Nhà thơ Mai Thìn: "Những con chữ thẳng hàng tiếp cuộc hành quân"…

NGUYỄN TAM MỸ 18/06/2023 06:24

Dù tuổi đã ở ngưỡng 60 nhưng đêm đêm, bên ngọn đèn khuya, Mai Thìn vẫn cùng “những con chữ/ thẳng hàng/ tiếp cuộc hành quân”, như một câu thơ đầy tâm đắc của anh, mới thấu được niềm đam mê con chữ đến cạn cùng...

Chân dung nhà thơ Mai Thìn. Tranh của họa sĩ Nguyễn Tân Quảng.
Chân dung nhà thơ Mai Thìn. Tranh của họa sĩ Nguyễn Tân Quảng.

Cách đây 25 năm, lần đầu tiên tôi gặp gỡ và làm quen với Mai Thìn tại Hà Nội. Còn nhớ, lúc bấy giờ cả hai là “cây bút trẻ” tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ V-1998. Nhà thơ Thanh Quế là bậc đàn anh cũng tham dự hội nghị này và kết nối tôi với Mai Thìn cùng một số bạn viết khác ở miền Trung. Từ đó, Mai Thìn và tôi trở thành hai bạn văn thân thiết.

Làm báo và viết văn

Nhà thơ Mai Thìn sinh năm 1965. Quê quán làng Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tốt nghiệp khoa tiếng Nga, Trường Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ngoài các tập văn xuôi, biên khảo, nhà thơ Mai Thìn là tác giả của cả chục tập thơ đã xuất bản và chuẩn bị xuất bản trong thời gian tới.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Mai Thìn về công tác tại Đài PT-TH Bình Định. Làm báo, lại phụ trách mảng văn hóa - văn nghệ, nhờ thế anh có điều kiện đi khắp nơi, la cà với nhiều người. Tập tản văn và bút ký “Lá rụng buồn tênh” (NXB Hội Nhà văn - 2015), hai tập sách nghiên cứu, biên khảo “Làng ven thành” và “Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành” do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và NXB Khoa học & xã hội xuất bản là kết quả mấy chục năm “đi đây đi đó”, chịu khó tìm hiểu về mảnh đất và con người nơi anh sinh ra, lớn lên.

“Lá rụng buồn tênh”, ngoài một số ít bài viết về các vùng miền khác, còn lại hầu hết là viết về nơi cắt rốn chôn nhau của anh. Mai Thìn rất ưng ý với tập tản văn và bút ký này. Tôi và bạn bè, bạn đọc khác cũng vậy.

Nhà văn Lê Hoài Lương nhận xét về “Lá rụng buồn tênh”: “Tản văn Mai Thìn là hành trình khám phá những rung cảm của cá nhân về vẻ đẹp quê hương. Mai Thìn không dụng công ghi chép những nét quê, nếp nhà tàn phai hay mai một như ý thức lưu giữ. Đơn giản, ông tìm cách giải mã chính mình trong giao hòa cội sinh và ý thức”.

Luôn thường trực trong Mai Thìn là trầm tích văn hóa làng quê với bề dày hiếm có, theo thời gian cứ mai một dần. Cuộc sống hôm nay đã khác ngày xưa. Anh muốn lưu giữ lại bằng cách sưu tầm biên khảo vốn văn hóa dân gian ven thành Hoàng Đế quê anh.

“Làng ven thành” và “Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành” với hơn nghìn trang in là sự kết tinh quá trình lao động thầm lặng, bền bỉ của anh. Đọc “Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành”, người đọc như lần theo từng trang sách để khám phá về phong tục tập quán, về những địa danh gắn liền với bao sự tích, về nết ăn nết ở của người dân quê…

Còn “Làng ven thành”, như tác giả đã giãi bày trong “Lời nói đầu”, “cuốn sách nhỏ này như một niềm tri ân với mảnh đất quê hương, nơi đã góp phần lưu truyền và gìn giữ câu hát bài chòi, tiếng trống chầu cố xứ, miếng bánh ít lá gai, tiếng lục lạc kêu reng rẻng, tiếng bánh tráng bẻ ròn ròn…”.

Vì thế, tác giả “Làng ven thành” đã đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về đất và người Nhơn Thành, những địa danh qua ca dao hò vè, một số tín ngưỡng, phong thổ, nhà cửa, các trò chơi dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian ở vùng quê ven thành Hoàng Đế. Với hai công trình nghiên cứu, biên khảo của mình, Mai Thìn đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ và lưu truyền chuyện quê xưa cho các thế hệ hôm nay, mai sau.

Yêu thơ và nặng nợ với thơ

Mai Thìn bảo với tôi: “Mình yêu thơ và tập tành làm thơ từ thuở còn học cấp 3. Bài thơ đầu tay được đăng trên tập san Áo trắng khi vừa mặc áo sinh viên”. “Còn tập thơ đầu tay xuất bản năm nào?”, tôi hỏi.

Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Mai Thìn.
Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Mai Thìn.

