.

Ông đã tự mang sách về học, rồi trở thành người thợ sửa chữa đồ điện gia dụng, từ chiếc quạt, tới radio, tivi. Những cậu thanh niên có thân thể lành lặn, nghe danh tiếng của ông đã đến xin được học nghề. Bà con lối xóm nếu bị hư hỏng đồ điện thì đều gọi ông. Ông không những làm ra số tiền đủ nuôi bản thân, mà còn hỗ trợ cho gia đình.

Một tấm ảnh trong cuốn sách “Sài Gòn ngoan cường”. Ảnh: Nguyễn Á
Một tấm ảnh trong cuốn sách “Sài Gòn ngoan cường”. Ảnh: Nguyễn Á

Đại dịch COVID-19 bùng nổ ở TP.Hồ Chí Minh vào giữa năm 2021. Giữa cơn bão kinh hoàng đó, tôi nhắn tin để hỏi chừng thì nhận được tấm ảnh selfie của Nguyễn Á với lời nhắn “tôi vẫn khỏe và đang đi săn ảnh, mỗi ngày phải mặc 3 bộ bảo hộ”. Giữa lúc chết chóc bủa vây như vậy mà đi săn ảnh thì quả là người có “gan” rất lớn.

Sau khi đại dịch lắng xuống, Nguyễn Á triển lãm và xuất bản cuốn sách ảnh “Sài Gòn ngoan cường”. Nếu cần biết Nguyễn Á đã đi đâu, làm gì, xông pha như thế nào trong những ngày đai dịch thì cứ nhìn vào mấy trăm bức ảnh.

Những tấm ảnh chụp ngay trong phòng ICU, những ánh mắt tuyệt vọng, những cái vẫy tay từ biệt, những nụ cười niềm tin, những thiên thần blouse với khuôn mặt đẫm mồ hôi. Sau khi phát hành cuốn sách đó, Nguyễn Á có thêm được nhiều người bạn là các y bác sĩ. Mối quan hệ trải qua vòng sinh tử sẽ là những người bạn chí cốt.

Tháng 7/2021, cứ mỗi ngày mới ở giữa tâm dịch, Nguyễn Á lại đứng lặng trong căn phòng, lắng nghe chính bản thể mình, soi rọi sâu trong tâm tưởng để tự cảm nhận 2 điều: tại sao mình lại làm điều này; cơ thể của mình có gì bất ổn hay không. Chỉ cần ngạt mũi, đau họng, rét run thì xem như sắp nhận bản án tử và lô ảnh đang chụp dang dở của ngày trước sẽ không có người xử lý.

Cơn bão và đau thương đi qua, tôi gặp lại anh tại Hà Nội trong lần cùng ra nhận Giải thưởng Thông tin đối ngoại toàn quốc năm 2021. Anh được trao giải 3 với tác phẩm sách ảnh “Sài Gòn ngoan cường”.

Lần đó, Nguyễn Á hé lộ về ước mơ sẽ sang châu Phi chụp sê ri ảnh những người lính Việt Nam tại Phái bộ Liên hiệp quốc tại Nam Xu Đăng. Ý định trên đã được anh “nuôi” một thời gian dài. Và rồi anh đã bấm những tấm ảnh ngay trong chiếc máy bay khổng lồ màu xám trước khi ngồi dựa lưng vào thành máy bay cùng những người lính để vượt chặng đường 8.000km đi Nam Sudan.

LÊ VĂN CHƯƠNG