Những nỗi niềm trong "Ngày không gió"
“Ngày không gió” là thi phẩm mới nhất của nhà thơ nữ Thụy Sơn, do NXB Hội Nhà văn ấn hành (tháng 6/2023), gồm 98 bài thơ chọn lọc với những trăn trở, đau đáu về quê xứ và nỗi niềm rất đàn bà, cuốn hút trong từng câu chữ.
Trong một buổi chiều còn vương trên đám cỏ vàng, tôi đã nhìn thấy người đàn bà “khoác vội chiếc khăn đi về phía dòng sông đời mình…”. Chị ấy đã bước đi ngược nắng ngược gió, nhặt nhạnh đủ mọi thứ… “đốn hạnh phúc, bẻ đắng cay, chất đầy khoang đò nhỏ, thả trôi bềnh bồng trong dòng sông hiện thực…”.
Và giờ đây, đúng vào một ngày không gió, người đàn bà lại tiếp tục hành trình: “ … xin làm người thắp nến/ Lửa nhóm trong thơ/ huyết lệ tâm hồn…”, để mà ước ao: “Tay không về với cỏ/ Nhẹ nhàng ôm/Dịu dàng ngủ đất ơi” (Xin làm người thắp nến).
Nhà thơ Thụy Sơn tên thật là Nguyễn Thị Sơn, SN 1959, quê quán: TP.Hội An, hội viên Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng. Các tập thơ đã xuất bản: “Như hạt bụi đam mê” (NXB Hội Nhà văn - 2017); “Trầm tích” (NXB Hội Nhà văn - 2019) và mới nhất là “Ngày không gió” (NXB Hội Nhà văn - tháng 6/2023).
Có thể nói, qua các thi tập khác nhau, dù với nhiều chủ đề, đan xen những nội dung và hình thức phong phú đa dạng, nhưng chung quy, bạn đọc vẫn dễ dàng nhận ra hình tượng nhân vật nữ trong thơ Thụy Sơn vẫn chỉ là một: người đàn bà mềm mỏng, dịu dàng, cô đơn, khát khao, trăn trở, hướng về chánh niệm…
Trên hành trình bước về phía trước, có khi ta gặp: “Người đàn bà giẫm trong bóng đêm/ Gùi cô đơn đi bên xe thổ mộ/ Đánh cược đời mình bên con dốc đổ dài/ Thở chậm/ Bước chậm/ Bóng người đàn bà vụn vỡ trong đêm” (Chiếc khăn choàng bỏ quên trên phố núi).
Có khi : “Người đàn bà giấu mặt/ sau dải khăn mây/ Dịu dàng phóng sinh… nỗi nhớ!”. Lại có khi : “Người đàn bà/ thấy chiếc áo thời gian chưa kịp cũ/ Đôi tay chai sần/lần mở một giấc mơ…”, “Người đàn bà cõng ngược mặt trời…”, “Người đàn bà gối đầu trên nửa giấc hoàng hôn…” (Nửa khuyết).
Thoáng qua, câu chuyện của người đàn bà trong ngày không gió, thật dễ cảm nhận như ta đang đứng trước vẻ đẹp buồn thơ mộng của nhân vật nữ trong những bức tranh lãng mạn của các họa sĩ thời phục hưng.
Tuy nhiên, nếu đồng hành sẻ chia cùng gần 100 bài thơ trong thi tập “Ngày không gió”, ta càng thấy rõ, ẩn sâu trong đó là chân dung của một người mẹ, một phụ nữ tảo tần mang trái tim thương yêu bao la: “Tiếng chổi khua rát lòng người mẹ/ Chị quét số phận về đâu/ rong ruổi những cung đường” (Là một quê hương).
Hình ảnh người mẹ ngày nay không còn giống ngày xưa: “Không còn nghe tiếng rao khuya/ tiếng guốc mộc sau hè…/ không còn bến sông mẹ ngồi giặt áo” nhưng “Trái tim người mẹ thời nào/ vẫn mãi là kỳ quan tuyệt hảo/ Vẽ đời con bằng huyết lệ trái tim mình” (Người mẹ thời 4.0).
Trái tim người mẹ vẫn muôn đời: “Một ngày mẹ còn hiện hữu dưới mặt trời này/ Xin làm sóng dìu thuyền con qua biển rộng/ Mẹ và con bơi giữa nghiệp trần thực mộng/ Cuộc chơi này cùng cút bắt chua cay…” (Lời người mẹ có con tự kỷ). Và dù ở bất cứ thời đại nào, tình mẹ vẫn luôn đong đầy, ấm áp: “Rồi mai/ lá cũng rời cây/ Còn trong tro bụi/ lời này… “YÊU CON” (Còn trong tro bụi).
Phảng phất chút phong vị cổ điển, chút màu sắc thiền học xen lẫn ngôn từ và thủ pháp hiện đại, thơ Thụy Sơn đầy quyến dụ, khiến người đọc không thể rời mắt, ngừng dòng suy tưởng.
Cứ thế, câu chuyện của người đàn bà trong ngày không gió dẫn dắt ta phiêu dạt qua những dư chấn quán không điệp trùng lấp lánh “Nỗi đau thế kỷ”, qua “Dòng sông tật nguyền”, cùng thắp “Nến nguyện cầu”, lắng nghe “Đêm chảy tràn qua đêm”… rồi trở lại “Về nguồn” - miền quê hương đất Quảng thân yêu: Đã uống/ giang Hoài nước đục trong/ Đã từng/ da thịt mặn sương đồng/ Đã mang/ hơi thở mùi hương đất? Hẹn…/ sẽ trôi về theo nhánh sông” (Hội An).