Mai Thìn cho hay, đó là tập thơ “Cổ tích tình yêu” do Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản năm 1991, do nhà thơ Thanh Quế đề tựa. Cũng như các bạn làm thơ trẻ ở dải đất miền Trung lúc bấy giờ, tập thơ “Cổ tích tình yêu” chủ yếu viết về tình bạn, tình yêu và tình quê đong đầy kỷ niệm…

Bây giờ đọc lại tập thơ ấy, hẳn tác giả nhận thấy những non nớt vụng dại đáng yêu của một thời chập chững bước vào làng thơ. Mà không riêng gì Mai Thìn, nhiều cây bút trẻ ngày ấy ở dải đất miền Trung cũng vậy.

Điều đáng mừng và đáng trân trọng là Mai Thìn yêu thơ và nặng nợ với thơ, vì thế anh luôn ý thức tự làm mới thơ mình cả về nội dung lẫn hình thức biểu đạt nên sớm định hình một phong cách thơ riêng. Phần thơ Mai Thìn trong tập “Hai mảnh yêu thương” (in chung với Quang Vĩnh Khương, Hội VHNT Bình Định xuất bản năm 1992) đã có sự thay đổi khá bất ngờ so với tập thơ đầu tay “Cổ tích tình yêu”.

Nhiều năm lặng lẽ đọc thơ Mai Thìn đăng trên các báo, tạp chí rồi in thành tập, tôi nhận ra Mai Thìn không dễ dãi khi làm thơ. Cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, anh mới in tập thơ riêng thứ hai với tựa đề “Đồng quê”.

Sang đầu thế kỷ 21, anh lần lượt xuất bản các tập thơ: “Khúc Sơn ca” (NXB Hội Nhà văn - 2005), “Lặng lẽ xanh” (NXB Hội Nhà văn - 2007), “Thiên đường thơm rèm cửa nhà mình” (NXB Hội Nhà văn - 2015), “Tiếng chim về cũ” (NXB Hội Nhà văn - 2020). Cũng vẫn là thơ tự do, không câu nệ về nhịp điệu vần điệu, nhưng thơ Mai Thìn đã có sự “lột xác” về cách lập tứ, cách biểu đạt và cô đọng chữ đến mức tối đa để đạt đến sự tối giản, tạo nên sức gợi với “ý tại ngôn ngoại”.

Mai Thìn nói: “Điều quan trọng của người sáng tác là không được giẫm lên dấu chân người khác và của chính mình... “Trong tập thơ “Tiếng chim về cũ”, tôi đã bỏ lại những miên man chữ với ăm ắp hình ảnh ẩn dụ, liên tưởng của thể thơ tự do, gần với văn xuôi, và quyết định chọn một giải pháp mới, đó là kiệm lời nhưng nặng về chữ”.

Đơn cử như bài thơ “Hội An” của Mai Thìn vừa hay vừa lạ: “Hội An nắng/ dát lên tường những tiếng chuông/ những chùm hoa tulip treo ngược bờ sông/ cô gái ăn chè khép tà áo dài dưới giàn bông giấy/ mật rót bên vai/ Hội An mưa/ bình lặng/ khung cửa ven đường/ tỏa hương/ buồn buồn vừa rót/ vân vê/ mấy ngón tay gầy/ Hội An trăng/ lững thững những con đường/ vương/ từ trang sách/ lật giữa cuộc đời/ rơi/ ánh mắt cười/ năm cũ”

Là người yêu thơ và nặng nợ với thơ, dù công việc làm báo đầy nhọc nhằn vất vả nhưng Mai Thìn vẫn dành cho mình một khoảng lặng để làm thơ. Bây giờ đã ở ngưỡng “sáu mươi năm cuộc đời”, anh lại gánh vác nhiệm vụ Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, lo công tác phong trào, góp sức “nuôi dưỡng” Tạp chí Văn nghệ Bình Định nhằm tạo nên bản sắc riêng, đọc và thẩm định bản thảo thơ văn của hội viên và cộng tác viên… Những công việc không tên “ngốn” khá nhiều thời gian nhưng anh vẫn tranh thủ làm thơ và tự đổi mới thơ mình bằng một lối đi riêng.

Mai Thìn vừa hoàn thiện bản thảo hai tập thơ “Tạ lỗi với mây xanh” và “Không tự mình thành biển”. Anh cho hay, “Tạ lỗi với mây xanh” viết về chiến tranh và hậu chiến, còn “Không tự mình thành biển” có nội dung xoay quanh vấn đề môi trường. Với Mai Thìn, thơ là niềm đam mê, là cánh rừng chữ đầy bí ẩn, càng khám phá càng hứng khởi bởi bao điều mới lạ và kỳ thú.

Ngưỡng tuổi dưới sáu mươi là đã nhiều từng trải, đã “chín” trong suy nghĩ, vì thế mà thơ anh thường có hàm lượng trí tuệ cao và giàu triết lý nhân sinh. Và đêm đêm, bên ngọn đèn khuya, Mai Thìn vẫn cùng “những con chữ/ thẳng hàng/ tiếp cuộc hành quân”, như một câu thơ đầy tâm đắc của anh.

NGUYỄN TAM MỸ